Hai vấn đề 'trăn trở' của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc
Hai vấn đề 'trăn trở' của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc
H.Anh
Thứ hai, ngày 04/03/2024 07:14 AM (GMT+7)
Luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp nhà nước và vấn đề về lợi nhuận giữ lại là những nội dung khiến Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc băn khoăn, trăn trở.
Theo số liệu thống kê, 676 doanh nghiệp nhà nước hiện nắm giữ số tài sản trị giá hơn 3,8 triệu tỷ đồng (tính đến đầu năm 2023). Doanh nghiệp nhà nước được xác định có vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Tổng doanh thu ước thực hiện năm 2023 của doanh nghiệp nhà nước khoảng 1,65 triệu tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch năm 2023; trong đó doanh thu của riêng 19 Tập đoàn, Tổng công ty và Tập đoàn Viettel đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp nhà nước.
Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp nhà nước khoảng 125,8 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm; đóng góp ngân sách nhà nước ước thực hiện khoảng 166 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.
Công cụ điều tiết mặt trái của thị trường
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ông đánh giá rất cao vai trò của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vì không những đóng góp vào sự phát triển của đất nước mà đã giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, đóng góp rất nhiều cho ngân sách nhà nước.
"Nhưng vấn đề hết sức quan trọng là khi đất nước gặp khó khăn thì chính các đồng chí là những người lính tiên phong điều tiết những bất cập, những mặt trái của thị trường", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Ông dẫn chứng, nếu trong tiền tệ không có các ngân hàng thương mại nhà nước thì điều hành chính sách tiền tệ rất khó khăn; nếu không có các tập đoàn như Petrolimex thì vừa qua, ứng phó với khủng hoảng về năng lượng, xăng dầu rất vất vả;…
Đặc biệt, các doanh nghiệp nhà nước đã có rất nhiều đóng góp cho xã hội từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng đến việc chăm lo đời sống cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Trong báo cáo về ngân sách tài chính 2023, có 676 DNNN, trong đó có 19 tập đoàn và tổng công ty. Năm 2023 các doanh nghiệp này nộp 261.000 tỷ đồng tiền thuế, chiếm 17% thuế nội địa.
Riêng 2 tháng đầu năm đã nộp được 36.894 tỷ đồng. Những năm qua DNNN bền vững hơn trong các lĩnh vực kinh doanh, nợ thuế cũng ít hơn, hiện nợ thuế của DNNN là 17.032 tỷ đồng, còn các DN lĩnh vực khác khoảng 150.000 tỷ đồng.
Trăn trở của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng lưu ý một số vấn đề.
Thứ nhất, liên quan đến việc các doanh nghiệp có ý kiến nhiều về Luật thay thế Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, ông rất trăn trở và lấy ý kiến nhiều vòng nhưng có doanh nghiệp không quan tâm đến vấn đề thể chế và việc sửa luật, sau này khi thực hiện, sẽ gặp vướng mắc. Chính vì vậy, ông muốn được nghe ý kiến của các đồng chí để DNNN kinh doanh chủ động và hiệu quả.
"Chúng tôi muốn nghe ý kiến các đồng chí, đặc biệt là trong vấn đề tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, chúng ta quản lý đầu vào hay đầu ra? Chúng ta được quyền tự quyết trong vấn đề trả lương để thu hút người tài, giải quyết các vấn đề khoa học phát sinh,…", Bộ trưởng nêu rõ.
Hai là, về vấn đề lợi nhuận để lại. Ông cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề này bởi tăng vốn cho doanh nghiệp nào, đầu tư cho doanh nghiệp nào là do Thủ tướng Chính phủ quyết định, chúng ta không thể tạo cơ chế để đầu tư tràn lan, không biết hiệu quả như thế nào.
Tuy nhiên, theo ông Phớc cũng cần có chính sách để các doanh nghiệp nhà nước tự chủ trong trả lương.
"Tại sao các doanh nghiệp khác trả lương cao mà doanh nghiệp mình không trả lương cao được, tại sao bên ngoài đổi mới công nghệ mà mình không đổi mới được?", ông đặt vấn đề và nhấn mạnh, doanh nghiệp dùng vốn ngân sách nhà nước phải trình qua cấp này cấp khác mà yêu cầu cần phải đổi mới nhanh, nên Bộ Tài chính quan trọng hiệu quả của đồng vốn chứ không phải bó lại đầu vào.
Ba là, để doanh nghiệp phát triển, theo ông Phớc điều quan trọng là thị trường nhưng chúng ta phải chứng minh được chúng ta có sản phẩm tốt và có sức cạnh tranh.
Ông dẫn chứng: Như người Mỹ nói "nền kinh tế trọng cung" có nghĩa rất quan trọng đầu vào, đầu cung cấp. Người ta dùng điện sạch thì mình cũng phải dùng điện sạch, người ta dùng công nghệ mới mình phải dùng công nghệ mới và nguyên liệu tốt để tạo sản phẩm tốt, có sức cạnh tranh. Thị trường rất quan trọng vì nó đánh giá sản phẩm và đánh giá nỗ lực của ta.
Bốn là, về thể chế. Ông cho biết, chúng ta giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, kể cả Luật Đấu thầu vừa ban hành xong nhưng gặp vướng cũng đã sửa ngay trong Luật số 69.
Năm là, phải bàn đến kinh tế xanh, tuần hoàn là như thế nào và kinh tế số có vai trò ra sao? Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, đối với từng ngành nghề, chúng ta phải bàn tính kỹ, thiếu cơ chế phải trình Chính phủ để quyết cơ chế, vượt thẩm quyền Chính phủ thì trình Quốc hội để quyết sớm thì chúng ta mới có thể phát triển hùng mạnh và bền vững. Cốt lõi của nền kinh tế là doanh nghiệp mà doanh nghiệp vừa có vai trò trụ đỡ nhưng cũng là yếu tố đột phá của nền kinh tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.