Hàng trăm dự án chậm tiến độ: Hà Nội "điểm tên" trách nhiệm hai Sở và nhiều quận, huyện
Hàng trăm dự án chậm tiến độ: Hà Nội "điểm tên" trách nhiệm hai Sở và nhiều quận, huyện
Trần Kháng
Thứ hai, ngày 02/08/2021 07:27 AM (GMT+7)
Tính đến tháng 5/2021, Hà Nội có 287 dự án được giao đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai; 63 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt.
Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.Hà Nội vừa có báo cáo kết quả tái giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất, triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP.Hà Nội, trong đó chỉ ra nhiều tồn tại.
Nhiều dự án vi phạm chưa xử lý dứt điểm
Cụ thể, đối với 89 dự án chậm triển khai (tính đến năm 2012) còn tồn tại đã có 28 dự án đã khắc phục vi phạm; 5 dự án đã thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, thu đất hoặc bãi bỏ dự án, được UBND TP đề nghị đưa ra khỏi danh sách dự án chậm triển khai, có vi phạm pháp luật; 19 dự án đang triển khai đầu tư, xây dựng công trình trong tiến độ hoặc đang làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án đầu tư, tiếp tục giám sát việc quản lý, sử dụng đất theo quy định.
Tuy nhiên, vẫn còn 37 dự án chưa khắc phục dứt điểm các vi phạm theo kiến nghị giám sát của Thường trực HĐND TP năm 2012. Trong đó, có các dự án triển khai quá chậm, đề nghị UBND TP rà soát, xem xét, chấm dứt hoạt động hoặc thu hồi quyết định giao đất, cho thuê đất.
Cụ thể: Dự án nhà máy xử lý rác thải – Chủ đầu tư Công ty TNHH MTV Cơ điện công trình; Dự án Bệnh viện Việt Mỹ - Chủ đầu tư Công ty TNHH Hải Châu; Dự án Mở rộng vườn ươm – Chủ đầu tư Công ty Công viên Cây xanh;
Dự án khu nhà ở Văn La Văn Khê – Chủ đầu tư Công ty CP Đầu tư phát triển Sông Đà Sudico; Dự án xây dựng nhà máy gia công cơ khí, khuôn mẫu chính xác và sản xuất sản phẩm nhựa công nghiệp – Chủ đầu tư Công ty TNHH Thành Trang; Dự án xây dựng trung tâm đào tạo nghề cơ khí – Chủ đầu tư công ty Vận tải và Xây dựng.
Đối với 383 dự án chậm triển khai (giai đoạn 2012-2018), UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo các sở ngành rà soát 383 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định theo báo cáo của Đoàn giám sát, đối chiếu trùng lặp với 161 dự án vi phạm do sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổng hợp. Kết quả đã phân loại được 379 dự án vi phạm đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và 88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất.
Qua giám sát cho thấy, 379 dự án đã được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất: UBND TP giao Sở TNMT chủ trì theo dõi; Sở đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, phân nhóm các dạng vi phạm, kiến nghị xử lý.
Trong 379 dự án vi phạm, UBND TP.Hà Nội đã ban hành 9 quyết định thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư và 20 dự án UBND TP đã có văn bản chỉ đạo Sở, ngành TP làm rõ các khó khăn và vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật;
57 dự án đã khắc phục đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, sử dụng đất có vi phạm; 39 dự án đang trong tiến độ thực hiện dự án hoặc đang triển khai đầu tư, xây dựng công trình, tiếp tục giám sát việc quản lý, sử dụng đất theo quy định.
Còn 254 dự án vẫn chậm triển khai, tiếp tục được gia hạn sử dụng đất 24 tháng đến thực hiện dự án, có vi phạm, vướng mắc về thủ tục hoặc đang được thanh tra làm rõ.
88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất: UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì theo dõi. Sở đã rà soát, kiểm tra, cập nhập hiện trạng dự án để tiếp tục tham mưu TP xử lý, trong đó có 11 dự án đang triển khai theo tiến độ;
9 dự án được loại bỏ danh sách do trùng lắp và nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu khi chưa có ý kiến của UBND TP; 5 dự án đã chấm dứt hoạt động, còn 63 dự án đang tiến hành hoàn thiện các thủ tục để giao đất hoặc được cơ quan chức năng rà soát, xử lý theo quy định.
Tiếp đó, đối với 45 dự án chậm triển khai phát sinh sau khi HĐND TP.Hà Nội giám sát tháng 7/2018 đến tháng 3/2021, được cơ quan tổng hợp, báo cáo đoàn giám sát.
Trong đó, UBND TP đã gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với 25 dự án nằm ngoài danh sách 379 dự án nêu trên và đến nay xác định được số tiền 67,581 tỷ đồng nghĩa vụ tài chính bổ sung do được gia hạn tương ứng với tiền sử dụng đất thuê đất của 21/225 dự án.
Đã thẩm định được hồ sơ các dự án phát triển nhà ở, chấp thuận đầu tư hoặc chủ trương đầu tư đến nay được 20 dự án (có 3 dự án chưa giao đất và đã hết tiến độ cho phép; 17 dự án đang triển khai nhưng chậm tiến độ).
Sở, ngành chưa kịp thời trong xử lý vi phạm
Để xảy ra những tồn tại nêu trên, ngoài những nguyên nhân chủ quan do dịch bệnh, bất cập quy định của pháp luật… HĐND TP.Hà Nội cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân chủ quan. Đơn cử như, việc chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra thực hiện Nghị quyết và kết quả giám sát và các kiến nghị giảm sát của HĐND TP… chưa được chính quyền các cấp, các sở ngành triển khai thực sự quyết liệt và thường xuyên.
Một số cơ quan tham mưu UBND TP như: Sở TNMT, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) chưa kịp thời trong xử lý vi phạm của các nhà đầu tư được Nhà nước chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Việc phân công, phân cấp thẩm quyền để xử lý dứt điểm các vi phạm giữa các cấp, các ngành của TP còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Việc quản lý, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện dự án theo tiến độ đã được phê duyệt còn thiếu chủ động; việc hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch đối với các dự án phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết để phù hợp với quy hoạch phân khu còn chậm và chưa quyết liệt;
Vẫn còn tình trạng chủ đầu tư lợi dụng việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch nhằm kéo dài thời gian triển khai thủ tục của dự án. Việc phối hợp của các sở, ngành để tham mưu với UBND TP giải quyết thủ tục đối với các dự án ngoài ngân sách còn chậm trễ, kéo dài.
Việc phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành đã được tăng cường song chỉ mang tính thời điểm, chưa xuyên suốt, do đó số liệu thống kê còn chưa thống nhất; chưa quy định trách nhiệm cụ thể từng ngành, cấp trong việc phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra... Công tác giám sát và đánh giá đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và chuyên nghành của các cơ quan quản lý nhà nước TP đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách còn chưa được coi trọng.
Một số quận, huyện đã quan tâm đến công tác tổng hợp, báo cáo song chưa chủ động, đôn đốc kiến nghị các sở, ngành của TP phối hợp quản lý các dự án sử dụng đất trên địa bàn, nhất là yêu cầu lập hồ sơ vi phạm theo quy định để làm căn cứ đầy đủ kiến nghị thu hồi các dự án chậm triển khai, vi phạm luật Đất đai hoặc xử lý vi phạm, đôn đốc chủ đầu tư theo kết luận thanh tra của TP và Sở TNMT.
Việc phối hợp với nhà đầu tư thực hiện GPMB tại địa phương còn chưa đạt yêu cầu; nhiều dự án chậm giải phóng mặt bằng, kéo dài nhiều năm mặc dù đã được Đoàn giám sát kiến nghị nhiều lần.
Nhiều chủ đầu tư dự án không chấp hành pháp luật đất đai, chấp hành chế độ báo cáo giám sát đầu tư; vẫn còn tình trạng cố ý sử dụng đất đai sai mục đích hoặc cố tình chây ỳ triển khai dự án chậm tiến độ; đề xuất điều chỉnh gia hạn dự án nhiều lần; một số chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ tài chính với nhà nước;
Cá biệt một số trường hợp cố tình né tránh, không hợp tác, không phối hợp với các cơ quan nhà nước theo yêu cầu đoàn giám sát; có dự án chính quyền địa phương không liên hệ được với nhà đầu tư. Cụ thể: Dự án xây dựng di chuyển, mở rộng cơ sở sản xuất vải dệt kim và may xuất khẩu do Chủ đầu tư là công ty Haprosimex Thăng Long trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.