Hàng cây được Hà Nội lắp 40 camera chống trộm và "áo giáp sắt" bảo vệ quý cỡ nào?

Thanh Thúy Thứ ba, ngày 16/06/2020 13:25 PM (GMT+7)
Mới đây, trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (Cầu Giấy – Hà Nội) xuất hiện hơn 30 cây sưa đỏ được bao bọc kiên cố bởi rào chắn sắt và hệ thống camera an ninh chằng chịt. Nhiều người tò mò về giá trị thực sự của loại cây này, liệu có đáng để dày công bảo vệ như thế?
Bình luận 0

Để thực hiện dự án cầu vượt nút giao đường Hoàng Quốc Việt – Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy – Hà Nội), đơn vị thi công đã dịch chuyển hàng sưa đỏ lùi vào trong. Theo đó, 34 cây sưa được cắt tỉa theo kế hoạch rồi trồng thành hàng, cứ 3 mét lại có một cây. Để bảo vệ hàng cây này, chính quyền địa phương phối hợp với đơn vị thi công đã xây dựng hệ thống rào chắn kiên cố xung quanh gốc cây và cài đặt hơn 40 camera đề phòng trộm cắp.

Sưa đỏ được coi là một loại cây gỗ quý hiếm từ cổ Lai Hy, phần giá trị nhất của sưa đỏ là phần lõi gỗ trong của cây, có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau nên giá thành tương đối đắt đỏ.

Theo thông tin thống kê từ thị trường gỗ hiện nay, gỗ sưa được chia làm 2 loại khác nhau để định giá là sưa Bắc – sưa Nam và gỗ sưa già – gỗ sưa non. Tính đến cuối năm 2019, giá gỗ sưa non cả cây (độ tuổi 10 – 20 năm tuổi) được chia làm 5 loại chính tính theo đường kính và chiều dài của thân gỗ có giá lần lượt là: Loại 1: Từ 16 – 20 cm chất gỗ vân đẹp khoảng 5 triệu đồng/kg; loại 2: Từ 12 – 16 cm khoảng 2 triệu đồng/kg; loại 3: Từ 9 – 12 cm khoảng 1,5 triệu đồng/kg; loại 4: từ 7 – 9 cm giá khoảng 500.000 đồng/kg và loại 5: Dưới 7 cm, loại này là gỗ vụn không nên khai thác sớm.

Gỗ sưa già (cây gỗ trên 40 năm tuổi) được phân làm 2 loại là hàng ván và hàng không xẻ được ván đề làm đồ mỹ nghệ. Gỗ xưa già thuộc loại hiếm có khó tìm nên một số cây có đường kính lớn thường được mang lên phiên đấu giá. Mức giá dao động từ 20 triệu – 50 triệu đồng/kg tùy loại, nhiều cây lớn có giá trị lên tới vài chục tỷ đồng.

Hơn 30 cây sưa trồng trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài được xếp vào loại sưa đỏ non, tuy giá trị kinh tế không được xếp vào hàng “khủng” nhưng so sánh với các cây cảnh thông thường ở Hà Nội như: Bằng lăng; phượng; muồng hoàng yến… cây sưa có giá trị hơn hẳn nên cần hệ thống bảo vệ, hạn chế tối đa khả năng trộm cắp.

Các khâu lắp đặt hệ thống báo vệ được thực hiện trong gần 2 tháng đến nay đã gần hoàn thiện, mang đến một diện mạo hoàn toàn mới. Dưới đây là một số hình ảnh về hàng sưa đỏ bọc sắt trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài:

img

Để thực hiện dự án cầu vượt nút giao Hoàng Quốc Việt – Nguyễn Văn Huyên, một trong những vấn đề nan giải là dịch chuyển 35 cây gỗ sưa đỏ quý hiếm (Trong đó một cây chết, 34 cây sống)

img

Cây sưa được cắt tỉa theo kế hoạch cụ thể trước khi tiến hành bọc rào chắn.

img

Do kết cấu thân cây không giống nhau, mỗi cây có một bản vẽ riêng để tạo khung chắn phù hợp.

img

Sưa đỏ là loại cây thân gỗ, có dáng đẹp nên trồng ở vỉa hè để tạo bóng mát và cảnh quan.

img

Hệ thống camera khoảng 40 chiếc lắp xung quanh hàng cây đến quan sát. Ngoài ra, ban đêm còn có 2 người bảo vệ tới để trông chừng, đề phòng trộm cắp.

img

Toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất bảo vệ cho hàng sưa đỏ do Công ty Cầu đường Thăng Long chi trả.

img

Theo một nhân viên thuộc ban quản lý dự án cho biết, việc di chuyển vị trí hơn 30 cây sưa đỏ đồng thời tiến hành lắp đặt hệ thống bảo vệ cây đã được tiến hành cách đây 2 tháng và đang trong gia đoạn hoàn thiện.

img

Từng khâu nhỏ phải được thực hiện theo đúng bản thiết kế.

img

Các cây được đánh số thứ tự để phục vụ công tác bảo vệ và chăm sóc.

img

Toàn cảnh đoạn đường có 34 cây sưa đỏ được bọc sắt bảo vệ.

img

Dự án được thực hiện với kỳ vọng cải thiện cảnh quan môi trường, hạn chế tối đa rủi do với cây xanh. Tuy nhiên, câu hỏi “có cần thiết không?” vẫn khiến nhiều người dân băn khoăn tìm câu trả lời.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem