Hành hạ, bóc lột sức lao động của trẻ em là tội ác

Thùy Anh Thứ tư, ngày 25/11/2020 06:06 AM (GMT+7)
Vì bị bóc lột sức lao động, bị bắt làm việc từ rất sớm mà nhiều trẻ em, trẻ vị thành niên không được tới trường, không được học hành.
Bình luận 0

Hơn thế nữa, việc các em phải lao động khi tuổi đời còn quá nhỏ khiến các em không thể đảm bảo năng suất, chất lượng mà chủ lao động đòi hỏi, từ đó dẫn tới hệ lụy bị chủ đánh đập, xâm hại.

Luôn đối diện nguy cơ bị bạo hành

Mới đây, phóng sự điều tra về vụ việc 2 trẻ vị thành niên bị bóc lột sức lao động, bị một một chủ quán bán bánh xèo ở Bắc Ninh được Báo NTNN/Dân Việt đăng tải đã khiến cộng đồng rất bức xúc.

Hai trẻ vị thành niên (quê Quảng Ngãi) bị lợi dụng ra làm việc cho một quán bánh xèo ở Bắc Ninh, sau đó bị người chủ bắt làm việc nhiều giờ liên tục. Không chỉ vậy, các em còn bị đánh đập tàn nhẫn, bị bỏ đói và không cho liên lạc với gia đình. Vụ việc chỉ được phanh phui khi có người bức xúc và gửi thông tin tố cáo tới Báo NTNN/ điện tử Dân Việt.

Hành hạ, bóc lột sức lao động của  trẻ em là tội ác  - Ảnh 1.

Hành hạ, bóc lột sức lao động của  trẻ em là tội ác  - Ảnh 2.

Hành hạ, bóc lột sức lao động của  trẻ em là tội ác  - Ảnh 3.

Hành hạ, bóc lột sức lao động của  trẻ em là tội ác  - Ảnh 4.

Hành hạ, bóc lột sức lao động của  trẻ em là tội ác  - Ảnh 5.

Hành hạ, bóc lột sức lao động của  trẻ em là tội ác  - Ảnh 6.

Những hình ảnh đau lòng vụ trẻ vị thành niên bị bóc lột lao động, xâm hại thân thể tại quán bánh xèo ở Bắc Ninh. Ảnh: H.C

Phối hợp thông tin để bảo vệ trẻ em

Chiều ngày 24/11, Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) và Bưu điện Việt Nam đã có lễ ký kết thỏa thuận hợp tác trong công tác bảo trợ trẻ em.

Đây được xem là một bước đi nhằm thực hiện Quyết định số 1863/QĐ-TTg về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025 nhằm hướng tới xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành và hình thành mạng lưới xã hội về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em giữa các cơ quan, tổ chức liên quan.

Mục tiêu chính của thỏa thuận hợp tác nhằm tăng cường công tác phối hợp chỉ đạo, triển khai hiệu quả các giải pháp bảo vệ và phòng, chống xâm hại trẻ em. Qua đó đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và xây dựng môi trường sống an toàn và lành mạnh vì sự phát triển của trẻ em.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu các vụ sử dụng lao động trẻ em có yếu tố bạo hành, xâm hại được phát giác. Trước đó, năm 2010 dư luận không khỏi chấn động trước sự việc cậu bé 14 tuổi Hào Anh (tên thật là Nguyễn Hoàng Anh) đi làm thuê tại Cà Mau và bị nhà chủ bạo hành bằng nhiều "cực hình" như uống nước tiểu, dùng đũa than nóng chích vào người, dùng kìm kẹp môi… Bắt đầu làm thêm và chịu đủ mọi cực hình từ năm 2008, nhưng phải tới năm 2010, Hào Anh mới được giải cứu khi được người dân đia phương phát hiện cậu bé trong tình trạng bất tỉnh. Tình trạng thương tích lúc bấy giờ của cậu bé ở mức 70%, cơ thể lưu lại vô số vết sẹo xấu.

Bà Lê Hồng Loan- Trưởng chương trình về bảo vệ trẻ em Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết, thực tế các vụ việc sử dụng lao động trẻ em ở Việt Nam không thiếu. Tình trạng sử dụng lao động trẻ em ở khu vực phi chính thức như làng nghề, làm dịch vụ du lịch, giúp việc gia đình... diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên vẫn chưa có sự tách bạch rõ ràng về vấn đề lao động trẻ em, với học nghề hay lao động trẻ em với lao động vị thành niên nên nhiều cơ sở vẫn nhập nhằng sử dụng lao động trẻ em.

"Trẻ em phải lao động quá sớm có thể làm suy giảm sức khỏe, mất đi cơ hội học hành, tiếp cận với việc làm bền vững, an toàn. Ngoài ra, khi lao động quá sớm, trẻ em trong đó có cả trẻ vị thành niên sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị bóc lột, bị bạo hành, xâm hại vì ở tuổi các em chưa có đủ kiến thức, kỹ năng để phòng vệ. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều vụ xâm hại, bóc lột được phát hiện trong các vụ việc có sử dụng lao động trẻ em"- bà Loan nói.

Điểm yếu trong thanh tra, kiểm tra

Hành hạ, bóc lột sức lao động của  trẻ em là tội ác  - Ảnh 8.

"Do làm việc trong những ngành rất đặc thù, lại làm các công việc không chính thức, không ổn định nên việc kiểm tra, thanh tra, giám sát để phát hiện các vụ việc sử dụng lao động trẻ em cũng thường rất khó".

Ông Nguyễn Tiến Tùng -

Phó chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH

Mặc dù chưa có một thống kê hay nghiên cứu chính thức nào về lao động trẻ em tại Việt Nam nhưng qua những báo cáo định tính, nhiều chuyên gia đều nhận định, vấn đề sử dụng lao động trẻ em thường "nóng" ở khu vực phi chính thức.

Tại Việt Nam, kết quả Điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy, hiện có 1,75 triệu lao động trẻ em, tồn tại đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức, với khoảng 1,7 triệu trẻ em, trong đó có đến 34% các em làm việc kéo dài trên 42 giờ/tuần.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết, hiện nay Bộ luật Lao động đã có hiệu lực, tuy nhiên, các thông tư hướng dẫn vẫn chưa đầy đủ. Ông Nam cho biết Bộ LĐTBXH đang chuẩn bị ban hành thông tư hướng dẫn về việc sử dụng lao động vị thành niên, trong đó, làm rõ vấn đề về khái niệm thanh tra, xử lý khi phát hiện lao động trẻ em.

"Hiện nay, lực lượng thanh tra của chúng ta còn mỏng nên không thể thanh tra, kiểm tra hết, nhất là khối lao động phi chính thức. Chính bởi vậy, cần tăng cường truyền thông phòng ngừa, phát động người dân giám sát, tố cáo tội phạm"- ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, thời gian gần đây, công tác truyền thông đã tốt lên, vì thế nhận thức của người dân cũng dần được nâng lên. Người dân đã phát hiện, tố giác tội phạm, trong đó có tội phạm xâm hại trẻ em nhiều hơn. Việc người dân tham gia tố giác trong vụ việc quán bánh xèo hành hung 2 cháu bé ở Bắc Ninh là một điển hình.

Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, lao động trẻ em ở Việt Nam tồn tại chủ yếu trong khu vực kinh tế phi chính thức. Để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, cần có sự tham gia thường xuyên, phối hợp chặt chẽ của các đối tác trong xã hội và các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, đặc biệt từ chính gia đình và cộng đồng. Về lâu dài, phòng chống lao động trẻ em đòi hỏi phải có các chính sách đồng bộ bảo trợ xã hội và việc làm bền vững cho cha mẹ.

Trong khi đó, ông Chang Hee Lee - Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam cho rằng, tạo việc làm bền vững cho cha mẹ là cách phòng ngừa lao động trẻ em tốt nhất: "ILO đã từng cảnh báo rằng, với 1,75 triệu lao động trẻ em tại Việt Nam, các chuỗi cung ứng sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ phục vụ hàng triệu người mỗi ngày có nguy cơ tồn tại lao động trẻ em. Lao động trẻ em ở Việt Nam chủ yếu tồn tại ở khu vực kinh tế nông thôn và phi chính thức, ngoài tầm kiểm soát của các thanh tra lao động,.. Đặc biệt, trong sản xuất hộ gia đình, trẻ em thường rất dễ bị tổn thương do thu nhập của bố mẹ các em không đủ hoặc bởi các doanh nghiệp gia đình phi chính thức không đủ tiền thuê lao động trưởng thành. Vì vậy, để phòng chống lao động trẻ em đòi hỏi phải có các chính sách đồng bộ, đó là nền giáo dục với chất lượng tốt, bảo trợ xã hội và việc làm bền vững cho cha mẹ các em" - ông Chang Hee Lee nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem