Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu tự sản xuất máy bay không người lái (UAV) tàng hình nhằm củng cố năng lực vô hiệu hóa hệ thống phòng không dày đặc của Triều Tiên.
Hồi tháng 7, máy bay chiến đấu do Hàn Quốc tự sản xuất này đã hoàn thành bay thử nghiệm lần đầu tiên. Chuyến bay thử nghiệm KF-21 là một phần của dự án trị giá 8.800 tỷ won (6,67 tỷ USD) được triển khai vào năm 2015 nhằm thay thế phi đội máy bay phản lực F-4 và F-5 đã lâu năm của Không quân Hàn Quốc.
Và đến đầu tháng 8 này, Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc (ADD) đã chọn Korean Air làm nhà thầu cho dự án UAV tham vọng mang tên "Dự án phát triển phi đội UAV tàng hình", chứ không phải là Korea Aerospace Industries, nhà sản xuất KF-21, Korean Air cho biết.
"ADD bắt đầu phát triển phi đội UAV vào tháng 11/2021 và đã hoàn thành thiết kế cơ bản. Chúng tôi đã có kế hoạch bàn về thiết kế chi tiết với Korean Air", ADD cho biết thêm.
Korean Air sẽ phát triển một hệ thống tổ hợp không người lái trong đó một máy bay có người lái sẽ được 3-4 UAV tàng hình hỗ trợ để cùng thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, bao gồm không chiến, tấn công không đối đất và giám sát.
"Phi đội UAV sẽ không chỉ hỗ trợ và hộ tống một máy bay có người lái, mà còn có thể thực hiện các nhiệm vụ riêng bao gồm giám sát, chiến thuật gây nhiễu điện tử và các cuộc tấn công chính xác khác", tuyên bố của ADD nêu rõ.
Thông báo của Seoul được đưa ra trong bối cảnh xung đột Ukraine đang diễn ra cho thấy rõ, các UAV đang trở thành một phần không thể thiếu trong chiến tranh hiện đại. Trong cuộc xung đột này, Nga và Ukraine đã sử dụng hàng nghìn UAVquân sựtấn công mục tiêu.
"UAV rõ ràng sẽ đóng vai trò là nhân tố quyết định trong mọi cuộc chiến và tất cả các quốc gia bao gồm cả các siêu cường như Nga, Mỹ đều ra sức phát triển các hệ thống tổ hợp không người lái như vậy", chuyên gia quốc phòng Shin Jong-woo thuộc Diễn đàn Quốc phòng Hàn Quốc nhận định khi trả lời phỏng vấn trangThis Week in Asia.
Hàn Quốc đã và đang phát triển UAV bao gồm máy bay trực thăng tấn công không người lái và máy bay giám sát trong khoảng một thập niên qua.
"Nhưng vấn đề là chiến lược phát triển các hệ thống làm việc nhóm có người lái và không người lái yêu cầu rất cao, cần những phần mềm trí tuệ nhân tạo hàng đầu và cực kỳ phức tạp, vốn sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức", chuyên gia Shin nói.
"Không ai có thể đoán được khi nào Hàn Quốc có thể phát triển một hệ thống như vậy", ông nói thêm.
Trong khi đó, nhà phân tích quốc phòng Lee Il-woo tại Mạng lưới Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, khái niệm về "đôi cánh trung thành" (The Loyal Wingman) - phương tiện không người lái đi cùng máy bay có người lái trong các nhiệm vụ chiến đấu - đã thu hút được chú ý trên toàn cầu. Đáng chú ý trong đó có chương trình Skyborg của Không quân Mỹ, với kế hoạch dự kiến là các UAV có thể được sử dụng để hỗ trợ các máy bay chiến đấu có người lái.
Chuyên gia Lee cho biết, các UAV như Kratos XQ-58 Valkyrie và Boeing Australia MQ-28 Ghost Bat được phát triển theo ý tưởng này.
"Việc sử dụng ồ ạt các UAV cũng có sức hấp dẫn rõ ràng đối với Hàn Quốc, bởi vì nước này không có phương tiện đáng tin cậy nào để vô hiệu hóa hệ thống phòng không điện tử dày đặc của Triều Tiên", ông Lee nói và cho biết thêm Hàn Quốc hiện đang dựa chủ yếu vào vũ khí của Mỹ.
UAV có sức hút nhờ chi phí bảo trì không đáng kể và không cần đào tạo phi công sử dụng như đối với máy bay có người lái, ông nói thêm.
"Chúng có thể thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu ở tiền tuyến trong khi các phương tiện có người lái có thể lùi an toàn về phía sau khi bị tấn công. Điều này có thể giúp làm tăng đáng kể phạm vi hoạt động của không quân", chuyên gia này nhận định.
Nhưng theo ông, Hàn Quốc sẽ phải mất 10 năm mới có thể kết hợp KF-21 (máy bay chiến đấu có người lái) với các UAV khả thi cho một hệ thống tổ hợp không người lái.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.