Lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao nhất trong 40 năm và giá khí đốt đã tăng mạnh kể từ tháng 4/2020, chi phí trung bình trên toàn quốc chạm mức 5 USD/gallon vào tháng 6.
Các ngân hàng thực phẩm đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu người dân trong bối cảnh các chương trình liên bang cung cấp ít thực phẩm phân phối hơn và nhiều khoản quyên góp từ các cửa hàng tạp hóa dần cạn kiệt.
Tomasina John nằm trong số hàng trăm gia đình xếp hàng bên ngoài Ngân hàng Thực phẩm St. Mary ở Phoenix. John cho biết gia đình cô chưa bao giờ đến ngân hàng thực phẩm trước đây bởi chồng cô làm nghề xây dựng và có thể dễ dàng chu cấp cho gia đình bốn đứa con của họ.
Đến đây, John đi cùng một người hàng xóm để chia sẻ chi phí xăng. Cô nói: "Chúng tôi thực sự không thể đi được bây giờ nếu không có sự giúp đỡ. Giá xăng quá cao".
Một người lao công có tên Jesus Pascual cũng có mặt trong hàng đợi. Anh nói: "Đây là một cuộc đấu tranh thực sự". Pascual ước tính anh chi vài trăm USD mỗi tháng để mua đồ thiết yếu cho hai vợ chồng và 5 đứa con của họ từ 11 đến 19 tuổi.
Cảnh tượng tương tự cũng lặp lại trên toàn quốc khi các nhân viên ngân hàng thực phẩm dự đoán về một mùa hè khó khăn.
Katie Fitzgerald, chủ tịch và giám đốc điều hành của mạng lưới ngân hàng thực phẩm quốc gia Feeding America, cho biết: "Có vẻ như mọi thứ sẽ không tốt hơn sau một đêm. Nhu cầu tăng mạnh đang thực sự làm cho những thách thức về nguồn cung trở nên phức tạp".
Việc phân phối thực phẩm từ thiện vẫn cao hơn nhiều so với số tiền được cung cấp trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, mặc dù nhu cầu đã giảm nhẹ vào cuối năm ngoái.
Các quan chức của Feeding America cho biết dữ liệu quý II phải đến tháng 8 mới sẵn sàng, nhưng họ chắc chắn rằng nhu cầu đang tăng vọt.
Trung tâm phân phối chính của ngân hàng thực phẩm Phoenix đã gửi các gói thức ăn cho 4.271 gia đình trong tuần thứ ba của tháng 6, tăng 78% so với 2.396 gia đình trong cùng tuần năm ngoái, phát ngôn viên của St. Mary, Jerry Brown cho biết.
Brown tiết lộ hơn 900 gia đình xếp hàng tại trung tâm phân phối mỗi ngày để nhận một hộp thực phẩm khẩn cấp của chính phủ chứa các loại thức ăn như đậu đóng hộp, bơ đậu phộng và gạo. Phát ngôn viên của St. Mary cho biết thêm các gói thực phẩm được cung cấp bởi các siêu thị địa phương như bánh mì, cà rốt và sườn heo kết hợp trị giá khoảng 75 USD.
Công việc phân phối của Ngân hàng Thực phẩm Cộng đồng Quận Alameda ở Bắc California đã trở nên bận rộn kể từ đầu năm, tăng từ 890 hộ gia đình lên 1.410 hộ gia đình chỉ trong khoảng 6 tháng, giám đốc tiếp thị Michael Altfest cho biết.
Tại Ngân hàng Thực phẩm Houston, ngân hàng thực phẩm lớn nhất ở Mỹ, trung bình họ phát đi khoảng 721.000 USD mỗi ngày. Theo phát ngôn viên Paula Murphy, con số này tăng từ khoảng 591.000 USD mỗi ngày trước đại dịch.
Các giám đốc điều hành ngân hàng thực phẩm cho biết nhu cầu tăng đột biến khiến họ mất cảnh giác.
Michael Flood, Giám đốc điều hành của Ngân hàng Lương thực Khu vực Los Angeles cho biết: "Năm ngoái, chúng tôi đã dự đoán nhu cầu sẽ giảm vào năm 2022 vì nền kinh tế hoạt động rất tốt. Vấn đề lạm phát này xảy ra khá đột ngột".
Flood nói thêm: "Rất nhiều người trong số này vẫn đang làm việc trong thời gian xảy ra đại dịch và thậm chí có thể thấy tiền lương của họ tăng lên. Nhưng giờ thì giá thực phẩm tăng vượt quá ngân sách của họ".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.