Hàng loạt dự án cao tốc trọng điểm ở miền Tây vẫn gặp khó khăn do thiếu cát san lấp

Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 16/10/2024 10:27 AM (GMT+7)
Sáng 16/10, tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bình luận 0

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm báo cáo với Thủ tướng, hàng loạt dự án cao tốc trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gặp khó khăn thiếu cát san lấp.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, hiện nay, khu vực ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông, với tổng vốn đầu tư khoảng 106 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 8/9 dự án đang tổ chức thi công (dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025).

Hàng loạt dự án cao tốc trọng điểm ở miền Tây vẫn gặp khó khăn do thiếu cát san lấp - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL. Ảnh: H.X

Trong tổng số 8 dự án giao thông đang triển khai, 6 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm 4 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 207km (dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án Đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ; dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; dự án thành phần 1 Cao Lãnh - An Hữu) và 2 dự án cầu, đường bộ (dự án đường HCM đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận và dự án cầu Rạch Miễu 2).

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027. Dự án thành phần 2 Cao Lãnh - An Hữu (tỉnh Tiền Giang) và dự án cầu Đại Ngãi hoàn thành năm 2027.

Hàng loạt dự án cao tốc trọng điểm ở miền Tây vẫn gặp khó khăn do thiếu cát san lấp - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm báo cáo Thủ tướng về tiến độ thực hiện các dự án cao tốc ở ĐBSCL. Ảnh: H.X

Đến nay, các đơn vị thi công đã huy động 6.500 nhân lực, 2.200 thiết bị thi công các dự án trên. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ so với kế hoạch từ 4% đến 15%.

Ông Lâm cho biết, nguyên nhân chủ yếu do thiếu cát đắp nền cho các dự án cao tốc. Việc này gây lãng phí lớn về thời gian, nguồn lực của các nhà thầu, ảnh hưởng hiệu quả thi công và tiến độ hoàn thành các dự án.

Đặc biệt, đối với dự án Cần Thơ - Cà Mau và Đường HCM cần hoàn thành công tác gia tải chậm nhất vào 31/12/2024 mới có thể hoàn thành dự án vào 31/12/2025. Tuy nhiên, hiện nay, tại dự án Cần Thơ - Cà Mau, công suất khai thác, cung ứng cát đắp hàng ngày mới chỉ đạt 54.000m3/76.000m3. Tại dự án Đường HCM hiện mới chỉ thi công các công trình cầu, đào bóc hữu cơ do chưa hoàn thành thủ tục cấp mỏ. Vì vậy, nếu không kịp thời bổ sung nguồn vật liệu cho các dự án để đạt công suất theo nhu cầu trong tháng 10/2024 sẽ rất khó đáp ứng tiến độ.

Hàng loạt dự án cao tốc trọng điểm ở miền Tây vẫn gặp khó khăn do thiếu cát san lấp - Ảnh 3.

Thi công dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đoạn qua tỉnh Hậu Giang). Ảnh: H.X

Về cát sông, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã tích cực rà soát, xác định được nguồn cát sông 72,3 triệu m3/ nhu cầu 65 triệu m3. Các địa phương đã nỗ lực triển khai thủ tục cấp mỏ vật liệu, tuy nhiên, do thời gian thực hiện các thủ tục còn kéo dài và công suất khai thác các mỏ còn hạn chế nên chưa đáp ứng yêu cầu thi công.

Về nguồn cát biển, tại dự án thành phần cao tốc Hậu Giang – Cà Mau, các nhà thầu đã huy động tổng số 18 tàu hút và hơn 200 xà lan để khai thác, vận chuyển cát biển từ mỏ thuộc tỉnh Sóc Trăng. Đến nay, đã đưa về công trường được 0,425/tổng nhu cầu 2 triệu m3.

Cũng đối với nguồn cát biển, tại dự án Đường HCM, các nhà thầu đã hoàn thành công tác khảo sát mỏ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, trữ lượng khoảng 1,0 triệu m3, đang hoàn tất thủ tục cấp mỏ. Tại dự án thành phần 4 (do tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư) thuộc cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, các nhà thầu đã hoàn thành thủ tục cấp 1,2 triệu m3, đang hoàn thiện thủ tục giao khu vực biển.

Về nguồn đá dăm, tổng nhu cầu của các dự án khoảng 8,03 triệu m3. Đây cũng là “thách thức” lớn đối với khu vực ĐBSCL, cần phải được tập trung giải quyết theo phương châm “đi trước một bước”.

Để chủ động nguồn đá cung ứng cho các dự án, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tỉnh An Giang triển khai thủ tục để khai thác trở lại mỏ đá Antraco trong tháng 8/2024. Hiện nay, UBND tỉnh An Giang vẫn đang thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ và dự kiến tổ chức đấu giá quyền khai thác theo quy định của Luật khoáng sản. Tuy nhiên trình tự, thủ tục mất nhiều thời gian (khoảng 12 tháng) và không kịp cung ứng vật liệu cho dự án Cần Thơ - Hậu Giang.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem