Trong mấy ngày nay, hàng trăm người dân bị lừa đảo khi tham gia sàn giao dịch Coolcat đã tập trung gần trụ sở Công an TP.HCM để làm đơn tố cáo và viết thư cầu cứu tập thể gửi đến Chủ tịch nước với mong muốn lấy lại số tiền đã đầu tư.
Hàng trăm người là nạn nhân của Coolcat "chết đứng" trước thông tin app giao dịch bất ngờ sập
Chị M.T (TP. HCM) cho biết đang rất lo vì không biết nói sao với gia đình về việc này. Thời điểm đầu tháng 2/2021, chị lấy 115 triệu đồng của nhà rồi vay thêm 50 triệu để nạp vào Coolcat. Sau tuần đầu nhận được lợi nhuận, chị tiếp tục liều "chơi tiếp" 400 triệu đồng nữa với suy nghĩ sẽ kiếm được số lợi nhuận lớn rồi rút cả vốn lẫn lời về. Nhưng thực tế, sau vài lần lấy được số lợi nhuận khoảng vài chục triệu đồng, thì app này bất ngờ biến mất.
Tương tự, chị P. (Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết chị tham gia ứng dụng đầu tư tài chính Coolcat được khoảng 1 tháng với gói đầu tư cao nhất. Sau khi thấy ứng dụng này dễ "đẻ tiền", chị P. quyết định nâng cấp lên gói cao nhất là 210 triệu đồng, tuy nhiên, chưa đầy 2 tuần sau, sàn giao dịch này sập.
“Tôi nghe mọi người rủ nhau đi nộp đơn tố cáo, gửi đơn kêu cứu đến các ban, ngành nên cùng tham gia. Tôi không hy vọng sẽ nhận được đủ số tiền bỏ ra, nhưng mong lấy lại được một phần nào đó để trả nợ. Chuyện này tôi chưa dám nói với chồng vì sợ anh ấy sẽ suy sụp”, chị P. chia sẻ.
Mất số tiền quá lớn, nhiều nạn nhân của Coolcat làm đơn cầu cứu Chủ tịch nước
Chung cảnh ngộ, chị X.M một nạn nhân khác cũng góp chuyện: "Bên cạnh việc vay ngân hàng, tín dụng để có tiền chơi thì nhiều người đã bán, thế chấp đất đai để có số vốn lớn nạp vào app Coolcat… nên khi app này sập nguồn, mọi người tham gia vào sàn này rất hoang mang, lo lắng. Có người đã nghĩ đến chuyện tiêu cực, không muốn sống nữa"…
Tìm hiểu được biết, với ứng dụng - sàn giao dịch Coolcat này, người chơi trên khắp cả nước đã lập những nhóm nhỏ theo từng khu vực tỉnh, thành để cùng chơi, đầu tư. Nhưng hiện, các tên miền coolcat.vn, coolcat.com.vn, coolcat.link, coolcatapp.com đều không thể truy cập được.
Những người tham gia đầu tư loại hình này cho biết, khi đầu tư vào Coolcat, nhà đầu tư sẽ có thu nhập từ hai nguồn chính là: Thu nhập khi giao dịch và nhận hoa hồng đại lý. Khi tham gia Coolcat, nhà đầu tư tải phần mềm Coolcat vào điện thoại di động, đăng nhập bằng số điện thoại cá nhân.
Với lời hứa "vừa bảo hiểm 100% vốn, vừa nhận lãi mỗi ngày" nên nhiều người dễ dàng sập bẫy
Mỗi người được cấp một mã số (ID) riêng. Có 6 gói bảo hiểm (cấp 1 đến cấp 6) để mọi người lựa chọn với cam kết "vừa bảo hiểm 100% vốn, vừa nhận lãi mỗi ngày". Gói thấp nhất có giá 1,3 triệu đồng, lãi 60.000 đồng một ngày. Gói cao nhất 210 triệu đồng, lãi 9,7 triệu đồng một ngày. Nhà đầu tư muốn mua gói bảo hiểm nào, chỉ cần đăng ký và nộp tiền vào tài khoản ngân hàng của các cá nhân do Coolcat đưa ra.
Mỗi ngày, nhà đầu tư sẽ bấm dự đoán giá vàng, ngoại tệ, tiền ảo Bitcoin... lên hoặc xuống. Nếu đoán đúng, nhà đầu tư nhận được 73% tiền thắng. Nếu sai, vốn của họ sẽ bị trừ tiền. Nhưng khi thua liên tiếp 6 lần thì nhà đầu tư phải dừng lại. Khi đó, các chuyên gia Coolcat sẽ "đánh hộ" ván 7 với cam kết thắng 80-90% để bù lỗ. Nếu không, Coolcat sẽ đền 100% số tiền thua của 6 lần trước.
Với tâm lý "được bảo hiểm 100%" nên nhiều nhà đầu tư đã nạp hàng trăm triệu cho Coolcat. Tuy nhiên, có người sau khi nạp tiền còn chưa kịp trải nghiệm bấm đoán giá thì app đã sập. Và khi các nhà đầu tư vội vã tìm đến trụ sở Coolcat ở quận Bình Thạnh mới biết đây chỉ là địa chỉ ảo.
Tính đến thời điểm bị sập, sàn giao dịch này có 68.000 thành viên khắp cả nước tham gia. Số tiền giao dịch trung bình của mỗi tài khoản là 10 triệu đồng và thiệt hại có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Hiện, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vẫn đang tiếp nhận đơn tố cáo của người dân về việc bị ứng dụng đầu tư tài chính Coolcat lừa đảo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.