Nhanh chóng triển khai chỉ thị 45 của Thủ tướng
Xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của địa phương, coi đây là cơ hội để chấn chỉnh, tái cấu trúc lại ngành thủy sản, nhằm tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật về chống khai thác bất hợp pháp, tổ chức thực hiện hiệu quả các khuyến nghị của EU, tuân thủ nghiêm các quy định về khai thác hải sản Quốc tế, gắn khai thác hải sản với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, khai thác hiệu quả, bền vững.
Bên cạnh đó, hàng loạt biện pháp giám sát việc khai thác hải sản được triển khai như: kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ra vào bến, xử lý nghiêm các tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển, hỗ trợ kịp thời tàu cá của ngư dân khi vươn khơi; phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố và các cơ quan đơn vị liên quan thực hiện việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định, kiểm soát chặt chẽ lượng hàng hóa khai thác trên biển.
Hải Phòng siết lại hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp (Ảnh: Thu Thuỷ)
Mặt khác, cơ quan này đã tổ chức cho 100% các tàu đánh bắt xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, buộc chủ tàu khai thác xa bờ hoặc thuyền trưởng phải thực hiện việc ghi nhật ký, báo cáo khai thác, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định đảm bảo bật 24/24h, bắt đầu từ khi xuất bến.
Xử phạt nhiều cá nhân vi phạm
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Hải Phòng, chỉ trong vòng 8 tháng qua, cơ quan này đã tiến hành 12 cuộc kiểm tra việc chấp hành các quy định khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xử phạt vi phạm hành chính 41 cá nhân vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 95.800.000 đồng. Các lỗi vi phạm được xử lý như: không đăng ký lại tàu cá theo quy định, không ghi biển nhận biết tàu cá, không có chứng chỉ chuyên môn… Tuy nhiên không có trường hợp nào vi phạm trái phép việc khai thác tại các vùng biển nước ngoài.
Chi cục Phó Chi cục Thủy sản Hải Phòng, Ông Đỗ Đức Thịnh cho biết, hiện nay Hải Phòng có 2.907 tàu cá trong đó có 1771 tàu dưới 20 CV, 742 tàu cá có công suất trên 90 CV đánh bắt xa bờ, 200 tàu trên 400 CV, 42 tàu tham gia khai thác tại vùng đánh cá chung Việt Nam- Trung Quốc. Đáng chú ý, ngư trường vùng biển Hải Phòng thường xuyên có hàng nghìn lượt tàu thuyền các loại của các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên đến khai thác.
Tuy nhiên, do đặc thù nghề khai thác thủy sản của Hải Phòng là nghề cá nhân quy mô nhỏ, tàu thuyền công xuất nhỏ, thiếu trang thiết bị khai thác đa loài nên rất khó khăn cho công tác quản lý. Mặt khác, vẫn còn thiếu phương tiện, con người, kinh phí để kiểm tra, kiểm soát trên biển nên rất hạn chế trong việc phát hiện và ngăn chặn các tàu có dấu hiệu đi khai thác vùng biển nước ngoài. Vì vậy, để làm tốt việc kiểm soát khai thác bất hợp pháp sẽ còn phụ thuộc phần lớn ở ý thức của ngư dân đi đánh bắt.
Mặc dù, sản phẩm thủy sản của Hải Phòng không trực tiếp xuất khẩu sang Châu Âu nhưng trung bình hàng năm có từ 2.000 - 3.000 tấn thủy sản xuất khẩu vào thị phần các nước áp dụng tiêu chuẩn thị trường Châu Âu như: Thái Lan, Singapore, Malaysia...
Trong 08 tháng qua, Chi cục Thủy sản Hải Phòng đã tiến hành thẩm định, cấp giấy chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác trong nước không vi phạm quy định về đánh bắt bất hợp pháp cho 14 lô hàng, đạt 623,6 tấn. Tất cả giải pháp cấp bách đó đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao kiến thức pháp luật cho ngư dân để ngư dân hiểu rõ, tuân thủ nghiêm mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước liên quan đến hoạt động nghề cá trên biển cũng như nắm vững các quy định của quốc gia có biển lân cận nhằm ngăn chặn, giảm thiểu, tiến tới loại bỏ tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định của các tổ chức, cá nhân Việt Nam cũng như nước ngoài trên vùng biển Hải Phòng. Từ đó, khắc phục cảnh báo của EC, đưa nghề cá phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.