Nếu như mọi năm, tình hình xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long diễn ra vào cuối tháng 1, tháng 2, thì năm nay, do ảnh hưởng triều cường làm cho nước biển lấn sâu vào cửa sông chính, khiến nước mặn xâm nhập vào nội đồng.
Ông Lê Hùng Cường, ở ấp Kinh Giữa 1, xã Kế Thành (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) trồng cỏ xung quanh gốc cây để tạo độ ẩm giúp tiết kiệm nước tưới.
Do có kinh nghiệm cũng như chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó nước mặn xâm nhập, người dân ở huyện Kế Sách đã kịp thời ngăn mặn, đảm bảo nước tưới tiêu cho vườn cây ăn trái.
Dẫn chúng tôi ra tham quan vườn bưởi của gia đình, ông Cường cho biết: “Vườn bưởi của gia đình trồng cũng hơn 15 năm. May mắn là đợt hạn, mặn 2015 – 2016, vườn cây không bị thiệt hại, cho nên cây vẫn cho trái đến bây giờ”.
Nói về cách ứng phó hạn, mặn cho vườn cây không bị ảnh hưởng, ông Cường cười và thổ lộ: “Thật ra, trong cái rủi có cái may. Đợt hạn, mặn năm đó ngay thời điểm gia đình ai cũng có việc nên không có thời gian chăm sóc vườn cây, cỏ mọc đầy vườn, ít tưới nước. Cũng nhờ vậy mà vườn cây không bị ảnh hưởng, nhờ cỏ tạo độ ẩm cho cây nên chỉ tưới tiết kiệm 1 tuần/lần”.
“Hiện tại, vườn cây của gia đình đều nuôi cỏ để tạo độ ẩm cho cây, chứ không dọn sạch cỏ như những năm trước nữa. Cùng với đó, hàng năm đều cải tạo các ao để trữ nước ngọt, đảm bảo đủ nước tưới tiêu, khi tới đợt nước mặn cũng không lo thiếu nước tưới” - ông Cường chia sẻ thêm. |
Thật vậy, thời điểm này, có đến vườn cây bưởi da xanh của gia đình ông Cường, tận mắt chứng kiến những cây bưởi có tuổi đời hơn thập niên cao, to đang cho trái sai trĩu cành.
Mỗi liếp cây trồng đều xen kẽ một cái ao trữ nước đã được thông thoáng. Với giải pháp để ứng phó mặn xâm nhập này, vườn bưởi da xanh của gia đình ông Cường đều cho thu hoạch năng suất cao, đảm bảo lợi nhuận.
Thị trấn An Lạc Thôn cũng là một trong những địa phương ở huyện Kế Sách bị ảnh hưởng xâm nhập mặn hàng năm. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề trồng rau màu, để đảm bảo nước tưới tiêu vào mùa khô và phòng chống nước mặn xâm nhập, các nhà vườn đã ứng dụng kỹ thuật tiên tiến như lót bạt, tưới tiết kiệm… đồng thời, thường xuyên kiểm tra cống bọng để phát hiện và ngăn chặn kịp thời nếu nước mặn xâm nhập.
Anh Nguyễn Tấn Thanh, ở ấp An Bình, thị trấn An Lạc Thôn (Kế Sách) cho biết: “Ở đây, bà con làm rẫy quanh năm, riêng vụ này thì nhiều bà con chuyển sang trồng dưa hấu để bán dịp tết. Do đã có nhiều kinh nghiệm trồng rẫy lâu năm và đồng thời được chính quyền địa phương kịp thời thông tin về nước mặn xâm nhập, cho nên hiện nay chưa có ruộng dưa nào nơi đây bị ảnh hưởng bởi nước mặn”.
Cũng theo anh Thanh chia sẻ, vài năm trở lại đây, bà con trồng dưa hấu đều sử dụng màng phủ để tạo độ ẩm cho ruộng dưa và do dưa hấu cần rất nhiều nước nên người trồng đã hạ liếp thấp cho rễ hút nước. Qua đó, tiết kiệm được nước tưới và an toàn hơn là không lo thiếu nước nếu nước mặn xâm nhập vào nội đồng.
Cải tạo ao trữ nước tưới cho vườn cây.
Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, điều kiện thủy văn và khí tượng mùa khô năm 2019 - 2020 sẽ gây ra tình trạng hạn, mặn hết sức gay gắt, nghiêm trọng trên địa bàn huyện Kế Sách. Do đó, ngành nông nghiệp đã có những biện pháp ứng phó hạn, mặn đảm bảo điều kiện sản xuất ở địa phương.
Đồng chí Vũ Bá Quan – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách cho biết: “Ngành Nông nghiệp huyện đã triển khai công tác ứng phó hạn, mặn mùa khô năm 2019 - 2020.
Cùng với việc hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác tập huấn vận động, hướng dẫn cụ thể cho nông dân các biện pháp canh tác cũng như các kỹ thuật tưới tiêu đảm bảo cho cây trồng, đơn vị còn kịp thời thông tin về tình hình diễn biến xâm nhập mặn để lấy nước hoặc ngưng lấy nước kịp thời và hướng dẫn áp dụng các biện pháp ứng phó”.
Qua đó, ngành Nông nghiệp huyện Kế Sách lưu ý đối với bà con nông dân: theo dõi thường xuyên thông báo tình hình xâm nhập mặn của ngành nông nghiệp; có kế hoạch lấy và trữ nước trong kênh mương vào các thời điểm thích hợp (trong con nước kém hoặc khi nước chưa đầy sông).
Đặc biệt, đối với các vườn có loại cây mẫn cảm với nước mặn như: sầu riêng, chôm chôm, bòn bon, măng cụt… cần có kế hoạch trữ nước và tưới thật hợp lý để tránh ảnh hưởng xấu đến cây trồng; áp dụng phương pháp tưới ướt – khô xen kẽ cho lúa.
|
Tuyết Xuân (Báo Sóc Trăng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.