Hàng giảm vì chất lượngChợ Đồng Xuân, Long Biên (Hà Nội) từ lâu vốn là nơi tập kết hàng hóa từ các nơi đổ về, trong đó phần lớn hàng từ Trung Quốc. Từ đây, hàng hóa được phân phối ở Hà Nội và các tỉnh lân cận tiêu thụ.
Cảnh ế ẩm tại chợ Long Biên (Hà Nội).
9 giờ sáng ngày 22.5, chợ Long Biên đã vãn hẳn hàng. Chị Trần Thị Hà- chủ hàng hoa quả cho biết: “Hàng hóa về chợ có giảm nhưng chủ yếu do thời tiết nắng quá, còn lại cũng có một phần dân e ngại hàng Trung Quốc độc hại tăng lên nên có tâm lý tẩy chay”. "Trước tôi lấy cả xe hàng hoa quả Trung Quốc bán buôn cho mấy bà quang gánh, nhà hàng, giờ chỉ dám lấy nửa xe vì tiêu thụ chậm, hàng dễ hỏng".
Cũng theo chị Hà, do hàng Trung Quốc bán chậm nên tiểu thương thường phải tránh nói xuất xứ. Chẳng hạn như phần lớn cam bán ở chợ là cam nhập từ Trung Quốc nhưng được quảng cáo là "cam ngọt Hà Giang", "cam chính hãng", "cam Việt Nam" với mức giá khoảng 15.000-20.000 đồng/kg. Theo kinh nghiệm của những người đi buôn tại chợ này, cam Hà Giang khi chín quả màu vàng, cùi dày, vị ngọt thơm, có hạt. Còn cam Trung Quốc vỏ mỏng, màu xanh hơi vàng, tép rất mọng nước, màu vàng chanh và đặc biệt là không có hạt. Giá hiện tại trên thị trường dao động từ 40.000- 60.000đồng/kg.
Không chỉ rau quả Trung Quốc về chợ Long Biên giảm mà các loại hải sản Trung Quốc về chợ này cũng giảm chủ yếu vì chất lượng không đảm bảo. "Những vụ bắt hàng thủy sản kém chất lượng của các cơ quan chức năng gần đây làm mặt hàng này về thưa hơn"- ông Lã Văn Long- chủ một đại lý hải sản tại chợ này cho biết.
Mới đây nhất, Đội CSGT số 4 Công an Hà Nội đã phát hiện ô tô tải chở nhiều thùng xốp đựng cá trắm đã bốc mùi được chủ hàng thuê chở từ Quảng Ninh về Hà Nội. Trước đó, cuối tháng 4, Đội Cảnh sát môi trường - Công an quận Ba Đình (Hà Nội) đã bất ngờ tiến hành kiểm tra khu vực buôn bán thủy sản tại chợ Long Biên đã phát hiện hàng chục cân mực ôi, bốc mùi vào các thùng phuy cỡ lớn có chứa hóa chất công nghiệp để bảo quản.
Theo cơ quan điều tra, mực ống đông lạnh thường được nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường biển Hải Phòng hoặc Quảng Ninh về Hà Nội và có thể đưa sâu vào tận miền Nam tiêu thụ.
Vẫn nhập đủ các mặt hàng
"Hàng Trung Quốc xưa nay ai cũng biết chiếm đến 70-80% thị trường Việt Nam. Hiện, số khách mua hàng Trung Quốc giảm nên người bán cũng giảm việc nhập hàng”. Ông Nguyễn Văn Tiến-Trưởng Ban quản lý chợ Đồng Xuân
|
Còn tại chợ vải Ninh Hiệp-nơi bán gần như 100% vải vóc, quần áo hàng Trung Quốc những ngày gần đây cũng có vẻ thưa vắng hơn. Anh Nguyễn Minh Đức-chủ một sạp hàng quần áo tại đây cho biết, quần áo, vải vóc, giầy dép Trung Quốc vẫn đổ về bình thường nhưng ít hơn so với đầu năm, do nắng nóng hàng bán chậm, lại thêm tâm lý lo ngại hàng độc hại của Trung Quốc. "Giờ dân mình cũng kỹ tính với hàng Trung Quốc và có chút nghi ngờ là không mua nên buôn bán giờ cũng ế ẩm và lãi ít lắm"- anh Đức nói.
Tại cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn), ghi nhận của NTNN cho thấy, hoạt động nhập khẩu hàng giảm nhẹ. Theo ông Chu Bá Toàn- Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh: Từ đầu tháng 5 đến nay, hàng nhập khẩu ngoài máy móc, nguyên phụ liệu sản xuất thì vẫn đủ cả quần áo, giầy dép, vải vóc; hàng nông sản chủ yếu là táo, lê, cam, quýt, nhãn, hành, tỏi, rau…; chưa kể hàng thủy sản. "Mỗi ngày vẫn có hơn trăm xe hàng được làm thủ tục thông quan, ít hơn trước một chút"- ông Toàn nói.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất vào nước ta. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 4 đầu năm nay đạt hơn 3,63 tỷ USD (chiếm 29,6% tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 4.2014 của cả nước). Tổng cộng 4 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc hơn 12,45 tỷ USD (chiếm 28% tổng kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2014 của cả nước).
|
Mai Nguyễn (Mai Nguyễn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.