Hãng viễn thông di động Ấn Độ muốn vào thị trường Việt Nam

Thứ năm, ngày 24/04/2014 21:40 PM (GMT+7)
mCarbon chuyên cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng và muốn tiến vào những thị trường phát triển mạnh mẽ như Việt Nam hay Indonesia, với hy vọng thúc đẩy doanh thu trong tương lai gần.
Bình luận 0
Công ty cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cho di động mCarbon của Ấn Độ nhắm tới mục tiêu tăng trưởng doanh thu hơn 50% trong 3 năm tới bằng cách mở rộng thị trường vào Việt Nam, Indonesia và Mỹ Latin, đồng thời tăng cường hợp tác với các nhà mạng ở châu Phi để tiến hành mua lại và sáp nhập.

img
Viễn thông Việt Nam phát triển nhanh chóng trong thời gian qua.

Theo Rajesh Razdan, người sáng lập kiêm giám đốc công ty, Việt Nam và Indonesia là hai trong số những thị trường viễn thông phát triển nhanh ở châu Á, chính vì vậy mCarbon muốn tiến vào đây để kinh doanh. "Mỹ Latin cũng là thị trường sinh lợi và chúng tôi có thể tham gia trong tương lai", Razdan chia sẻ.

Vị giám đốc cho biết công ty có nguồn tiền mặt dồi dào để thực hiện các kế hoạch thâu tóm trong tương lai. mCarbon hiện đã tiến vào thị trường châu Phi qua nhà mạng Bharti Airtel và đã bắt đầu hợp tác với Zain và MTN. "Chúng tôi đã thành lập văn phòng ở Nigeria. Trong 6 tháng, chúng tôi sẽ tiến vào Kenya và Nam Phi", Razdan nói.

mCarbon mới thành lập năm 2008, là một doanh nghiệp không quá lớn với doanh thu tài khóa 2013-2014 chỉ khoảng 7-8 triệu USD nhưng đạt tăng trưởng gần 100%. Công ty có 30% thị phần VAS (giá trị gia tăng) của Ấn Độ đang lên kế hoạch bỏ từ 10 đến 15% tổng doanh thu phục vụ cho nghiên cứu và phát triển.

Khoảng 80% thu nhập của mCarbon đến từ thị trường Ấn Độ, phần còn lại là Bangladesh và châu Phi. Đơn vị đang đàm phán hợp tác với nhà mạng trong nước. "Chúng tôi tìm hợp tác với nhà mạng BSNL để cung cấp dịch vụ VAS", Razdan cho biết.

Trao đổi với VnExpress, đại diện các nhà mạng Việt Nam cho biết hiện chưa nhận được thông tin gì về ý định của mCarbon. Một đơn vị chia sẻ doanh nghiệp bạn có ý định thì cũng không thể thực hiện trong một sớm một chiều, bởi đối tác ngoại muốn hợp tác kinh doanh tại Việt Nam cần đáp ứng được nhiều điều kiện của pháp luật và cơ quan quản lý. Tiếp đó đôi bên xem xét khả năng của nhau trước khi tiến hành khảo sát thực tế, lên kế hoạch hợp tác...
VnExpress (Theo VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem