Ngô Đình Nhu thua một người tù
Năm 1958, mật vụ của chính quyền Sài Gòn bắt được một cán bộ cấp cao của quân giải phóng. Người này có tên là Hai. Lần đầu hỏi cung, ông Hai nói thẳng với viên hỏi cung: Tôi bị bắt vào đây các ông có quyền hành hạ nhưng tôi sẽ không khai báo gì cả. Sau nhiều lần hỏi cung chẳng được gì, bọn mật vụ tức giận nên có lần chúng đánh ông luôn 3 ngày liền. Vào ngày thứ 2, chuẩn bị đánh thì ông ta xin phép cởi quần áo ra vì chỉ có một bộ sợ dính máu. Cởi xong đâu đấy đứng yên chịu đòn, không la hét hay rên rỉ. Hành động ấy khiến đám tra tấn cũng ngán nên đến ngày thứ 4 thì thôi.
Nhà đương cục lại đưa người tù này ra Huế cho Đoàn công tác đặc biệt của cậu Ngô Đình Cẩn tìm cách khai thác vì thời gian trước cách làm của Cẩn đã “thu phục” được một số phần tử kháng chiến cũ. Hàng ngày, Cẩn cho những người cách mạng đã chiêu hồi đến nói chuyện với người tù đó. Lợi dụng phong trào cách mạng miền Nam đang gặp khó khăn và khoét vào những sai lầm trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc để thuyết phục người tù này bỏ Cộng sản về với Quốc gia. Nhưng lần nào cũng vậy, người tù ấy chỉ nhẹ nhàng phân tích đập lại các lập luận thuyết phục mà không hề mắng mỏ những kẻ chiêu hồi là phản bội. Xem ra cách làm của Cẩn cũng không có tác dụng với người này.
Cố vấn Ngô Đình Nhu - nhà lý luận của gia đình họ Ngô. Ảnh: Internet.
Hết cách, Cẩn phải gọi cho ông anh Ngô Đình Nhu vốn có học thức và giỏi biện bác nhất nhà ra Huế để tranh luận chính trị với người tù kia, hy vọng có thể thành công. Cuộc gặp được tổ chức ở một tư dinh của Cẩn ở cửa Thuận An. Tham dự có Nhu, Cẩn cùng bộ hạ cùng ông Hai và một số tù chính trị.
Cuộc tranh luận diễn ra ở nhiều chủ đề. Từ sự chia cắt hai miền cho đến chế độ tốt xấu ra sao. Ông Nhu lắt léo đổ cho việc chia cắt hai miền là thỏa thuận của Nga và Mỹ hòng đưa cuộc chiến hiện tại sang cuộc đối đầu ý thức hệ. Với lập luận này, Nhu đã bịp được nhiều trí thức miền Nam. Nhưng rất tỉnh táo, ông Hai khẳng định nước Việt Nam là một dải từ Nam Quan đến mũi Cà Mau không gì chia cắt được.
Xoáy vào sai lầm cải cách ruộng đất, ông Nhu muốn chứng minh chế độ chính trị miền Bắc không tốt như tuyên truyền. Mặc dù đã bị giam vài năm, không được cập nhật thông tin xong ông Hai vẫn vững vàng phân tích: “Mặc dù gia đình tôi là địa chủ nhưng tôi không chấp nhận nhà tôi có hàng chục mẫu trong khi nông dân không có ruộng đất. Tôi tán thành cải cách ruộng đất nhưng không muốn cảnh đấu tố sai. Người ta làm ruộng là phải có ruộng đất. Nhưng tôi phản đối cách làm”.
Không chịu bị động, ông Hai cũng tấn công lại Ngô Đình Nhu rằng họ Ngô chẳng có chút độc lập nào. Đến một lúc nào đó, nếu không nghe Mỹ thì sẽ bị nó loại trừ thôi. Ông lập luận: “ Ông Diệm vay tiền làm đập Đa Nhim, nhưng Mỹ không cho. Các ông vay – họ không cho vay, các ông phải xin họ mới cho. Họ không tin các ông. Các ông mua hàng dân dụng ở đâu cũng phải do cơ quan viện trợ Mỹ chỉ định. Ít nhất 10% hàng chở về cũng phải bằng tàu Mỹ. Các ông phụ thuộc Mỹ. Viện trợ Mỹ là cái thòng lọng. Khi nào các ông chống họ, không nghe họ thì họ thắt lại, các ông hết thở thôi”.
Chỉ huy tình báo Trần Quốc Hương (người cầm gậy). Ảnh: SGTT.
Khi biên bản cuộc tranh luận này được gửi lên ông Diệm, ông ta nói: Ông Hai đó là Cộng sản ngoan cố nhưng nói nhiều điều phải suy nghĩ”. Ông Hai đây chính là Trần Quốc Hương, người chỉ huy trực tiếp của những điệp viên nổi tiếng như Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ. Trong thân phận một người tù, ông chẳng những không khiếp nhược mà còn khiến kẻ địch phải nghĩ ngợi trước những lập luận của mình. Thật là một sự kiện vô tiền khoáng hậu.
"Nữ tướng" trại Vân Đồn
Năm 1959, do bị chỉ điểm, một chỉ huy tình báo lợi hại khác của ta là Đinh Thị Vân cũng bị bắt. Sau khi mọi ngón tra tấn không thu được kết quả gì, đám an ninh quân đội của Đỗ Mậu đưa bà sang trại Vân Đồn. Đây là một trại theo mô hình trại giam của Đoàn công tác đặc biệt miền Trung. Ở đây, chúng không đánh đập mà dùng những thủ đoạn mị dân để làm thay đổi tư tưởng của người tù chính trị.
Trong hồi ký Tôi đi làm tình báo, bà Vân kể: “Ai vào đây cũng không bị đánh đập, trái lại được ăn uống rất ngon lành. Trí thức được chăm sóc đặc biệt. Cán bộ càng cao, càng được chúng chiều chuộng. Nếu là tỉnh ủy viên thì trưởng ban trực tiếp mắc màn cho, pha cà phê bưng xuống, sáng sớm đã mò đến hỏi thăm giấc ngủ. Những công việc như thế chúng làm rất kiên trì, không thay đổi, không nản lòng… Nó làm cho bạn thù lẫn lộn, trái phải lung tung. Đã có người ngộ nhận chính sách của nó là thật tâm”.
Nhà tình báo Đinh Thị Vân. Ảnh: Batinh.com.
Theo cách của Đoàn công tác đặc biệt miền Trung, trại Vân Đồn cũng đưa những người tù chuyển hướng đến thuyết phục Đinh Thị Vân. Mỗi lần như thế, bà lại giơ ra những vết thương còn chưa lành và trả lời rằng đánh như thế này mà bảo khoan hồng à. Có kẻ nào thuyết giảng về sự khoan hồng với tù chính trị thì bà một mực nói rằng bà chỉ là người đi buôn không cần biết chính sách khoan hồng gì cả.
Trong trại cấm nói chuyện nhưng bà hay đọc thơ. Lúc bà đọc thơ Đề Thám trả lời cha nuôi khuyên ông quy hàng Pháp, khi thì bà đọc đoạn Từ Hải chết đứng vì mắc lừa Hồ Tôn Hiến trong truyện Kiều. Dụng ý của bà là thức tỉnh những anh em khác đừng mắc mưu địch. Bọn chúng tức điên nhưng không làm gì được vì bà bảo bà đọc một mình đấy chứ.
Mỗi sáng thứ 2 bọn địch chào cờ, chúng bắt tù nhân ở trong phòng giam cũng phải đứng hết dậy chào cờ. Riêng bà cứ nằm một chỗ. Có hỏi thì bà bảo là tù thì không còn quyền công dân nên không chào với lại bà không chào cờ của cái chế độ bắt giữ và đánh đập bà oan ức. Không làm gì được chúng cũng đành ngơ đi. Những hành động hiên ngang của bà đã thức tỉnh và làm ánh sáng cho nhiều anh em tù đang chơi vơi trong trại này. Nhờ tấm gương của bà mà các anh em khác đã không bị thủ đoạn của bọn mật vụ lừa bịp.
Cả hai nhà tình báo kể trên đều phải đến khi Diệm bị lật đổ, chính quyền Sài Gòn rối ren mới được thả ra. Điều đặc biệt là trong 5, 6 năm giam giữ, họ đã tấn công tư tưởng đối với địch và tay sai của chúng làm thất bại thủ đoạn mị dân của chúng. Qua họ mà ta hiểu vì sao cách mạng miền Nam nhiều lúc gặp những hoàn cảnh rất gian truân ngặt nghèo nhưng cuối cùng vẫn giành chiến thắng vang dội.
Vũ Tiến Đức (Kiến Thức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.