Hàng loạt khó khăn trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018

Mỹ Quỳnh Thứ ba, ngày 13/12/2022 15:17 PM (GMT+7)
Tại Hội nghị đánh giá triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các địa phương đã nêu ra hàng loạt những khó khăn cần tháo gỡ.
Bình luận 0

Ngày 13/12, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị đánh giá triển khai thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đến năm học 2022 – 2023 tại TP.HCM. 

Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng, Nguyễn Hữu Độ và lãnh đạo các sở GDĐT trên cả nước.

Sau khi đánh giá tình hình triển khai chương trình GDPT 2018 đến năm học 2022 - 2023, báo cáo về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, chuẩn bị đội ngũ... Hội nghị được chia thành 3 nhóm để thảo luận.

Hàng loạt khó khăn trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 - Ảnh 1.

Hội nghị đánh giá tình hình triển khai chương trình GDPT 2018. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Quá trình thảo luận, các nhóm đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chương trình GDPT 2018.

Hàng loạt khó khăn, vướng mắc

Tại buổi thảo luận nhóm phía Nam do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì, ông Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Cà Mau chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong việc áp dụng chương trình GDPT 2018 là thiếu giáo viên. Hiện, giáo viên ngoại ngữ, tin học để dạy từ lớp 3 bị thiếu rất nhiều. Tỉnh đã khẩn trương tuyển dụng, nhưng nguồn tuyển rất khó.

Để giải quyết vấn đề này, Cà Mau phải áp dụng việc tăng giờ dạy, tăng buổi thỉnh giảng, điều giáo viên cấp 3, cấp 2 xuống dạy bậc tiểu học.

Hàng loạt khó khăn trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 - Ảnh 2.

Ông Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Cà Mau tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Bên cạnh đó là những khó khăn trong việc thẩm định, phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương. Theo ông Dự, tỉnh này đã hoàn thành biên soạn từ rất sớm, nhưng thủ tục nhiêu khê, phải thông qua nhiều bước như lấy ý kiến các sở, ban ngành, chờ thẩm định... nên bị kéo dài.

Đồng tình với những khó khăn này, ông Phạm Ngọc Hải - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, hiện Tây Ninh đang thiếu 1.100 giáo viên, trong đó giáo viên mầm non đang thiếu trầm trọng. Nguồn tuyển dụng không có, nhất là các vùng sâu vùng biên giới của tỉnh này càng khó khăn trong tuyển dụng. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên mỹ thuật, âm nhạc, tiếng Anh các cấp đều thiếu.

"Ngành giáo dục tỉnh Tây Ninh đang áp dụng nhiều giải pháp như đặt hàng đào tạo, trình UBND tỉnh thực hiện chính sách thu hút giáo viên mầm non ở các vùng khó tuyển... nhưng vẫn còn lấn cấn nhiều vấn đề nên chưa trình được HĐND quý này mà phải qua đầu quý sau", ông Hải chia sẻ.

Ngoài ra, khó khăn về mua sắm tài sản, trang thiết bị cơ sở vật chất - trong đó vấn đề về giá cả là một khó khăn, áp lực lớn.

Hàng loạt khó khăn trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì nhóm thảo luận phía Nam. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Chế độ phụ cấp giáo viên chưa hợp lý

Là địa phương có số học sinh đông bậc nhất cả nước, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết, cũng như các địa phương khác, TP.HCM cũng gặp nhiều khó khăn trong triển khai chương trình GDPT 2018. Vì là địa phương có tỷ lệ học sinh tăng hằng năm cao nên việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày đang gặp khó khăn lớn. Hiện tại, ở bậc tiểu học, có 74% học 2 buổi/ngày, có những quận huyện chỉ đạt trên 20% học 2 buổi/ngày.

Thêm vào đó, còn sự mâu thuẫn trong việc dạy dạy 2 buổi/ngày. Một số trường dạy 2 buổi/ngày ở chương trình cũ vẫn được hưởng kinh phí từ việc dạy buổi hai. Trong khi đó, các lớp 1, 2, 3 dạy chương trình GDPT 2018 (bản thân chương trình này là dạy 2 buổi/ngày) nên không được bồi dưỡng thêm. 

Do đó, ông Hiếu đề xuất cần xác định buổi tối thiểu trong việc dạy 2 buổi/ngày, để những buổi còn lại có thể xã hội hóa các hoạt động khác trong nhà trường để có thêm nguồn thu cho giáo viên, đồng thời giúp học sinh tăng cường các hoạt động, đáp ứng theo nhu cầu phụ huynh.

Hàng loạt khó khăn trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM chia sẻ những khó khăn tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Một khó khăn khác là giờ nghĩa vụ của giáo viên tiểu học. Ông Hiếu cho biết, giáo viên tiếng Anh, tin học, âm nhạc là giáo viên bộ môn, nếu tính như giáo viên tiểu học thì họ dạy rất nhiều lớp, nhiều sổ sách công việc hành chính xung quanh giờ dạy... nên rất cực. 

Trong khi đó, giáo viên tiểu học dạy nhiều môn tính buổi, nếu tính 2-3 tiết nghĩa vụ trong tuần là hợp lý. Việc xem giáo viên bộ môn như giáo viên tiểu học khiến thành phố rất khó tuyển dụng, tuyển được thì khó giữ chân.

Ngoài ra, ông Hiếu mong rằng, Bộ GDĐT tiếp tục kiến nghị để có chế độ phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, nhất là giáo viên vùng sâu vùng xa và giáo mầm non. Trong đó, có thể tăng 100% cho phụ cấp ưu đãi cho mầm non; giáo viên tiểu học tăng 50%, giáo viên THCS-THPT tăng 40% để khuyến khích, giữ chân nguồn nhân lực này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem