Mấy ngày tết, theo thống kê, trên cả nước ta, có khoảng 2.000 vụ nhập viện vì... đánh nhau. Tức là những vụ không bị nhập viện thì không tính. Mà số không phải nhập viện này chắc chắn phải gấp nhiều lần số nhập viện.
Rất nhiều người lên tiếng bày tỏ sự xấu hổ vì tính hung hãn, bất chấp phải trái của một số người dân Việt, không chỉ ở trong nước, mà cả “xuất khẩu” ra nước ngoài mỗi khi có dịp.
Người ta có thể đánh nhau, hoặc đánh người vì những hành vi rất nhỏ nhặt như… “nhìn đểu”, vô tình đụng nhau, mâu thuẫn trên mạng, không nhường đường… đến lớn hơn như nghi ngờ bắt được kẻ trộm, mâu thuẫn tình ái, trả thù nhau…
Nhóm thanh niên hành hung cụ ông là thương binh gần 70 tuổi.
Hôm qua trên mạng lan truyền 2 vụ đánh người rất... điển hình. 5-6 thanh niên lực lưỡng khỏe mạnh xông vào tra tấn, phải gọi đúng là thế dù tôi không đủ can đảm xem hết clip, một bác cựu chiến binh, thương binh gần 70 tuổi đang phải sử dụng một chân giả, giữa phố phường Hà Nội. Đánh dã man xong bọn họ còn khóa tay ông ép lên xe chở đi như chở tội phạm. Và, nếu nghe những lời đám thanh niên này văng ra lúc đánh ông già thì mới kinh nữa. Tôi không xem hết clip không phải vì sợ cảnh đánh người, dù nó cũng rất kinh rồi, mà là kinh cái thái độ hung hãn, vô cảm, bất chấp, cái máu lạnh, cái bất nhẫn, cái ác độc không điểm dừng của mấy ông trẻ này. Không thể tưởng tượng được, giữa thủ đô, thành phố vì hòa bình, mà lại có thể nảy nòi ra những kẻ ác độc đến mất nhân tính đến như thế.
Vụ thứ 2 cũng hài không kém, cũng tại Hà Nội. Một chị mất xe máy, chạy đuổi theo và tri hô để mọi người giúp. Vừa hay có một anh cũng chạy cái xe như thế đi tới. Thế là nhiều người ở đấy đè nghiến anh này ra tra tấn tập thể. Một người quen của anh này xông vào can, bị đánh hội đồng luôn. Em ruột anh này chạy ô tô tới, nhảy xuống can cũng bị “tẩn”. Cả 3 người phải vào nhập viện cấp cứu ngay giữa ngày tết trong sự ngỡ ngàng của biết bao người đi đường tử tế không thể can được, và cả sự hả hê của những kẻ thích đánh người, ra tay bất cứ lúc nào có hứng.
Một trong số 3 người bị đánh oan một cách dã man vì "tưởng là trộm"
Trước đó nữa, là những vụ đánh người trộm chó, và cả bọn trộm chó đánh chủ chó. Rồi học sinh đánh nhau, mà “đỉnh” nhất là vụ mấy choai nữ vừa đánh hội đồng một cháu bé, một choai dùng viên gạch bổ thật lực vào đầu cháu bé nạn nhân khiến cháu gục tại chỗ, bất động...
Chúng ta đã từng tự hào về lòng dũng cảm, tinh thần nghĩa hiệp, sự hy sinh vì nghĩa lớn của con người Việt Nam, nhất là thời kỳ chiến tranh. Nhưng nếu như, không biết điều chỉnh, chúng ta cứ áp dụng mãi nó vào thời hiện tại thì đấy là một sự báo động về tính mang động, liều lĩnh, tính hung hãn của một số người Việt, đặc biệt là trong lớp trẻ.
Giáo dục truyền thống là việc đương nhiên, nhưng có vẻ như chúng ta mới chỉ giáo dục một chiều, mà chưa biết hóa giải truyền thống ấy vào hiện tại, để biến cái truyền thống quả cảm, sẵn sàng hy sinh bằng lối sống nhân hậu, bình tĩnh, an nhiên, thấu tình đạt lý vào đời sống bình thường. Chứ cứ như những gì đang xảy ra, có vẻ tính hung hãn của người Việt đang ngày càng có cơ phát triển…
Một xã hội có nhiều người nghĩa hiệp, sẵn sàng ra tay vì lẽ phải, chống lại bất công, là một xã hội có thể được cho là đẹp. Nhưng đi liền với sự nghĩa hiệp phải là sự thượng tôn pháp luật, là tính nhân bản, là tình thương, là việc không để cái ác được lên ngôi.
Dùng cái ác chống lại các ác là sự bất lực của con người, của xã hội. Huống hồ ở những trường hợp cụ thể này, nạn nhân là những người bình thường, những người tử tế. Đối với những kẻ ăn trộm, như trộm chó chẳng hạn, chúng ta cũng không được quyền hành xử kiểu lợi dụng đám đông để tra tấn kẻ trộm, huống gì…
Một mặt cần phải xem lại cách giáo dục của chúng ta, mặt khác, cũng cần phải điều chỉnh pháp luật, để mỗi khi có việc xảy ra, người dân cảm thấy họ không được pháp luật bảo vệ nên họ phải tự xử…
Và cũng cần phải đối xử công bằng nữa. Hiện tại có vẻ chúng ta rất chú trọng xây dựng kinh tế, trong khi văn hóa, vẫn có cái gì đấy như kiểu “ăn xổi ở thì”, phát nhiều ở bề nổi, còn cái cốt lõi của văn hóa, là giáo dục con người từ bé, về lẽ phải, về công bằng, về lòng nhân, về ý thức cộng đồng, nhường nhịn và vị tha… để tạo ra một thế hệ có đủ bản lĩnh, nhân cách để sống và yêu thương, để tồn tại và phát triển… thì hình như mới chỉ được chăng hay chớ…
Sự hung hãn nếu không biết tiết chế, rất dễ dẫn đến những hiệu ứng đám đông vô cùng nguy hiểm…
Để có thể yêu thương nhau, phải học cả đời. Để trở thành kẻ ác, chỉ cần tích tắc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.