Nhưng trong một lần mua sắm tại cửa hàng thời trang Quảng Châu, chị Nga nhìn thấy chiếc áo giống hệt, với giá chỉ 250.000 đồng.
"Đã tin tưởng bước chân vào shop chuyên bán hàng Việt thì ai dè lại bị lừa như vậy", chị Nga thất vọng nói.
|
Nhiều sản phẩm nhái, xuất xứ từ Trung Quốc trà trộn trong các cửa hàng Made in Vietnam. Ảnh: Xuân Ngọc |
Không riêng chị Nga, nhiều người tiêu dùng khác cũng bị rơi vào tình cảnh như vậy. Sau khi nhập hàng trôi nổi, giá rẻ từ bên ngoài, các chủ kinh doanh thường tháo mác Trung Quốc, gắn nhãn Made in Việt Nam cùng tên của một nhà may hoặc công ty nào đó để tạo độ tin tưởng cho khách hàng. Các sản phẩm dễ bị đánh tráo nguồn gốc nhất là đồ dành cho phái đẹp.
Tại một cửa hàng Made in Vietnam trên đường Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội), hai chiếc quần "Alibaba" vải đũi, cùng chủng loại, màu sắc, giá cả nhưng một chiếc được gắn mác Made in Việt Nam, chiếc còn lại thì không. Khi được hỏi về điều này, chủ cửa hàng thẳng thắn cho hay: “Cái mác đó không quan trọng đâu. Nếu em thích, chị có thể may thêm vào cho”.
Chị này cung cấp thêm, tất cả những sản phẩm xuất khẩu đều được gắn mác Made in Vietnam, chứ không có một công ty nào mang tên như vậy. Những người kinh doanh nhỏ lẻ cũng không khó khăn gì để có được những chiếc nhãn đó.
Trong một shop đề biển tương tự trên phố Quỳnh Lôi (Hà Nội), một chiếc áo phông nữ, nhái nhãn hiệu Bebe, cũng được chủ tiệm “khoác” cho nhãn Made in Vietnam với giá 80.000 đồng. Trên thị trường chủ yếu có 2 dòng Bebe, một là hàng thật của Mỹ giá hàng trăm nghìn, thậm chí vài triệu đồng một chiếc. Phần còn lại chủ yếu là hàng Trung Quốc nhái Bebe, giá chỉ 30.000-50.000 một chiếc nếu bán ở chợ. Khi bị một vị khách thắc mắc sao hàng Trung Quốc lại gắn mác Made in Vietnam, nhân viên ở đây chỉ vỏn vẻn đáp: "Made in Vietnam là tên cửa hàng".
Vài năm trở lại đây, các cửa hàng Made in Vietnam nở rộ nhanh chóng. Mỗi con phố mua sắm như Chùa Bộc, Thái Hà, Tây Sơn, Tôn Đức Thắng... đều có tới vài shop mang tên này, kinh doanh đủ loại quần áo, giầy dép, túi xách... của người lớn, trẻ em.
Tuy nhiên, không ít những địa chỉ Made in Vietnam trong đó đã nhập sản phẩm chất lượng thấp của Trung Quốc, gắn mác hàng nội để bán. Tỷ lệ này chiếm khoảng 10-30% tùy cửa hàng.
Có nhiều nguyên nhân để một bộ phận cửa hàng Made in Vietnam nhập hàng chất lượng thấp, có xuất xứ Trung Quốc nhưng lại gắn mác hàng nội rồi bán trà trộn. Khi được hỏi về lý do biển hiệu là hàng Việt lại bán sản phẩm từ nước khác trong đó có đồ Trung Quốc, cô Ly, chủ một shop trên phố Khâm Thiên giải thích, rất nhiều người hiện quan niệm hàng được bán trong Made in Vietnam là hàng xịn, hàng tốt, an toàn nên làm vậy để thu hút khách hàng.
Anh Nguyễn Đức Nam, một người trong nghề kinh doanh, cho rằng nếu bán hàng nội, họ chỉ được lãi vài chục nghìn đồng mỗi sản phẩm. Trong khi nhập hàng Tàu, chất lượng thấp nhưng giá rẻ rồi bán trong cửa hàng Made in Vietnam thì có thể lãi tới 3-4 lần.
Anh Nam giải thích, người dân vốn đã quan niệm hàng trong shop Made in Vietnam là chất lượng tốt, giá khá đắt. Từ đó, nhiều chủ kinh doanh đã gắn mác biển hiệu này để bán được sản phẩm nhái, lậu với giá cao hơn thực tế vài lần.
|
Nhiều cửa hàng gắn mác Made in Việt Nam nhưng lại "hội tụ các thương hiệu quốc tế". Ảnh: Xuân Ngọc |
Điều này khiến không ít người tiêu dùng mất niềm tin vào hàng trong nước. Thậm chí, trên nhiều diễn đàn, họ còn lập những topic, "mách" nhau những địa chỉ Made in Việt Nam rởm để cùng nhau tẩy chay.
"Tôi kể ra, ai cũng sợ không dám vào Made in Vietnam mua nữa. Cửa hàng kinh doanh sản phẩm Việt lại bán hàng trôi nổi, bỏ nhiều tiền lại bị mua hàng chất lượng thấp thì ai còn tin tưởng lựa chọn hàng nội nữa. Cần có sự kiểm tra, quản lý chặt các cửa hàng gắn mác dân tộc", chị Nga, người sau khi bị "móc túi" 250.000 về chiếc áo Quảng Châu "đội lốt" hàng Việt tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Hồng Tín, Trưởng Ban Thị trường trong nước Tập đoàn Dệt May Việt Nam thừa nhận "Nhiều nơi bày bán thời trang 'Made in Việt Nam' nhưng là sản phẩm không rõ nguồn gốc, có thể là hàng nhập ngoại, nhập lậu, trôi nổi đi sâu vào thị trường bằng mạng lưới những người bán buôn và các cửa hàng nhỏ lẻ".
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó thường trực kiêm tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng đây là hành vi bán hàng thiếu nghiêm túc, lừa dối người tiêu dùng. Theo bà, khách hàng có 2 cách giải quyết là: góp ý trực tiếp với chủ của những cửa hàng đó. Nếu họ không ghi nhận mà vẫn tiếp tục kinh doanh như vậy, người dân có thể gửi kiến nghị về Hội bảo vệ người tiêu dùng.
Còn Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nếu trong cửa hàng Made in Vietnam bán sản phẩm không phải của Việt Nam nhưng lại được gắn mác nội thì đó là hàng nhái, tức là đã vi phạm pháp luật.
"Một trong những quyền của người tiêu dùng là được cung cấp thông tin một cách chính xác, nên những hành vi như vậy là lừa đảo. Người tiêu dùng có quyền khiếu nại lên Hội và Cục quản lý cạnh tranh của Bộ Công thương", ông Nguyễn Mạnh Hùng cung cấp.
Theo VnExpress
Vui lòng nhập nội dung bình luận.