Hạn nặng, chuyển đổi cây gì cũng chết, lỗ

Hoàng Chung Thứ bảy, ngày 02/04/2016 13:30 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh xâm nhập mặn được dự báo sẽ còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, giải pháp chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đang được Bộ NNPTNT cũng như các địa phương bị ảnh hưởng triển khai rộng rãi.
Bình luận 0

Thế nhưng, trên thực tế giải pháp này vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện.

imgTrên địa bàn xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang đã có hơn 30ha sả bị cháy khô do thiếu nước tưới. Ảnh:Đ.C.S

Với 3ha diện tích trồng lúa đông xuân vừa qua, hơn một nửa diện tích của gia đình ông Phùng Văn Nhịn ở ấp 2 (xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) bị thiệt hại do xâm nhập mặn. Ông  phải bơm nước vào ruộng liên tục gần nửa tháng để cứu lúa. Tuy nhiên, năng suất cũng không đáng kể, lúa bị lép lửng khá nhiều nên thương lái không chịu mua. Gần 15 triệu đồng chi phí đã không thể thu hồi.

Theo ông Nhịn, đất lúa bị xâm nhập mặn nặng nề như hiện nay, gia đình ông chỉ biết trông chờ đến mùa mưa mới tính toán phương án sản xuất. Không có nước ở kênh nên việc chuyển đổi sang trồng các loại rau màu cũng không khả thi.

“Gần ruộng lúa của gia đình tôi có một số hộ dân chuyển sang trồng cây bầu, mướp, sả… Tuy nhiên, do không có nước tưới nên chỉ có thể cầm cự đến giữa tháng 3.2016. Gia đình tôi đã trồng thử nghiệm cây sả trên diện tích hơn 1.000m2 nhưng cũng bị chết cháy hết”- ông Nhịn cho biết.

Cũng trong hoàn cảnh đó, chị Đặng Thị Thùy Hương, ấp 3, xã Tân Phước cho rằng, việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa sang các loại rau màu khác không dễ, do chân đất đã ngập phèn. Một số hộ đã thử trồng dưa hấu, bắp nhưng năng suất thấp. Không những thế, cũng cánh đồng đó, hàng chục ha diện tích trồng ớt ở huyện Gò Công Đông đang bị “bỏ phế” do không có đầu ra ổn định.

“Giá ớt trên thị trường hiện nay chỉ  7.000 - 10.000 đồng/kg, trong khi thuê 1 công lao động đã 100.000 đồng/người/ngày. Chỉ chi phí thu hoạch, người nông dân đã lỗ 3.000 đồng/kg. Tính toán kiểu gì cũng lỗ, cực chẳng đã chúng tôi mới phải bỏ hoang thế này”- chị Hương nói.

Theo tính toán của nhiều hộ sản xuất, sản xuất rau màu lời hơn so với trồng lúa. Nếu trồng lúa lợi nhuận khoảng 2 triệu đồng/công đất, thì rau màu có thể tới 5-6 triệu đồng/công. Tuy nhiên, sản xuất rau màu vẫn ít được quan tâm do đầu ra không ổn định.

Ông Trần Hoàng Bá - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang cho biết: “Việc chuyển vụ ở địa phương hiện còn nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở mức vận động người dân, do vướng đầu ra. Vẫn chưa có doanh nghiệp nào chịu đầu tư vào lĩnh vực này nên chúng tôi chưa xác định được nên chuyển loại cây, con gì để khuyến cáo cho bà con”. Bên cạnh đó, việc sản xuất các loại cây họ đậu, bắp phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng không hấp dẫn người dân, doanh nghiệp do giá thành cao hơn so với giá nhập khẩu.

Theo Sở NNPTNT TP.Cần Thơ, việc chuyển đổi cây trồng đang gặp nhiều khó khăn do diện tích trồng không tập trung. Điều này sẽ khó có thể chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng như không thể tạo thành vùng sản xuất đồng bộ để tạo ra sản lượng đủ để phục vụ yêu cầu thu mua của doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem