Như Dân Việt đã thông tin, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cảnh sát giao thông, cho biết dự thảo "Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số thông qua đấu giá" nêu hai phương án.
Trong đó, phương án một quy định người trúng đấu thầu biển số xe được sử dụng song không được phép chuyển nhượng biển số trúng đấu giá. Phương án này tương tự quy định hiện hành.
Phương án hai, người trúng đấu giá biển số xe được sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp biển số trúng đấu giá. Như vậy người dân sở hữu biển số, khi bán phương tiện vẫn có thể giữ biển số lại để đăng ký cho phương tiện khác.
Bộ Công an đánh giá, phương án này giúp việc đấu giá biển số đạt hiệu quả cao hơn, tài sản công sẽ được khai thác tối ưu.
Tuy nhiên, việc cho phép chuyển nhượng sẽ tạo ra thị trường mua bán hoặc đầu cơ biển số, cách quản lý biển số trúng đấu giá sẽ khác biệt hoàn toàn với cách quản lý biển số hiện nay.
PV Dân Việt đã ghi nhận nhiều ý kiến xung quanh dự thảo "Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số thông qua đấu giá".
Độc giả tên Thanh bình luận: Biển số xe là để quản lý con người chủ sở hữu một chiếc xe, để người ta chịu trách nhiệm với những gì liên quan đến sử dụng chiếc xe. Không nên coi biển số xe để quản lý xe, vì xe đã có số khung, máy.
Khi quan niệm biển số xe là để quản lý người có xe, khi bán xe, chủ biển tháo ra và lắp vào xe khác (tất nhiên là phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước biết), biển xe sẽ theo người lái đến hết cuộc đời.
Khi xe gây ra tai nạn là người ta biết ngay xe này của ai vì biển xe gắn với người. Khi bán xe chưa mua xe mới thì nộp biển vào cơ quan công an, khi nào có xe mới thì làm thủ tục treo biển. Vậy không nên sang nhượng biển vì gây rất nhiều phiền phức.
Độc giả Nguyễn Thảo nếu quan điểm: "Tôi ủng hộ đấu giá biển số xe để cho vào ngân sách. Muốn có số đẹp người dân vẫn phải bỏ tiền ra mua. Tuy nhiên nên gắn biển số với xe, không được phép chuyển từ xe này sang xe kia và khi vòng đời xe hết là sở hữu sẽ không còn. Khi xe hỏng biển số cũng mất giá trị sở hữu".
Bạn đọc Lê Dung lại cho rằng, phương án một đã quy định đấu thầu rồi thì làm gì còn cho sang nhượng dưới bất kỳ hình thức nào nữa, chỉ cần một phương án duy nhất, nếu sang nhượng qua lại hóa ra thành mua bán thương mại.
Một bạn đọc khác bình luận: "Đúng là cái gì đã thuộc về văn hoá rất khó thay đổi. Tôi không biết cái biển số đẹp nó mang lại lợi ích gì? Nếu quá tin vào phong thủy vậy đơn giản quá, dồn tiền vào một chiếc biển số đẹp rồi cứ ngồi nhà chờ lộc và cả đời chẳng cần vất vả thêm.
Ở các nước phát triển, bạn muốn chọn biển số nào tuỳ bạn thích, chủ yếu họ chọn cho vui thôi, như sinh nhật chẳng hạn. Nhà còn bao việc, giờ lại phải bố trí bao nhiêu công chức đứng ra làm việc này. Mất thời gian mà không tạo ra sản phẩm cho xã hội".
Có nên coi biển số xe đấu giá là tài sản?
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, biển số xe từ trước đến nay là bấm số ngẫu nhiên chứ không hề gắn cụ thể cho riêng chiếc xe nào.
Tuy nhiên, thực tế mỗi khi ra đường chúng ta đều nhận thấy là biển số đẹp thường gắn với xe đẹp, xe đắt tiền.
Vị luật sư cho rằng, việc đưa đấu giá biển số đẹp để có nguồn thu đưa vào ngân sách nhà nước là việc làm rất sáng tạo bởi từ trước đến nay, việc cấp biển số chỉ thu được số tiền rất ít nhưng nếu đấu giá sẽ thu được nhiều tiền, có thể lên đến hàng tỷ đồng.
Theo luật sư Nam, khi biến biển số xe thành một tài sản chúng ta cần phải có những quy định thêm về nó để có thể chuyển nhượng được. Có thể gắn biển số xe này vào xe khác theo trình tự nếu được phép chuyển nhượng.
Nếu như bỏ ra một tỉ đồng để trúng đấu giá một biển số đẹp, vậy không thể gắn duy nhất vào một chiếc xe cố định. Trường hợp nếu gắn duy nhất với một xe duy nhất, sau này xe hỏng đồng nghĩa với việc là số tiền trúng đấu giá biển số đẹp cũng bị mất hoặc không thể sử dụng thêm. Chính vì vậy, việc đấu giá này cần phải nghiên cứu kỹ, để tăng giá trị.
Trong khi đó, luật sư Diệp Năng Bình cho biết, nội dung đề xuất đấu giá biển số xe lần này của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an có nhiều điểm chưa rõ, thậm chí có nội dung có dấu hiệu trái với quy định hiện hành.
Vị luật sư dẫn chứng, tại Khoản 22 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi sản xuất, sử dụng trái phép hoặc mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.
Tại Điều 54 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, xe cơ giới có nguồn gốc hợp pháp, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký và biển số.
Còn Bộ luật Dân sự 2015 xác định rõ tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Trong đó, bất động sản bao gồm: đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật. Còn động sản là những tài sản không phải là bất động sản.
Như vậy, căn cứ vào quy định hiện hành có thể xác định biển số xe chỉ là công cụ quản lý nhà nước, nó không được xem là tài sản để thực hiện các giao dịch mua, bán dân sự. Hành vi mua, bán biển số xe là hành vi vi phạm pháp luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.