Hàng nghìn người từ khắp nơi đổ về Lăng Ông Bà Chiểu dự lễ giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt

Hồng Phúc Thứ sáu, ngày 15/09/2023 15:20 PM (GMT+7)
Lễ giỗ lần thứ 191 của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt diễn ra long trọng tại Lăng Ông Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Hàng nghìn người từ khắp nơi đổ về trong ngày tiên thường, chánh giỗ và hậu thường.
Bình luận 0

Từ sáng đến trưa 15/9, nhằm ngày mùng 1 tháng 8 Âm lịch, rất đông người từ khắp nơi đổ về Di tích Lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt ở khu vực Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM (người dân hay gọi là Lăng Ông Bà Chiểu) để cúng giỗ lần thứ 191 của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt.

Ngày 15/9 là chánh giỗ nên lượng người từ khắp các quận huyện, kể cả nhiều tỉnh thành gần TP.HCM như Long An, Đồng Nai, Bình Dương cũng tề tựu về. Phần đông là nhiều đoàn thuộc các địa phương, ăn mặc trang trọng đến cúng giỗ lần thứ 191 của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt.

Hàng nghìn người từ khắp nơi đổ về Lăng Ông Bà Chiểu cúng giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt - Ảnh 1.

Tại Lăng Ông Bà Chiểu, các đoàn từ khắp nơi trong trang phục trang trọng về cúng giỗ lần thứ 191 của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt sáng 15/9. Ảnh: Hồng Phúc

Ngày chánh giỗ gồm nhiều hoạt động theo nghi thức tế lễ tiểu cung đình triều Nguyễn, tế tiền hiền - hậu hiền - anh hùng liệt sĩ.

Ngày chánh giỗ tổ chức liên tục 3 buổi biểu diễn nghệ thuật hát bội, tuồng Chung Vô Diệm dự hội kỳ bàn (buổi sáng), vở San Hậu 3 hồi I, II, III (buổi chiều) và lễ tôn Vương - hồi chầu (buổi tối) để phục vụ người dân, du khách đếm chiêm bái.

Hàng nghìn người từ khắp nơi đổ về Lăng Ông Bà Chiểu cúng giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt - Ảnh 2.

Người dân thắp hương, cúng tại tượng Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt đặt ở chánh điện. Ảnh: Hồng Phúc

Vở tuồng Chung Vô Diệm dự hội kỳ bàn bắt đầu từ 10h, nhưng hơn 9h sáng, sân khấu ngay bên trong Lăng Ông đã gần như kín chỗ. Người dân, du khách đến viếng nán lại xem tuồng.

Bà Nguyễn Hồng Hoa (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết đã là người Bình Thạnh, hay rộng ra là người dân TP.HCM thì hầu hết đều nhớ đến ngày giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt. 

“Mỗi năm, cứ Tết và Giỗ Ông là gia đình tôi đều đi. Đó là thông lệ để cầu cho một năm bình an, không chỉ gia đình mà tất cả mọi người dân cũng được bình an trong cuộc sống”, bà Hoa nói.

Hàng nghìn người từ khắp nơi đổ về Lăng Ông Bà Chiểu cúng giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt - Ảnh 3.

Khu vực lăng mộ Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt và phu nhân bên trong khuôn viên lăng. Ảnh: Hồng Phúc

Hàng nghìn người từ khắp nơi đổ về Lăng Ông Bà Chiểu cúng giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt - Ảnh 4.

Du khách tìm hiểu kiến trúc lăng mộ Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt. Ảnh: Hồng Phúc

Trong ngày 14/9, tức nhằm ngày 30 tháng 7 Âm lịch, là lễ cúng Tiên Thường, lễ dâng hương, lễ Xây chầu - Đại bội và hát bội tuồng Lê Công kỳ án.

Các nghi thức lễ giỗ được cử hành theo phong cách hoàng cung dành cho các vị khai quốc công thần. Các lễ phẩm cúng giỗ bao gồm trà, rượu, trầu cau, bánh Gia Định xưa cùng các vật phẩm là trái cây vùng sông nước Nam bộ. Các loại hoa quả sẽ được kết thành hình long - mã - phụng, cùng với các món ăn mang đậm dấu ấn phương Nam.

Trong lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt còn có các hoạt động hát kỳ yên để cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an và tưởng nhớ các bậc tiền hiền, các anh hùng liệt sĩ đã đóng góp công lao, máu xương cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hòa bình, hạnh phúc.

Ngày mai, 16/9 sẽ có các hoạt động cúng trầu cau, bánh Gia Định xưa…

Hàng nghìn người từ khắp nơi đổ về Lăng Ông Bà Chiểu cúng giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt - Ảnh 5.

Người dân, du khách chờ xem vở diễn hát bội buổi sáng. Ảnh: Hồng Phúc

Hàng nghìn người từ khắp nơi đổ về Lăng Ông Bà Chiểu cúng giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt - Ảnh 6.

Các diễn viên hoá trang ở khu vực trong lăng, du khách thích thú được chụp ảnh cùng diễn viên trước khi họ lên sân khấu. Ảnh: Hồng Phúc

Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832) là một trong những bậc khai quốc công thần của triều Nguyễn, cũng là nhân vật lịch sử có công lớn trong việc xây dựng, phát triển, ổn định và bảo vệ vùng đất phương Nam.

Khi mất, ông được vua Minh Mạng truy phong hàm Thái Bảo và lăng của Tả quân Lê Văn Duyệt được xây dựng theo biểu thức của ngôi mộ dành cho những công thần bậc nhất lúc bấy giờ ở Nam Bộ.

Lăng Lê Văn Duyệt ngày nay là một công trình kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Ngoài ra, Lễ hội Khai hạ Cầu An tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem