Nguyễn Mạnh Cường
Thứ sáu, ngày 12/05/2023 21:17 PM (GMT+7)
Dịch Covid-19, chiến tranh Nga – Ukraina, suy thoái kinh tế thế giới đã tác động mạnh mẽ đến thị trường hàng hóa của Việt Nam, cả trong nước và xuất khẩu. Từ đó, dẫn đến hệ lụy các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, sa thải hàng loạt người lao động.
Năm 2023, dân số Việt Nam đạt mốc 100 triệu người. Đặc biệt Việt Nam vẫn đang ở thời kỳ dân số vàng. Nghĩa là, hiện chúng ta đang có tới 2/3 dân số trong độ tuổi lao động từ 15-64, tức là hơn 66 triệu lao động có thể làm ra của cải vật chất cho xã hội.
Đây là lực lượng lao động tham gia vào tất cả các ngành nghề trong các lĩnh vực công, nông nghiệp, dịch vụ khác... Họ chính là những nhân tố tạo ra sản phẩm, tạo ra của cải vật chất phục vụ cho xã hội, đóng góp công sức tạo ra tổng sản phẩm quốc dân. Những người lao động đó đều mong muốn sản phẩm dịch vụ mình làm ra được tiêu thụ họ mới có nguồn thu như: tiền lương, tiền vốn + lợi nhuận để nuôi sống bản thân, gia đình và để cống hiến cho xã hội.
Thế nhưng, trong khi số lượng người trong độ tuổi lao động cao, thì chúng ta cũng không nằm ngoài sự tác động chung của nền kinh tế thế giới.
Cùng với xu thế đề cao chủ nghĩa dân tộc ở nhiều nước trên thế giới, đi kèm các biện pháp bảo hộ thương mại như: Chống bán phá giá, hỗ trợ chi phí sản xuất được một số nước áp dụng… đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam. Dẫn đến, sản phẩm làm ra không bán được, nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất... Những biến động đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến một số lớn lao động mất việc làm vì sản phẩm họ làm ra không tiêu thụ được.
Tại Việt Nam, những năm qua, các biện pháp phòng vệ thương mại cũng đã được Bộ Công Thương triển khai mạnh mẽ để bảo hộ hàng trong nước. Phòng về thương mại là tên gọi chung của ba nhóm biện pháp: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ . Đây là các công cụ chính sách thương mại được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các thành viên sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Các công cụ chính sách thương mại này cũng được thừa nhận trong các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực được các quốc gia trên thế giới ký kết.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là 1 trong những biện pháp để bảo vệ hàng hóa trong nước. Người lao động, doanh nghiệp vẫn cần đứng vững và bước tiếp trên chính đôi chân của chính mình.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã có những sáng tạo, những thay đổi trong công nghệ, những tư duy đột phá trong sản xuất, những thay đổi mẫu mã để tạo ra những sản phẩm Made in Việt Nam chất lượng, đẹp và giá cả hợp lý để đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, cần lắm những tấm lòng Việt, bày tỏ tình đồng bào, sự tương thân gắn kết của những con người cùng chung nguồn cội, chung một thị trường tiêu dùng. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trung nhấn mạnh: Khi chúng ta bỏ 1 đồng để mua sản phẩm Made in Việt Nam, nghĩa là chúng ta đã tạo 1 cơ hội, tạm ứng niềm tin cho người lao động Việt Nam, từ đó sẽ góp phần tạo thêm công ăn việc làm đảm bảo thu nhập cho người lao động. Người lao động đó có thể là: cha, mẹ, anh, em, họ hàng, bạn bè làng xóm của mình nói riêng và người lao động Việt Nam trên toàn quốc nói chung. Ngược lại khi các sản phẩm, hàng hóa Việt được tiêu thụ, kinh tế phát triển sẽ tác động tăng GDP, góp phần làm nên xã hội phồng vinh, hạnh phúc, trong đó có chúng ta. Đây chính là mối quan hệ tương hỗ cùng phát triển.
Mặt khác, như thông điệp mà Cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam đã nêu rõ: Người Việt dùng hàng Việt là dịp thể hiện lòng yêu nước, thương nòi của mỗi người dân Việt Nam. Góp phần cùng Đảng, Nhà nước thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, xây dựng đất nước giầu mạnh hơn cho chúng ta hôm nay và cho tương lai của con, em của chính chúng ta mai sau.
Ông Phạm Văn Bằng, một chuyên gia thương mại nhấn mạnh: "Bên cạnh đó, cần tuyên truyền vận động sâu rộng các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ (học sinh, sinh viên) ý thức và tự hào khi tiêu thụ sản phẩm nội địa Made in Vietnam. Đây cũng chính là cách thức mà Nhật Bản, Hàn Quốc đã tạo nên những kỳ tích Sony, Samsung của họ qua sự ủng hộ từ chính người tiêu dùng trong nước những thập niên trước".
Trong hàng nghìn năm qua, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc là truyền thống quý báu đã ăn sâu vào máu, thấm đẫm vào xương bao thế hệ người dân Việt Nam. Thấu cảm với những khó khăn, vất vả của người lao động, ghi nhận những giá trị, thành tựu Việt, đồng lòng chung sức đưa thương hiệu Việt lan toả khắp trường quốc tế.
Người Việt dùng hàng Việt cũng là một cách để hàng hoá Made in Vietnam chiếm lĩnh thị trường trong nước và cả trường quốc tế. Và hơn nữa, đó cũng là niềm tự hào của người Việt!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.