Ngày 2.8, ông Dương Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp
Buôn Ja Wầm (Đăk Lăk) cho biết, chiều hôm trước hơn 50 người dân (đều
trú tại thôn 2 xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar- Đăk Lăk) đã xông vào Lâm
trường Buôn Ja Wầm, tấn công các cán bộ tại đây khiến 4 người bị thương.
Anh Lê Thanh Hòa và những vết thương do người dân hành hung
Theo
thông tin từ ông Sơn, sáng 1.8, sau hơn 10 ngày thông báo, Lâm trường Buôn Ja Wầm
(đơn vị trực thuộc của Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Buôn Ja Wầm) đã tiến hành nhổ
bỏ hơn 200 cây tiêu, 50 cây cao su, và 0,5ha bắp của hai hộ dân lấn chiếm đất rừng,
trồng trái phép tại TK 550. Toàn bộ số cây trồng trên đều được người dân vừa trồng
trước đó không lâu.
Chiều cùng ngày, hơn 50 người dân (chủ yếu là phụ nữ) tại
thôn 2, xã Ea Kiết đã kéo nhau đến UBND xã để khiếu nại. Sau đó, nhóm người này
tiếp tục kéo đến Lâm trường Buôn Ja Wầm. Họ xông thẳng vào phòng giám đốc và lập
tức dùng đá và những vật dụng có trong phòng như để đánh những người đang có mặt
tại đây; đập phá đồ đạc trong phòng.
Mặc dù lực lượng Công an xã có mặt kịp thời
để can ngăn nhưng không thể giải tỏa được đám đông mà thậm chí người dân ngày
càng đến nhiều hơn. Cho đến khi có sự hỗ trợ của Công an huyện người dân mới chịu
vãn hồi.
Sự việc đã khiến 4 cán bộ của Lâm trường Buôn Ja Wầm là Lê Thanh Hòa,
Nguyễn Thanh Lộc, Trần Mạnh Kiên và Đỗ Ngọc Hiếu bị thương, 2 người phải nhập
viện. Trong đó, anh Hòa bị thương rất nặng với các vết thương trên đầu, tay bụng
do bị cắn và ly sứ đập vào.
Sáng 2.8, khi tiếp xúc với chúng tôi, anh Hòa vẫn
trong tình trạng máu me đầy người, đầu bị khâu nhiều mũi, bụng và tay bị cắn thủng
sâu. Hiện sự việc đang được Công an huyện này tiến hành xác minh, điều tra.
Thông
tin từ phía xã, ông Nguyễn Tấn Anh, chủ tịch UBND, cho biết, người dân đã trồng
hoa màu trái phép trên đất của lâm trường. Theo ông Sơn, phía Công ty đã thông
báo cho những hộ dân này về việc xâm canh trái phép và đồng ý cho họ tiếp tục sản
xuất nếu viết đơn mượn đất. Tuy nhiên các hộ dân này cho rằng đất mình đã khai
phá nên không chấp hành buộc đơn vị phải tiến hành phá bỏ.
Theo
ông Sơn, nguyên nhân sâu xa của sự việc này là do chính quyền thiếu kiên quyết
trong việc xử lý người dân lấm chiếm đất rừng. Giai đoạn 2006-2007, Công ty đã
phải chuyển gần 3000ha bị lấn chiếm về cho địa phương quản lý. Hiện hơn 350 ha
khác đang bị dân di cư tự do lấn chiếm làm rẫy, không thể xử lý được.
Mặc dù số
hộ dân này đã được bố trí tái định cư, định canh nhưng họ vẫn ở trong rừng và
tiếp tục phá rừng. “Khi để mất rừng, đất rừng thì đơn vị phải chịu trách nhiệm.
Thế nhưng chúng tôi không hề có quyền gì để xử lý. Bắt được người vi phạm giao
cho xã, xã giao cho huyện, huyện thả về, hôm sau họ lại vi phạm”- ông Sơn bức xúc.
Năm
2012, UBND tỉnh Đăk Lăk ra chỉ thị số 03 về việc tăng cường công tác quản lý, bảo
vệ rừng, xử lý vi phạm về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Trong
đó, cho phép các chủ rừng phối hợp với địa phương phá bỏ cây trồng, lều lán xây
dựng trái phép trên đất rừng. Thế nhưng khi chủ rừng “ra tay” thì gặp phản ứng
của người dân. Huyện không xử lý được hỏi tỉnh, tỉnh im lặng.
Về chỉ thị 03,
nhiều đơn vị trong đó có cả Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk cho rằng có nhiều bất cập,
không thể thực hiện, đề nghị tỉnh có chỉnh lý nhưng tỉnh cũng…tỉnh bơ. Tình trạng
này đã khiến cho người dân “được nước” không chỉ lấn chiếm đất mà còn khiếu kiện
khắp nơi. Hiện có 29 hộ dân tại thôn 2, xã Ea Kiết làm đơn kiện đến TƯ vì cho rằng
Công ty TNHH MTV Buôn Ja Wầm đã phá hoại hoa màu của họ.
|
Duy Hậu (Duy Hậu)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.