Hạn hán ở Ninh Thuận - bao giờ nắng nóng thành... tài nguyên?

Công Tâm – Văn Nỷ Thứ hai, ngày 25/05/2020 14:18 PM (GMT+7)
Trong chuyến công tác tại Ninh Thuận đánh giá tình hình hạn hán mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Ninh Thuận là một vùng đất khó khăn nhất của cả nước về tài nguyên nước. Nếu biết lựa chọn đối tượng sản xuất, lựa chọn công tác thủy lợi phù hợp thì nắng nóng cũng có thể là một tài nguyên.
Bình luận 0

Khẩn trương hoàn thành công trình chống hạn

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Ninh Thuận, từ ngày 15/11/2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh không có mưa, mực nước trên các sông, suối ở mức thấp hơn xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tình trạng khô hạn thiếu nước xảy ra nghiêm trọng ở những nơi ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi.

Ninh Thuận - bao giờ nắng nóng thành... tài nguyên? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (thứ hai từ trái sang) thăm mô hình của Trang trại hữu cơ Tiên Tiến. Ảnh: P.V

Hiện, lượng nước tích tại 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ còn 25,25/194,49 triệu mét khối, đạt 12,98% dung tích thiết kế. Tình hình khô hạn diễn ra gay gắt, kéo dài đã ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất của nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt, tổng diện tích vụ đông xuân năm 2019-2020 bị thiệt hại 204,95ha. Tổng diện tích phải dừng sản xuất vụ đông xuân năm 2019-2020 do thiếu nước tưới là 7.873,8ha.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 251 hộ/940 khẩu thiếu nước sinh hoạt. Trong tháng 5/2020, nếu không có mưa, có khả năng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng tại các thôn trên địa bàn xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), xã Ma Nới (Ninh Sơn), xã Phước Trung (Bác Ái), thôn Tập Lá xã Phước Chiến (Thuận Bắc).

Trong bối cảnh hạn hán kéo dài, hiện tỉnh Ninh Thuận đang gấp rút thực hiện dự án chống hạn - hệ thống thủy lợi Tân Mỹ.

Báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận cho thấy, dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có dung tích 220 triệu mét khối. Tính đến ngày 22/5, dung tích tại 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ còn 23,94/194,49 triệu mét khối (chiếm 12,31%). 

Để ứng phó với diễn biến hạn gay gắt, kéo dài, nguy cơ xảy ra diện rộng, UBND tỉnh đã phối hợp với Ban quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 7 thực hiện hoàn thành công tác lấy nước từ hố thắm kênh chính Tân Mỹ để tiếp nước vào hồ Thành Sơn.

Từ ngày 10/3 đã thực hiện điều tiết nguồn nước từ hồ Thành Sơn về cửa xả Phước Nhơn vào kênh Bắc hơn 45.000m3 ngày đêm để bổ sung nguồn nước cho vùng cuối kênh Bắc phục vụ chống hạn, đồng thời chủ động cấp nước cho chăn nuôi các xã: Xuân Hải, Phước Trung và nước sản xuất cho 38,6ha cây trồng. Hoàn thành xây lắp đường ống tạm thời lấy nước từ tuyến kênh ống Tân Mỹ (TM10) xả nước về Suối Sa Ra (đập số 2 trên Suối Sa Ra) phục vụ công tác chống hạn cho vùng cuối khu tưới hồ Phước Trung tại thôn Mỹ Hiệp (xã Mỹ Sơn) khoảng 150ha cây đậu xanh, mía và phục vụ nước uống cho gia súc.

Đồng thời điều tiết nước Kênh Tây về suối Sông Dầu phục vụ hệ thống cấp nước sinh hoạt Hoà Sơn để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho hơn 864 hộ và các thành phần kinh tế khác tại xã Hòa Sơn.

Ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ NNPTNT chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công cửa đập chính, tiếp tục khảo sát để đầu tư hệ thống thủy lợi Tân Mỹ tạo thành "trái tim" cùng liên thông với các hồ chứa trong tỉnh.

Song song đó, tỉnh sẽ tập trung đền bù giải phóng mặt bằng để đến tháng 3/2021, hệ thống kênh chính được tích nước và bàn giao cho địa phương khai thác sử dụng. Đồng thời, mong muốn Bộ NNPTNT xem xét, đưa các hạng mục còn lại chưa đầu tư của dự án vào đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, góp phần khắc phục tình trạng hạn kéo dài, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, cho biết, Chính phủ đã quyết định đầu tư xây dựng dự án đại thủy lợi Tân Mỹ bằng một hồ chứa và các thiết chế công trình dẫn. Hồ này có sức chứa hơn 200 triệu mét khối, bằng tổng số 19 hồ chứa tỉnh này cộng lại. Đã thi công hoàn thành giai đoạn 1, đã tạo dòng chảy đưa về phía hạ du và đang tưới cho khoảng 6.500ha.

Hiện chủ đầu tư đang tập trung cao độ và tiến độ giai đoạn 2 bằng đập chính với cao trình trên 90m. Theo tiến độ đến tháng 3/2021, toàn bộ công trình của hồ Tân Mỹ bao gồm các hệ thống đập phụ và hệ thống đập chính chúng ta sẽ hoàn thành để đưa hồ vào tích nước.

Khai thác tiềm năng từ bất lợi

Đến thăm mô hình trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến (thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước), một trong những mô hình hiệu quả trên vùng đất hạn Ninh Thuận, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao sự sáng tạo và mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của nông dân.

Ông Nguyễn Văn Tiến – chủ trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến cho biết: "Khi tôi mới về đây khu vực này không có điện, không có nước tưới cho cây trồng. Từ năm 2018 gia đình tôi thí điểm và sau đó thấy thành công nên tiến hành nhân rộng làm năng lượng mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, mô hình có diện tích gần 30ha, hoạt động rất hiệu quả, vừa có điện, vừa chăn nuôi bò, trồng măng tây xanh…".

"Đây là mô hình khép kính theo không gian đa tầng, phía trên kinh doanh năng lượng mặt trời, phía dưới kinh doanh cả hệ thống cây trồng, vật nuôi mang tính bổ trợ với nhau. Dạng mô hình này không có thứ gì bỏ đi, mà triệt để khai thác để tạo ra những chuỗi có giá trị" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, Ninh Thuận là một vùng đất khó khăn nhất của cả nước về tài nguyên nước. Tuy nhiên, nếu biết lựa chọn đối tượng sản xuất, lựa chọn công tác thủy lợi phù hợp thì biến những tiềm năng nắng nóng thành tài nguyên quý để tổ chức ra sản phẩm hàng hóa. Muốn làm được điều đó, cần có sự vào cuộc của cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Cả hệ thống chính trị tập trung chống hạn

Để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, ngay từ cuối năm 2019, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch ứng phó hạn. Trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, ban ngành tập trung triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp ứng phó hạn trên tất các các ngành, lĩnh vực.

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đoàn đi kiểm tra thực địa hệ thống thủy lợi Tân Mỹ. Ảnh: P.V

Trong đó ưu tiên nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho chăn nuôi và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, nước tưới cho cây trồng lâu năm... Trọng tâm là giải quyết các khó khăn, vướng mắc để tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, phát huy công năng công trình tuyến đường ống kênh chính Tân Mỹ và các kênh nhánh. Xây dựng kế hoạch điều tiết nguồn nước của tất cả các hồ chứa nước và Hệ thống các công trình cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.

Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã chủ động phân bổ 37 tỷ đồng từ nguồn nguồn kết dư ngân sách tỉnh năm 2018 để đầu tư xây dựng các công trình cấp bách và các công việc liên quan phục vụ chống hạn, đồng thời thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn với tinh thần khẩn trương, ưu tiên cho công việc cấp bách nhằm đảm bảo sản lượng lương thực cho nhu cầu thiết yếu của người dân, không để cho dân đói, khát do thiếu nước; hạn chế tình trạng gia súc chết do thiếu thức ăn và nước uống, không để dịch bệnh trên người và gia súc, gia cầm phát sinh, hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng trên địa bàn.

Thế Quang


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem