Chính người đứng đầu ngành tài chính thông tin hiện có hơn 300 khoản phí và lệ phí đang tồn tại, chưa kể 21 khoản đóng góp khác được đặt ra nhiều khi cực kỳ phi lý.
Hôm nọ “đoàn công tác” của tổ dân phố dẫn đầu là tổ trưởng, theo sau là các ban, ngành như mặt trận, phụ nữ, bảo vệ tổ dân phố... đến nhà tôi thu tiền nghĩa vụ năm 2014 cho tổ. Mỗi người một cuốn sổ với tập biên lai nộp tiền. Nào là tiền cho ban lãnh đạo tổ, tiền mặt trận tổ hoạt động, phụ nữ hoạt động, bảo vệ dân phố hoạt động... và nhiều khoản phí, lệ phí khác, tóm lại là rất nhiều khoản thu.
Dù công tác ở cơ quan pháp luật chuyên tham gia thẩm định, tham gia ý kiến đối với các quy định về mức thu phí, lệ phí... nhưng tôi không khỏi lạ lẫm với những khoản đóng góp vô lý hoặc chưa hề nghe đến như quỹ bảo vệ dân phố, quỹ hội phụ nữ, chăm sóc trẻ em... với tổng số tiền khá lớn.
Đó là chưa kể các khoản thu đột xuất khác như ủng hộ ngày thiếu nhi, trung thu, thành lập Đoàn... mà người dân thường phải nộp quanh năm. Điều đáng nói là dù có đóng góp các khoản phí an ninh, phí trật tự thì tình hình mất an ninh trật tự, mất cắp ở tổ vẫn thường xuyên xảy ra, có báo cho bảo vệ dân phố thì vẫn như không, chẳng giải quyết được gì.
Có thể nói người dân hiện phải đóng rất nhiều loại quỹ, loại phí, lệ phí mà cơ quan nhà nước đã ban hành, như phí giao thông đường bộ, thuế nhà ở, phí môi trường, phí đăng kiểm, bảo hiểm, công chứng... còn lệ phí thì không thể thống kê hết.
Khoan sức dân là cực kỳ quan trọng, do đó, hạn chế thu các khoản đóng góp, phí, lệ phí hoặc các quỹ, nhất là các quỹ do chính quyền cơ sở “đẻ” ra là rất cần thiết, cấp bách. Điều này không những hạn chế tình trạng lạm thu, tùy tiện huy động các khoản đóng của người dân mà còn thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, phản ánh được chính sách xuyên suốt, nhân văn của Đảng và Nhà nước ta là của dân, do dân, vì dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.