Hàng loạt doanh nghiệp đầu tư nuôi hàng triệu gà đẻ trứng vào Tây Ninh để xuất khẩu sang "thị trường Halal" 2 tỷ dân

Nguyên Vỹ Thứ hai, ngày 20/05/2024 10:04 AM (GMT+7)
Tại chuỗi sự kiện đầu tư về nông nghiệp mới đây ở Tây Ninh, hàng loạt doanh nghiệp lớn đã công bố các dự án đầu tư chăn nuôi lớn nhằm xuất khẩu sản phẩm trứng và thịt sang "thị trường Halal" (các nước Hồi giáo) với tiềm năng dân lớn, khi dân số chiếm đến 2 tỷ người.
Bình luận 0

Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi muốn tiếp cận thị trường Halal

Công ty TNHH QL Farms là công ty 100% vốn đầu tư từ tập đoàn QL Resources Malaysia. Hiện công ty có 2 trang trại chăn nuôi gà đẻ thương phẩm với quy mô 1 triệu gà đẻ/trại ở huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh). Sản lượng trứng đạt trên 600 triệu trứng/năm.

Công ty QL đang xuất khẩu chính ngạch trứng gà tươi sang một số thị trường ngoài nước, chiếm 3-5% tổng sản lượng. Trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, công ty xuất khẩu sang thị trường Hong Kong và Maldives được 35.758.800 trứng, chiếm khoản 4% tổng sản lượng trứng.

Lãnh đạo Bộ NNPTNT trong một lần tham quan khu sơ chế đóng gói trứng gà của Công ty QL, Tây Ninh. Ảnh: Minh Dương

Lãnh đạo Bộ NNPTNT trong một lần tham quan khu sơ chế đóng gói trứng gà của Công ty QL, Tây Ninh. Ảnh: Minh Dương

Đại diện Công ty QL cho biết đang có kế hoạch xây dựng thêm trại gà đẻ thứ 3 với cùng quy mô 1 triệu trứng/ngày. Dự kiến giai đoạn năm 2026-2030, tổng sản lượng trứng của công ty có thể đạt 750-900 triệu trứng/năm.

Đặc biệt, công ty muốn mở rộng thị trường xuất khẩu vào thị trường Halal và các nước khác như: Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Công ty QL đang rất cần sự tham gia của Bộ NNPTNT và Cục Thú Y trong việc đàm phán với các nước nhập khẩu khó tính cho phép nhập khẩu trứng tươi từ Việt Nam.

Tập đoàn De Heus hiện đã có nhà máy giết mổ ở miền Bắc. Trong năm 2024, De Heus sẽ đầu tư thêm nhà máy giết mổ, chế biến trong miền Nam và hướng đến mục tiêu xuất khẩu.

Kế hoạch này bao gồm việc cung cấp thịt gà tới người tiêu dùng Việt Nam, cùng với tìm kiếm cơ hội xuất khẩu vào thị trường Hồi giáo và các thị trường tiềm năng khác.

Một khu chăn nuôi công nghệ cao do Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư. Ảnh: T.L

Một khu chăn nuôi công nghệ cao do Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư. Ảnh: T.L

Tập đoàn De Heus hiện đang hợp tác cùng Bộ NNPTNT, Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam bộ khác xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà đạt chuẩn quốc tế. De Heus cũng đang phối hợp các cơ quan chuyên môn xây dựng các tiêu chuẩn, các giải pháp xuất khẩu thịt gà, các sản phẩm chế biến từ thịt gà, trứng gia cầm sang các nước Hồi giáo (thị trường Halal) và các thị trường tiềm năng khác.

Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc khu vực châu Á Tập đoàn De Heus cho biết, một số quốc gia Hồi giáo có nhu cầu nhập khẩu gà nguyên con. Đây là cơ hội tốt để sản phẩm thịt gà của Việt Nam có thể thâm nhập, và từng bước khẳng định thương hiệu.

Tây Ninh sẽ xuất khẩu sản phẩm gia cầm vào thị trường Halal

Ông Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, thị trường Halal được đánh giá là một thị trường tiềm năng với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và là cơ hội cho Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp Halal.

Thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo, hiện phục vụ khoảng 2 tỷ người trên thế giới. Thực phẩm Halal được hiểu là những sản phẩm được cho phép, hợp pháp để sử dụng theo Luật Hồi giáo. Các sản phẩm này phải đạt được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ các thành phần nhỏ nhất đến khâu chế biến, vận chuyển.

Ông Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh chia sẻ về cơ hội tham gia thị trường Halal của Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh chia sẻ về cơ hội tham gia thị trường Halal của Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tây Ninh có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong thu hút vốn FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tại Tây Ninh, sản phẩm thực phẩm rất đa dạng, rất giàu tiềm năng để xuất khẩu vào thị trường Halal.

Ngày 14/2/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 10/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030". Đề án tạo hướng đi mới, giúp khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng và có quy mô lớn.

Để phục vụ thị trường xuất khẩu, năm 2023, Cục Thú y, Sở NNPTNT các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Tây Ninh, Long An và Công ty TNHH De Heus đã ký thỏa thuận phối hợp tổ chức xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn, giai đoạn 2023-2028.

Lộ trình đến tháng 12/2025 sẽ hoàn thiện và được nước nhập khẩu chấp nhận chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh. Toàn bộ cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến thịt gà bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và được chứng nhận HACCP, GlobalGAP, ISO 22000, Halal.

Tỉnh Tây Ninh đang tổ chức xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn để tiếp cận thị trường Halal. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tỉnh Tây Ninh đang tổ chức xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn để tiếp cận thị trường Halal. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tín hiệu vui là một số thị trường Halal đã chủ động tìm khách hàng cung cấp từ Việt Nam. Hiện các cơ quan chức năng và doanh nghiệp Ai Cập sẵn sàng hợp tác để nhập khẩu thực phẩm Halal. Ai Cập cũng có chương trình hỗ trợ cho các chuyên gia của Việt Nam để đào tạo một số kỹ thuật, tiêu chuẩn về việc chuẩn bị và chế biến thực phẩm Halal.

Ngoài ra, Tây Ninh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh trong những năm tiếp theo; đồng thời tăng cường triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030", Phó Chủ tịch Trần Văn Chiến chia sẻ.

Muốn xuất khẩu thịt sang thị trường Halal, trước khi giết mổ vật nuôi, phải nói trước từ: Allah

Cục Chăn nuôi cho biết, thịt đạt tiêu chuẩn Halal khác thịt bình thường, với 5 dấu hiệu: Người giết mổ phải nói trước từ Allah (nghĩa là Chúa trời); động vật phải được giết mổ ở khe cổ họng với dụng cụ được mài sắc để đảm bảo tính nhân đạo; động vật phải còn sống trước khi giết mổ; thịt Halal không dính máu, sau khi hoàn tất quá trình giết mổ, thịt phải được treo ngược lên để máu chảy hết ra; cuối cùng là động vật không được cho ăn những thức ăn làm từ động vật khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem