Hải Phòng sau 10 năm xây dựng nông thôn mới: Những kỳ tích được lập từ lòng dân

Vũ Thị Hải Thứ năm, ngày 17/10/2019 14:54 PM (GMT+7)
Sau 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Hải Phòng đã lập nhiều kỳ tích đáng nể, trong đó phải kể đến việc huy động được nguồn lực to lớn từ người dân với sự đóng góp sức người sức của lên đến 21.000 tỷ đồng, bằng 44,7% tổng nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới…
Bình luận 0

Chương trình hỗ trợ xi măng: Vốn Nhà nước 1, vốn người dân 10

Chương trình hỗ trợ xi măng làm đường thôn, xóm, khu dân cư là một điển hình về thu hút nguồn lực từ nhân dân ở Hải Phòng. Với chính sách Nhà nước hỗ trợ toàn bộ xi măng, người dân tự bỏ công, bỏ đất, bỏ sức để làm đường đã thu hút sự tham gia của đông đảo cư dân nông thôn.

img

Các tập thể và cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, ở khắp các vùng nông thôn, ở đâu cũng thấy làm đường ngõ, đường thôn tạo nên khí thế phấn khởi, nhà nhà làm đường, làng làng làm đường. Bộ mặt nông thôn đổi mới từng ngày nhờ những con đường thôn, đường làng được bê tông hóa, người dân hiến đất để nắn ngõ, mở đường rộng hơn. Nhiều làng quê còn làm được con đường bê tông thẳng tắp chạy thẳng từ nhà ra ruộng, bà con ra đồng không phải lặn lội đi bộ như trước mà có thể đi xe máy, thậm chí đi ô tô, góp phần quan trọng để triển khai cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn.

Kết quả là, trong 10 năm qua, toàn thành phố đã xây dựng được 3.328 km đường giao thông cấp thôn, xóm, làng.Theo tính toán của Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu QG Xây dựng NTM Hải Phòng, để làm được chừng ấy km đường, ngân sách thành phố chỉ chi 745 tỷ đồng(chiếm 14,2%) trong khi tổng nguồn lực thực hiện chương trình hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn là 5.201 tỷ đồng. Số tiền mà các địa phương đã huy động được nguồn lực từ nhân dân là 4.455 tỷ đồng(chiếm 85,8%).

Một số huyện có tỷ lệ đóng góp nguồn lực của người dân để làm đường giao thông nội đồng, thôn xóm, khu dân cư cao là: huyện Tiên Lãng đạt 91,54%, tỷ lệ ngân sách thực hiện là 8,46%; huyện Cát Hải đạt 91,45%, tỷ lệ ngân sách thực hiện là 8,55%; huyện Kiến Thụy đạt 85,82%, tỷ lệ ngân sách thực hiện là 14,18%.

Phần kinh phí đóng góp của nhân dân gồm 1,3 triệu ngày công, tương ứng 385 tỷ đồng; diện tích hiến đất 420ha đất, tương ứng 3.200 tỷ đồng và khoảng 915 tỷ đồng giá trị vật tư khác.  

img

Nông sản sạch đã được nông dân đăng ký truy xuất nguồn gốc.

Nếu tính toán đầu tư cho áp dụng theo quy trình đầu tư xây dựng cơ bản để hoàn thành 3.328 km đường trên (bình quân khoảng 2,3 tỷ đồng/km), thì số đầu tư là 7.654 tỷ đồng (chưa có tiền giải phóng mặt bằng). Nếu tính cả tiền đất là 3.211 tỷ đồng, thì tổng giá trị đầu tư của 3.328 km sẽ là 10.865 tỷ đồng.Trong khi đó, thực hiện chương trình này, toàn thành phố làm 3.328km chỉ hết 5.262 tỷ đồng, tiết kiệm được một nửa chi phí.

Thu nhập đầu người tăng 3,5 lần

Thành phố Hải Phòng đã xác định công cuộc xây dựng nông thôn mới không chỉ là vấn đề nâng cấp hạ tầng mà quan trọng hơn là nâng cao mức sống của người dân. Từ nhận thức đó, địa phương đã ban hành nhiều chính sách để phát triển kinh tế nông thôn, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, thuỷ sản thành phố cụ thể: Hỗ trợ 15% tổng kinh phí cải tạo đồng ruộng và hạ tầng sản xuất, 100% lãi suất vốn vay để xây dựng trang trại chăn nuôi; 10% kinh phí đóng mới ô lồng nuôi thủy sản vùng biển mở và 10% kinh phí đầu tư xây dựng vùng nuôi nhuyễn thể tập trung ở vùng triều ven biển; Hỗ trợ 10% kinh phí làm nhà bạt và 20% tiền mua con giống phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đông; 50% chi phí giống mới; 100% kinh phí chuyển giao kỹ thuật, chỉ đạo điều hành phát triển sản xuất cây vụ đông; Hỗ trợ 20% kinh phí xây dựng mới hầm biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi và 50% giá trị máy cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp.

Từ chính sách đầu tư đi vào cuộc sống, kinh tế nông thôn đã có bước phát triển đột phá, tạo thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 55 triệu đồng/người/năm (gấp 3,5 lần năm 2010), tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 giảm xuống chỉ còn 1% (cả nước còn 4,5%) so với 8,65% năm 2010.

Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, mỗi năm Thành phố dành từ 300 - 500 tỷ đồng ngân sách để hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, gấp 3 lần bình quân giai đoạn 2010-2015 (khoảng 100 tỷ đồng). 

Thành phố cũng dành nhiều tỷ đồng để mua hỗ trợ 1.377 tấn xi măng, 4,1 triệu viên gạch cho trên 400 hộ gia đình có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở xây mới, sửa chữa nhà.

Đặc biệt, năm 2018, thành phố đã bố trí gần 800 tỷ đồng hỗ trợ: 0,6 triệu đồng/hộ cận nghèo, 0,8 triệu đồng/hộ nghèo, 3,5 triệu đồng/hộ gia đình có công với cách mạng vào dịp tết tạo không khí phấn khởi trong nhân dân.

Nhân dịp tổng kết 10 năm, 2 tập thể vinh dự được nhận cờ thi đua, 84 tập thể và 298 cá nhân là những nông dân tiêu biểu vinh dự được lên sân khấu nhận bằng khencủa Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết , Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tôi rất cảm động khi thấy nhiều cụ lớn tuổi hôm nay lên nhận Bằng khen của thành phố, chứng tỏ nhận thức, đóng góp của người nông dân với công cuộc này rất lớn. Sức mạnh của chúng ta là từ người dân, và Hải Phòng đã thể hiện được điều này”

“Có thể nói, sau 10 năm thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo chuyển biến thực sự cả về lượng và chất đối với Hải Phòng, sự gắn kết liên kết giữa vùng đô thị hiện đại với khu vực nông thôn. Nông thôn Hải Phòng từ đây đã có sự thay đổi lớn, và chính vì thế, niềm tin của 55% dân số ở nông thôn Hải Phòng được nâng lên rất rõ…

Đây là một kết quả quan trọng của tinh thần chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân thành phố. Tôi nhận định rằng, Hải Phòng đã có đóng góp rất tích cực vào thành công chung của cả nước trong xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp và đặc biệt là nâng cao mức sống cho người nông dân”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

 “Hải Phòng đã nhanh chóng đạt được những bước cơ bản để về đích. Đến nay, Hải Phòng đã có 79 số xã về đích nông thôn mới, dự kiến hết năm 2019 sẽ đạt 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 50% số huyện cơ bản hoàn thành 99% chỉ tiêu huyện nông thôn mới, cao hơn cả nước 13%. Nhiều chỉ tiêu, tiêu chí đạt mức cao hơn trung bình cả nước, như đường giao thông, nội đồng được bê tông hóa; tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp tưới, tiêu chủ động đạt 100%; tỷ lệ hộ nông thôn được sử dụng nước sạch đạt trên 92%...Những thành công trong 10 năm xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng đã để lại cho Đảng bộ, chính quyền thành phố những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố chỉ có thể thành công khi chúng ta thực hiện dân chủ hóa, minh bạch hóa và huy động, phát huy được nguồn lực của nhân dân, bảo đảm sự tham gia một cách có trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp xây dựng thành phố.Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để triển khai Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, khu vực nông thôn sẽ tiếp tục là một trong những ưu tiên trong đường lối đầu tư, phát triển thành phố. Định hướng của chương trình xây dựng nông thôn mới tại thành phố Hải Phòng trong thời gian tới sẽ là xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu, văn minh, hiện đại...”- ông Lê Văn Thành- Ủy viên Trung ương Đảng Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem