Phần lớn các hoạt động kinh doanh tại Hà Nội đều đã mở cửa trở lại. Trong đó, phố cổ - một trong những nơi tập trung đa dạng các loại hình buôn bán, dịch vụ cũng bắt đầu có những tín hiệu mới, tích cực.
Ngoài những cửa hàng ăn uống, dịch vụ thiết yếu, các cửa hàng bán đồ lưu niệm truyền thống ở phố cổ cũng đã dần mở cửa. Trước kia, đây là mặt hàng kinh doanh đặc trưng xuất hiện dày đặc trên các tuyến phố và mang lại doanh thu lý tưởng cho nhiều tiểu thương.
Do nguồn thu chủ yếu đến từ khách du lịch, từ khi dịch Covid-19 bùng nổ, nhiều cửa hàng lưu niệm ở phố cổ đã bước vào thảm cảnh ế ẩm chưa từng có. Thời điểm hiện tại, sau nhiều đợt đóng cửa – mở cửa, các tiểu thương dường như đã quen với việc không ai mua hàng.
Theo ghi nhân của phóng viên tại phố Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) các cửa hàng lưu niệm như vải, lụa, đồ thủ công mỹ nghệ, tranh ảnh… chiếm khoảng 60 – 70 %. Đa số đều đã mở cửa, bày hàng, đèn điện sáng trưng.
Những mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống từng là sản phẩm được nhiều du khách, đặc biệt du khách nước ngoài yêu thích khi đến du lịch tại Việt Nam.
Anh Q. một người bán hàng tại đây cho biết: Rất lâu rồi cửa hàng không phải nhập hàng mới vì cả năm trời phố cổ vắng khách du lịch. Doanh thu đã giảm khoảng 70% so với thời điêm trước dịch.
Cách đó không xa, chị Trang (37 tuổi, Hoàn Kiếm) mở cửa hàng từ 9 giờ sáng, đi ra đi vào lau dọn từng món đồ. Thi thoảng cửa hàng chị vẫn bán được hàng cho vài vị khách người Đài Loan ở lại Việt Nam do mắc kẹt dịch. Nhưng theo chị, số tiền bán hàng trong đợt này không đủ để chị chi trả tiền điện hàng tháng.
Các cửa hàng bán đồ lưu niệm ở phố cổ thường đã truyền từ đời này sang đời khác. Đa số những cửa hàng còn trụ lại được nhờ kinh doanh tại nhà, không có áp lực chi trả tiền thuê mặt bằng hàng tháng.
Tuy nhiên, khi mở cửa hàng, các tiểu thương vẫn phải trả các loại chi phí khác như tiền thuế, tiền điện, tiền thuê nhân viên…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.