Hàng trăm chủ quán karaoke Hà Nội kêu cứu, có người phải ngậm ngùi phá sản vì kiệt quệ
Gia Khiêm
Thứ tư, ngày 15/02/2023 14:01 PM (GMT+7)
Trước việc phải tạm đóng cửa nhiều tháng trời khi thực hiện quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC), hàng trăm chủ quán kinh doanh karaoke tại Hà Nội đã kêu cứu, có người phải cầm cố tài sản, phá sản vì kiệt quệ.
Chiều ngày 14/2, hàng trăm chủ đầu tư quán karaoke tại Hà Nội đã cùng nhau ký vào đơn kiến nghị gửi các cấp thành phố, Trung ương sau việc thực hiện quy định về PCCC, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở kinh doanh karaoke.
Trao đổi với PV Dân Việt, anh Nguyễn Đăng Sỹ, đại diện quán karaoke số 16 Nguyễn Khang (Yên Hoà, Cầu Giấy) chia sẻ, sau khi xảy ra hai vụ cháy quán karaoke trên đường Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) ngày 2/8/2022 và quán karaoke An Phú (Bình Dương) ngày 6/9/2022, các doanh nghiệp kinh doanh karaoke tại địa bàn Hà Nội càng ý thức hơn trách nhiệm của chủ cơ sở với vấn đề phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC&CHCN), nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật.
Theo anh Sỹ, từ năm 2017, các đoàn kiểm tra luôn thực hiện kiểm tra định kỳ với các hộ đang hoạt động kinh doanh karaoke và vẫn được kết luận là đảm bảo yêu cầu về PCCC theo quy định.
Tuy nhiên, từ ngày 8/10/2022, lực lượng quản lý về PCCC các quận, huyện tại Hà Nội thực hiện kiểm tra toàn bộ các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Bộ Công an tại công văn số 513/KH-BCA-C07 ngày 7/10 về công tác rà soảt, kiểm tra an toàn về PCCC và CHCN trên phạm vi toàn quốc và công văn hướng dẫn do Cục Cảnh sát PCCC&CHCN ngày 13/9 về việc tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra an toàn PCCC &CHCN đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường.
"Sau đợt kiểm tra này, rất nhiều cơ sở đều bị dừng hoạt động, tạm đình chỉ bởi bị kết luận trong biên bản kiểm tra là: không đảm bảo an toàn về PCCC.", anh Sỹ cho biết.
Chủ quán karaoke này cũng cho hay: "Trên thực tế, mỗi phòng hát tại Hà Nội, đa số các cơ sở đầu tư trung bình cho trang trí, âm thanh hết khoảng 300-500 triệu đồng/phòng. Với hàng nghìn phòng hát trên toàn địa bàn thủ đô, tổng chi phí đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Rồi tiền thuê mặt bằng, tiền bồi hoàn sửa chữa lại hiện trạng ban đầu.
Chưa kể cơ sở kinh doanh vừa được hoạt động lại sau dịch Covid-19 chưa được nửa năm, với rất nhiều khó khăn thách thức, các cơ sở cố gắng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ thu hút khách. Nếu phải đóng cửa thì thiệt hại về kinh tế cực kỳ lớn, làm kiệt quệ kinh tế đối với những nhà đầu tư dịch vụ karaoke vốn đã thua lỗ vài năm nay, ảnh hưởng tới hàng nghìn lao động phổ thông đang làm việc trong lĩnh vực karaoke", anh Sỹ cho hay.
Chủ quán karaoke than không có Tết vì phải đóng cửa
Đáp lời anh Sỹ, bà Tạ Thị Hà, chủ quán karaoke ở phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội, cho biết, quán của bà đầu tư hơn 20 tỷ đồng, quy mô 12 phòng hát. Những ngày vừa qua, bà bị ảnh hưởng nặng nề khi mỗi tháng phải bỏ ra 500 triệu đồng để duy trì khi quán karaoke phải tạm dừng hoạt động.
Theo bà Hà, bên cạnh đó, các quy định về PCCC thay đổi thường xuyên khiến các nhà đầu tư rất khó khăn trong việc thực hiện, trong đó có những quy định khó áp dụng vào thực tế. Vậy cần có những quy định vừa đảm bảo được an toàn về PCCC nhưng cũng đảm bảo tính khả thi, tháo gỡ cho các doanh nghiệp.
"Chúng tôi đề nghị các ban ngành có liên quan thanh tra lại việc nghiệm thu về PCCC đối với các cơ sở dịch vụ karaoke trên địa bàn Hà Nội từ năm 2017 của lực lượng Cảnh sát PCCC và CHCN đến nay đã đúng theo quy định của pháp luật chưa? Vì chúng tôi được nghiệm thu về PCCC và hàng năm vẫn được các đoàn kiểm tra theo định kỳ và đều nhận được biên bản kiểm tra là đủ điều kiện. Tại sao tại thời điểm này lại kết luận các cơ sở của chúng tôi không đủ điều kiện và yêu cầu chúng tôi dừng hoạt động.
Tới thời điểm này, rất nhiều quán đã phải đóng cửa gần nửa năm, kinh tế bắt đầu kiệt quệ vì phải gồng gánh tiền thuê nhà, tiền vay lãi ngân hàng trong thời gian dài. Tết Nguyên đán vừa qua những hộ kinh doanh karaoke không nhà nào ăn Tết ngon, có quán đã ngậm ngùi tuyên bố phá sản", bà Hà xót xa.
Qua đó, bà Hà cũng đưa ra kiến nghị, thành phố giao trách nhiệm cho từng quận huyện, từng quận huyện giao trách niệm từng quán, khi hoạt động bị hoả hoạn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với Nhà nước.
Trao đổi với PV Dân Việt, chị Nguyễn Thị Hồng Thuỷ, cổ đông quán karaoke Melody 98 Trung Hoà, quận Cầu Giấy cho rằng, quán karaoke nào gây ra hậu quả thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. "Không ai mong muốn tài sản của mình đầu tư ra rồi chịu trách nhiệm hình sự. Khi có thông tư nghị định mới hoặc sau những vụ cháy, các cơ quan chức năng vận động, chủ quán karaoke rất cầu thị và tiếp thu. Chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho tài sản của mình, cho chính khách hàng và nhân viên làm việc tại cơ sở bằng cách đã lắp đặt và nâng cấp rất nhiều lần, nhiều tiền của cũng như các thiết bị về phòng cháy…", chị Thuỷ nói.
Theo chị Thuỷ, trong 5 tháng bị dừng hoạt động, các cơ sở rất khó khăn, chi phí tiền thuê nhà, chi phí khác đã phải vay mượn, cầm cố tài sản… Có cơ sở sợ bị phạt, thu hồi giấy phép nghiêm túc đóng cửa dừng hoạt động, nhưng có cơ sở quá khó khăn có hoạt động kinh doanh chui như thế sẽ thiếu an toàn hơn.
"Khi hoạt động chui, các cơ sở đều đóng cửa hoạt động bên trong nếu xảy ra hoả hoạn nguy cơ, hậu quả còn nặng nề hơn. Cấm mãi không phải là giải pháp tốt để an toàn mà có thể thiếu an toàn, thiếu sự bình đẳng ở cơ sở chấp hành và cơ sở chưa chấp hành.", chị Thuỷ nói thêm.
Trước đó, chiều 26/12/2022, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết đợt tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) trên địa bàn kể từ cuối tháng 10/2022.
Tại hội nghị, đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an TP Hà Nội) cho biết, trên địa bàn thành phố có tổng số 1.538 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường.
Trong đó có 733 cơ sở do cơ quan công an quản lý, 805 cơ sở do UBND cấp xã quản lý. Đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra, rà soát 100% cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường trên toàn thành phố.
Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã xử phạt 423 trường hợp với số tiền phạt trên 4,6 tỷ đồng; đã ban hành 571 quyết định tạm đình chỉ, 568 quyết định đình chỉ hoạt động.
Đại tá Phạm Trung Hiếu đề nghị lực lượng chức năng của TP Hà Nội tiếp tục tăng cường giám sát việc chấp hành các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ và yêu cầu dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn biểu dương các đơn vị của thành phố đã vào cuộc quyết liệt trong đợt tổng rà soát, kiểm tra PCCC và CNCH trên địa bàn.
Tuy nhiên, qua đợt tổng kiểm tra, rà soát cho thấy còn nhiều tồn tại, thiếu sót của cơ sở trong công tác PCCC cũng như của cơ quan quản lý nhà nước về PCCC, nhất là công tác quản lý ở cấp xã còn nhiều hạn chế.
Qua đó, ông Lê Hồng Sơn yêu cầu các đơn vị tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương và thành phố về công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ để thực hiện đồng bộ.
Đồng thời có hình thức kiểm điểm đối với Chủ tịch UBND cấp xã không chỉ đạo thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước tại địa phương, không tổ chức chữa cháy, CNCH giai đoạn ban đầu khi xảy ra cháy, nổ trên địa bàn.
"Đặc biệt, xem xét xử lý trách nhiệm đối với các vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại về người, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định", ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.