Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn ở xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, trước đây là một đoạn đèo dốc có chiều dài 5km, độ cao gần 70m trên dãy núi Thung Nưa, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A hay còn gọi là Đường 30.
Trong chiến tranh, cung đường độc đạo Truông Bồn có vị trí đặc biệt quan trọng, bởi là nơi kết nối các huyết mạch giao thông của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Vì thế, Truông Bồn trở thành một tọa độ đỏ hứng chịu một lượng bom đạn khổng lồ. Có ngày cao điểm, Truông Bồn bị đánh phá lên tới 131 lần, suốt ngày đêm không ngớt tiếng bom đạn.
Chỉ tính riêng từ năm 1964 đến 1968, địch đã dội xuống Truông Bồn 18.936 quả bom các loại và hàng nghìn quả tên lửa nơi đây. Tại đây, hơn 1.240 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông đã anh dũng hy sinh.
Đặc biệt, ngày 31/10/1968, 13/14 thanh niên xung phong thuộc Đại đội 317 đã anh dũng hy sinh, hòa thân mình vào đất mẹ, viết nên một huyền thoại bất tử mang tên Truông Bồn.
Mặc dù tuổi đã cao, nhưng năm nào Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông (người duy nhất sống sót trong 14 thanh niên xung phong của Đại đội 317 trong trận bom ác liệt sáng sớm 31/10/1968) cũng về Truông Bồn để thắp hương cho các đồng đội của mình. Hình ảnh người nữ tiểu đội trưởng, đứng lặng bên những phần mộ của các đồng đội khiến du khách rất xúc động.
Năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình "Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn". Khu di tích được xây dựng trên diện tích 217.327m2 với tổng mức đầu tư 365 tỷ đồng. Nơi đây, dần trở thành một địa chỉ đỏ hàng năm thu hút rất đông du khách về thăm, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.
Chị Nguyễn Thị Nhung (33 tuổi, thuyết minh viên) người đã gắn bó 10 năm với công việc "kể chuyện" ở Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn cho biết, mỗi lần gặp những cựu chiến binh, thanh niên xung phong về đây để tìm lại ký ức, thăm đồng đội, thì chị rất xúc động. Mỗi cử chị, hành động của các cô, các bác đều rất ân cần, chu đáo.
Ông Phan Trọng Lộc - Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn cho biết, những ngày qua có rất đông du khách trên mọi miền tổ quốc về Khu di tích. Trung bình mỗi ngày có khoảng 3.000 du khách. Dự kiến trong tháng 7, khu di tích sẽ đón hơn 100.000 du khách đến đây dâng hương.
Ông Phan Trọng Lộc cho biết thêm, cán bộ nhân viên làm việc tại khu di tích có tất cả 11 người. Những ngày này, ban quản lý tập trung tối đa nhân lực đón tiếp các đoàn khách về một cách chu đáo, trang trọng nhất.
Bên cạnh đó, Ban quản lý Khu di tích quốc gia Truông Bồn đã đề nghị Tỉnh đoàn Nghệ An bố trí một đội 20 đoàn viên tình nguyện đến để hỗ trợ công tác tiếp đón du khách. Ngày nay, Truông Bồn đã trở thành một "địa chỉ đỏ" thu hút một lượng lớn du khách đến dâng hương mỗi năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.