Vai trò của hàng xáo (thương lái thu mua lúa gạo) gần đây đã được xã hội nhìn nhận đúng hơn. Có thể nói hàng xáo như một mắt xích không thể thiếu trong điều kiện sản xuất kinh doanh lúa gạo ở Việt Nam. Một bên là người sản xuất muốn bán lúa gạo mà mình làm ra, một bên là doanh nghiệp muốn mua lúa gạo để kinh doanh, nhưng họ lại không thể đến được với nhau vì những cách trở địa lý, phương tiện vận chuyển, tổ chức nhân lực mua gom…
|
Bạn hàng xáo là cầu nối lưu thông trong điều kiện sản xuất manh mún, phân tán. |
Nguồn lực lớn từ xã hội
Ông Trần Thanh Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Gentraco (Cần Thơ), cho biết, lực lượng hàng xáo tận dụng chiếc ghe, chiếc xuồng sẵn có trong nhà, luồn lách vào từng hộ, đến tận ruộng của nông dân mua lúa, rồi chở về bán cho doanh nghiệp, lấy công làm lời. Lực lượng này ngày càng phát triển mạnh lên, nhiều người còn lấy đó làm cái nghề, cái nghiệp cha truyền con nối.
Chị Trần Thị Bông ở huyện Thoại Sơn, An Giang, cũng nối nghiệp cha làm hàng xáo được hơn 10 năm nay. Không còn dùng chiếc xuồng ba lá, nhà chị đã có xuồng máy và thêm chiếc xe tải đi thu mua, một nhà máy xay xát nho nhỏ. Chị làm việc bất kể trời mưa hay nắng, khi đã vào vụ là không có ngày nghỉ. Để đảm bảo chất lượng, chị đến tận ruộng nông dân mua lúa vừa suốt xong khi hạt lúa còn ướt, đưa tới các lò sấy. Sấy khô xong, chị đem đi xay xát ra hạt gạo thô mới bán cho các doanh nghiệp.
Thực tế, hiện các doanh nghiệp chỉ thu mua lúa khô hoặc gạo nguyên liệu, trong khi đó nông dân lại không có sân phơi, lò sấy hay nhà máy xay xát. Anh Huỳnh Văn Sơn ở xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, Long An, cho rằng nếu không có hàng xáo, nông dân như anh sẽ rất khốn đốn: “Họ đến tận ruộng thu mua, tôi chỉ cân xong là nhận tiền ngay. Còn nếu không có họ, chúng tôi có thể vẫn tổ chức đem hàng đến bán cho doanh nghiệp được nhưng nhiêu khê lắm”.
Anh Sơn nhẩm tính các công đoạn mà anh phải làm nếu không có hàng xáo; đầu tiên là phải đem lúa đi phơi (nhà anh không có sân), lại đang mùa mưa nên bắt buộc phải đưa đi sấy. Muốn thế phải đi gom lúa của nhiều nhà vì lò sấy một mẻ tới 30 tấn, trong khi nhà anh chỉ có 5 tấn. Sấy không khéo, không đạt ẩm độ doanh nghiệp yêu cầu là họ không mua…
“Vi mạch” lưu thông lúa gạo
Ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá hàng xáo là lực lượng quan trọng không thể thiếu, là cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc kinh doanh lương thực. Họ được coi là chân rết, có thể thu mua ở mọi ngõ ngách, những nơi mà các doanh nghiệp không thể tới được.
Thạc sĩ Lê Thanh Tùng - Chuyên viên Cục Trồng trọt: Cần tổ chức lại hoạt động hàng xáo
Hoạt động thu mua lúa gạo của lực lượng hàng xáo hiện nay chưa được tổ chức bài bản. Theo đó, hàng xáo thu mua lúa từ nhiều nơi rồi bán cho nhiều doanh nghiệp theo nhiều giá khác nhau. Sắp tới, Cục Trồng trọt sẽ đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện tổ chức lại đội ngũ này. Các doanh nghiệp sẽ liên kết hoạt động với từng nhóm hàng xáo để họ cung cấp lúa gạo. Cũng có thể tổ chức cho hàng xáo thu mua theo từng cánh đồng hoặc từng cụm khu vực, tùy điều kiện. Điều này không có nghĩa là bắt hàng xáo phải đăng ký kinh doanh để họ phải chịu các loại thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT... mà là quy họ về một mối, tổ chức họ thành đội ngũ “chân rết” của các doanh nghiệp, có những ưu đãi, chính sách thích hợp để quản lý cũng như khuyến khích họ mua lúa sát giá, không ép giá nông dân.
Ông Hồ Minh Khải - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ cho biết, công ty ông có vùng nguyên liệu liên kết sản xuất với nông dân rộng 5.660ha nhưng lượng gạo cung ứng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30 – 50% nhu cầu xuất khẩu mỗi năm. Phần còn lại, công ty vẫn phải mua qua lực lượng hàng xáo. Nhiều doanh nghiệp khác không có vùng nguyên liệu hầu như phải mua lúa gạo qua hàng xáo 100%.
Để có thể trực tiếp thu mua lúa trên vùng nguyên liệu, công ty ông Khải đã phải đầu tư 4 điểm cân lúa tại ruộng và xây dựng 63 lò sấy lúa rải đều khắp các cánh đồng nguyên liệu. “Chỉ mới thu mua trực tiếp từ nông dân một phần so với nhu cầu mà chúng tôi đã phải đầu tư một khoản rất lớn như thế. Trong khi đó, hệ thống kênh, rạch tại ĐBSCL hiện nay dù đã hoàn thiện nhiều nhưng vẫn còn rất cạn, chỉ ghe, xuồng nhỏ của các thương lái mới có thể luồn lách đến tận cùng các vùng sản xuất để thu mua lúa. Doanh nghiệp thực sự không thể nuôi nổi một “dàn quân” hàng mấy trăm người như vậy” - ông Khải nhận định.
Để phát huy hơn nữa hệ thống chân rết mua gom lúa gạo này, VFA đã có kiến nghị Nhà nước, các ban, ngành phối hợp tổ chức lại lực lượng hàng xáo. Nhiều thành viên VFA gần đây đã đi đầu đẩy mạnh chương trình liên kết với hàng xáo. Các doanh nghiệp này hướng dẫn hàng xáo cách thu mua lúa gạo và yêu cầu họ công bố rõ ràng là mua cho doanh nghiệp nào để nông dân có thể đối chiếu giá cả. Về phần doanh nghiệp cũng có trách nhiệm giữ giá trong một thời gian nhất định, nhằm tránh tình trạng sau khi thu mua xong, doanh nghiệp lại trả giá thấp hơn.
Ngọc Minh - Thuận Hải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.