Chuyện nước ta trở thành quốc gia số 1 về xuất khẩu gạo không thể không vui mừng và tự hào. Đã qua rồi chiến tranh, đã qua rồi thời kỳ sai lầm một cách khó hiểu khi ruộng đất cha chung không ai khóc, thực chất là giao cho cán bộ, mấy ông quản lý HTX, nông dân trống dong cờ mở đi làm đồng nhưng “vui là chính”.
Cũng đã qua thời đất nước có nền văn minh lúa nước lâu đời vào loại nhất thế giới, ruộng đất phì nhiêu, mưa gió thuận hòa, vậy mà phải nhập bo bo. Cũng hết cái thời bố mẹ là nông dân chính cống mấy đời mà phải cuốc bộ ra thành phố xin con mấy bơ gạo để chống đói vì con có sổ gạo, còn bố mẹ chỉ có công điểm nhưng không có thóc...
Vậy mà thời gian thấm thoắt, cũng đất nước ấy, cũng nông dân ấy, cũng cơ bản là cái lưỡi cày và con trâu, chiếc máy ấy mà ta đã đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ. Đứng đầu về bom nguyên tử, về tàu vũ trụ, về máy tính, về ô tô cũng oai, nhưng hỏi có gì “chắc bụng” hơn là đứng đầu về xuất khẩu gạo? Trong các thứ an ninh hỏi có thứ an ninh nào giá trị bằng “an ninh lương thực”?
Tự hào vì hàng đầu! Tự hào vì nông dân Việt một sương hai nắng góp phần đáng kể nuôi 80 triệu đồng bào no ấm, còn nuôi thêm được hàng chục triệu dân nước ngoài nhờ bán ra 7 triệu tấn gạo. Tự hào và biết ơn cha ông đã để lại cho nông dân ta cái nghề siêu việt trồng lúa nước cùng với bờ xôi ruộng mật...
Nhưng tự hào, ca ngợi, tiến lên hàng đầu, rồi tiến đi đâu? Tiến lên hàng đầu rồi tiến lên trên. Xuất khẩu gạo tiến lên hàng số 1 thế giới nhưng nông dân vẫn là tầng lớp nghèo nhất, thiệt thòi nhất trong việc phân phối phúc lợi quốc gia. Nâng đỡ nông dân bằng cách mua gạo dự trữ, tự rời bỏ vị trí xuất khẩu số 1 như Thái Lan, họ làm được nhưng ta không thể làm vì ngân sách ta nghèo.
Chưa thể đưa mức sống nông dân lên hàng đầu (điều chưa thấy nước nào làm được) nhưng cải thiện vị thế của nông dân trong nền kinh tế, xóa bỏ định nghĩa phũ phàng “nông dân có nghĩa là nghèo” là việc khó nhưng phải làm quyết liệt. Nếu không làm thì vị trí hàng đầu sẽ sớm mất vì nông dân không được khuyến khích, không phấn khởi, không tái đầu tư được thì lấy gạo đâu mà xuất khẩu?
Hàng đầu nhưng chưa thể vui trọn, chưa thể an tâm. Cho nên có thương hiệu gạo ổn định lâu bền, có nền sản xuất tiên tiến, có một nông thôn mới khá giả, “hàng đầu rồi tiến lên trên” là một khát vọng nghiêm túc chứ không phải một câu thơ đùa!
Nguyễn Quang Thân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.