Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La, từ đầu tháng 12 đến nay trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra rét đậm, rét hại kèm theo các đợt sương muối, băng giá làm thiệt hại hàng nghìn hecta cây trồng, ảnh hưởng không nhỏ đời sống sản xuất của nhân dân. Theo số liệu thống kê, tỉnh Sơn La có trên 3.000 ha cây trồng bị thiệt hại. Trong đó, số diện tích cà phê bị thiệt hại trên 2.000 ha, ước thiệt hại gần 20.000 tấn quả.
Hơn 1.300 ha cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La bị thiệt hại do sương muối.
Trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La, cho biết: Hiện nay, tỉnh Sơn La có trên 17.300 ha cà phê, tập trung chủ yếu tại địa bàn 5 huyện Mai Sơn, Sốp Cộp, Thuận Châu, Yên Châu và thành phố Sơn La. Những năm qua, cà phê là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế giúp người dân có thu nhập ổn định. Đặc biệt là năng suất chất lượng cà phê Sơn La được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao. Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng thời tiết cực đoan, rét đậm, rét hại kèm theo sương muối đã làm thiệt hại trên 2.000 ha cà phê của Sơn La.
Người dân đang tranh thủ thu hoạch số cà phê còn lại trên cây.
Trước tình hình trên, tỉnh Sơn La đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương nhất là tại những địa phương trồng nhiều cà phê thực hiện ngay các giải pháp, phòng chống rét và xử lý thiệt hại do sương muối, giá rét gây ra.
Theo ông Công: Ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La đang tập trung thực hiện ngay các giải pháp khắc phục thiệt hại ở những vùng trồng cà phê đang bị ảnh hưởng bởi giá rét. Theo đó, ngành đang tích cực phối hợp, chỉ đạo các huyện, thành phố và trực tiếp xuống cơ sở nắm bắt tình hình, tiến hành rà soát, thống kế số diện tích cà phê bị thiệt hại, đồng thời đưa ra các giải pháp khắc phục kịp thời.
Sương muối làm hàng trăm hecta cà phê bị chết cháy.
Đối với những diện tích cà phê ở vùng trồng ươm và trồng năm đầu tiên, phải thực hiện ngay các giải pháp phủ bạt, che ni lông hoặc tụ gốc bằng cách dùng rơm, mùn cây ủ vào gốc để giữ độ ẩm cho gốc cây. Vận động nhân dân vào sáng sớm tiến hành tưới nước cho cây hoặc xử lý bằng cách hun khói bằng trấu để làm tan phần sương muối đọng trên lá cây.
Tại những diện tích cà phê đang cho thu hoạch, vận động nhân dân tranh thủ thu hoạch số cà phê hiện còn lại giảm thiểu tối đa thiệt hại. Còn đối với những cây cà phê đã bị hỏng và chết phải tiến hành cắt gốc để tại tạo lại cây, bằng cách cắt vát gốc nghiêng 45 độ, cách mặt đất khoảng 15 cm, sau đó bôi vôi, đảm bảo cho gốc còn nguyên vẹn, tụ ẩm cho gốc để cây nảy mầm, sinh trưởng, phát triển trở lại.
Sương muối làm chất lượng quả cà phê bị hỏng.
Ông Công nói rằng: Song song với các với các giải pháp trên, vận động bà con tiến hành trồng xen canh các loại rau màu, vừa để tăng độ ẩm cho cây vừa tạo ra nguồn thu nhập mới cho người dân. Hướng dẫn người dân bón phân để tăng hàm lượng chất cho gốc cây khỏe, chịu được thời tiết khắc nghiệt.
“Bên cạnh việc chỉ đạo các địa phương thống kê thiệt hại, ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La đang phối hợp với các địa phương, phân loại rõ các diện tích cà phê bị thiệt hại để hỗ trợ theo quy định để giúp người dân khôi phục sản xuất. Đồng thời, nghiên cứu chuyển đổi chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng tại những vùng thường xảy ra sương muối để tạo sinh kế ổn định lâu dài cho người dân ”, ông Công cho hay.
Cấp ủy chính quyền các địa phương đang tích cực hướng dẫn người dân tái tạo lại diện tích cà phê bị sương muối.
Theo dự báo trong những ngày tới, không khí lạnh đang có xu hướng kéo dài và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của người dân. Theo đó, ngành nông nghiệp Sơn La đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ sở, người dân triển khai các giải pháp để hạn chế thiệt hại, do sương muối cho cây trồng, vật nuôi kịp thời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.