Hãng xe Ford méo mặt doanh số dưới cuộc khủng hoảng chip toàn cầu và Covid-19

Huỳnh Dũng Thứ hai, ngày 01/11/2021 10:00 AM (GMT+7)
Hãng sản xuất xe hơi đình đám Ford và đối thủ cạnh tranh General Motors tiếp tục trở thành nạn nhân hứng lấy loạt thất bại khủng hoảng, do tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu gây ra.
Bình luận 0

Chip bán dẫn là thành phần thiết yếu trong cấu tạo ô tô đời mới, không chỉ ở hệ điều hành, hệ thống giải trí của xe mà còn ở các bộ phận truyền lực, phanh và cảm biến xung quanh xe. Các nhà phân tích trong ngành cho biết, biến thể delta của Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nhân viên tại các nhà máy sản xuất chip ở Đông Nam Á, Châu Á buộc một số nhà máy phải đóng cửa. Điều đó làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chip bán dẫn, trực tiếp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất ô tô trên toàn thế giới.

Kevin Roberts, giám đốc thông tin chuyên sâu về ngành của Cargurus.com cho biết: "Giờ đây, triển vọng về doanh số bán ô tô mới trong thời gian còn lại của năm tiếp tục mờ nhạt với thực tế là hàng tồn kho khan hiếm sẽ kéo dài đến năm 2022".

General Motors và Ford Motor cắt giảm sản lượng bổ sung vì tình trạng thiếu chip bán dẫn đang ảnh hưởng đến sản xuất ô tô toàn cầu. Ảnh: @AFP.

General Motors và Ford Motor cắt giảm sản lượng bổ sung vì tình trạng thiếu chip bán dẫn đang ảnh hưởng đến sản xuất ô tô toàn cầu. Ảnh: @AFP.

Không ngoại lệ, hai nhà sản xuất ô tô lớn ở Detroit là Ford và đối thủ cạnh tranh General Motors cho biết rằng, tình trạng thiếu chip trên toàn thế giới đã ảnh hưởng đến thu nhập quý III của họ. Điều này khiến cả hai công ty phải tạm thời đóng cửa nhà máy, khiến nguồn cung cấp cho các đại lý bị hạn chế.

Điển hình là vào đầu tháng 10/2021, General Motors cho biết tiếp tục ngừng sản xuất dòng xe thể thao Chevrolet Blazer tại nhà máy Ramos ở Mexico thêm một thời gian do thiếu chip bán dẫn. Còn Ford tạm đóng cửa nhà máy Flat Rock chuyên sản xuất dòng xe Mustang. Ngoài ra, Ford cũng sẽ cắt giảm sản lượng dòng xe Transit tại nhà máy lắp ráp ở Kansas, và nhà máy sản xuất xe tải của Ford ở Kentucky dự kiến sẽ cắt giảm 2/3 số ca làm việc của nhân viên.

Không chỉ dừng tại đó, trong số hai thương hiệu trên, Ford hoạt động tốt hơn. Doanh thu của hãng Ford đã giảm khoảng 5% so với một năm trước đó, xuống còn 35,7 tỷ USD, trong khi doanh thu của General Motors giảm 25%, xuống còn 26,8 tỷ USD.

Thực tế, GM và Ford đã phải ngừng hoạt động một số dây chuyền lắp ráp vì thiếu chất bán dẫn, đồng thời phải đối mặt với chi phí tăng cao đối với các bộ phận và nguyên liệu thô khác cũng như vận chuyển. Sản xuất bị đứt quãng và chi phí chuỗi cung ứng tăng cao gây áp lực lên tỷ suất lợi nhuận.

Dựa trên kết quả này, General Motors và Ford có khả năng cho các nhà đầu tư thấy tác động tài chính tíêu cực của tình trạng thiếu chip bán dẫn toàn cầu, khi các nhà sản xuất ô tô Mỹ này vừa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2021.

Các giám đốc điều hành tại hai nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Mỹ cho biết tác động của tình trạng thiếu chip sẽ kéo dài sang năm sau và thậm chí có thể là năm 2023. Ảnh: @AFP.

Các giám đốc điều hành tại hai nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Mỹ cho biết tác động của tình trạng thiếu chip sẽ kéo dài sang năm sau và thậm chí có thể là năm 2023. Ảnh: @AFP.

Giám đốc điều hành của GM, Mary T. Barra cho biết trong một bức thư gửi các cổ đông: "Quý III/2021 tiếp tục chịu đầy thách thức do áp lực thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu tiếp diễn". Theo bà, những chiếc ô tô hiện đại yêu cầu nhiều chip điện tử dành cho bộ điều khiển động cơ và hệ thống thông tin giải trí. Với lượng chip khan hiếm vì các vấn đề liên quan đến sản xuất và vận chuyển liên quan đến đại dịch, GM đã tạm dừng sản xuất vào tháng 8 và tháng 9 tại các nhà máy trên khắp Bắc Mỹ, bao gồm một số nhà máy sản xuất xe bán tải và xe thể thao đa dụng cỡ lớn có lợi nhuận cao.

Trong khi GM bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi tình trạng thiếu chip so với Ford trong quý III, Ford đã gặp khó khăn lớn hơn vào đầu năm do một trong những nhà cung cấp chip chủ chốt của công ty này gặp hỏa hoạn tại một nhà máy ở Nhật Bản.

Ford dự báo tình trạng hiện tại sẽ cải thiện hơn nữa trong quý IV/2021, mặc dù nguồn cung chip eo hẹp có thể sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô nói chung trong một thời gian dài. Giám đốc tài chính của Ford, John Lawler cho biết trong một cuộc họp báo: "Tôi cho rằng, tình trạng thiếu hụt chip sẽ duy trì đến năm 2022 và có thể kéo dài sang năm 2023, nhưng chúng tôi hy vọng mức độ nghiêm trọng sẽ giảm bớt lại".

Những hạn chế về sản xuất khiến các đại lý có lượng xe mới tồn kho ít ỏi. Trong quý III, doanh số bán xe mới của GM tại Hoa Kỳ đã giảm một phần ba. Một điểm thuận lợi cho các nhà sản xuất ô tô là giá xe tăng, làm tăng lợi nhuận trên mỗi chiếc xe tải hoặc ô tô bán ra. Ford đã báo cáo thu nhập ròng 1,8 tỷ đô la trong ba tháng kết thúc vào tháng 9, so với 2,4 tỷ đô la một năm trước đó. Lợi nhuận của GM là 2,4 tỷ USD, giảm từ 4 tỷ USD.

Trong một cuộc họp với các phóng viên, Giám đốc điều hành của GM, Mary T. Barra cho biết bà đã gặp một số nhà cung cấp chất bán dẫn để cải thiện nguồn cung cấp chip cho GM. Bà nói: "Chúng tôi đang đặc biệt tập trung vào các chiến lược để đảm bảo rằng chúng tôi không nhìn thấy tình trạng này tiếp diễn trong trung hạn và dài hạn nữa".

Ngoài ra, bà Barra cho biết một nhà máy pin mới ở Ohio - liên doanh với LG  sẽ bắt đầu được sản xuất vào năm tới. Bởi GM có kế hoạch giới thiệu 30 mẫu xe điện mới trên toàn thế giới vào năm 2025, trong đó có 20 mẫu xe ở Bắc Mỹ.

Ford cũng đang thực hiện một cú hích lớn về xe EV, bao gồm cả phiên bản chạy điện của chiếc xe tải F-150 bán chạy nhất của hãng. Tháng trước, công ty Ford cũng tuyên bố sẽ chi hàng tỷ đô la để xây dựng ba nhà máy sản xuất pin và một nhà máy xe tải điện tại Mỹ, tạo ra 11.000 việc làm trong vòng bốn năm tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem