Hạnh phúc của hai số phận tật nguyền

Chủ nhật, ngày 11/03/2012 19:20 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Lý Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) - một làng quê nghèo bên triền cát trắng. Khi tôi mới hơn một tuổi, mẹ đã bỏ bố con tôi đi tìm hạnh phúc mới.
Bình luận 0

Cũng thời gian đó, bố tôi nhập ngũ, nên suốt những năm tháng tuổi thơ, tôi phải sống với ông bà nội.

Năm 1991, bố tôi xuất ngũ và trở về quê nhà trong tình cảnh không ruộng đồng, không nghề nghiệp, ai thuê chi làm nấy. Năm 1997, trong một lần bố chở tôi mang cá đi bán ở huyện Quảng Ninh thì xảy ra tai nạn giao thông. Chấn thương khá nặng đã khiến đôi chân tôi bị liệt không thể đi lại được khi chỉ mới 18 tuổi. Cũng từ đó, tôi sống thu mình, cô đơn và buồn chán.

img
Vợ chồng chị Long.

Thương con, bố tôi gom góp hết tài sản và vay mượn bà con chòm xóm, đưa tôi đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để mong trả lại cho con đôi chân lành lặn. Gần 14 năm trời như vậy, nhưng kết quả tôi vẫn phải ngồi trên xe lăn. Thương bố, thời gian cũng đã giúp tôi lắng nỗi đau, chấp nhận thực tế của cuộc đời mình. Tôi bắt đầu loay hoay tìm kế mưu sinh để san sẻ bớt những khó khăn vất vả của bố.

Tôi may mắn gặp được Tổ chức AEPD và có cơ hội tham gia nhiều lớp tập huấn khởi sự kinh doanh, hội thảo về quyền và cơ hội hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật. Và rồi tôi gặp anh tại một hội thảo. Cũng như tôi, anh sinh ra là một cậu bé khỏe mạnh. Nhưng đến năm 3 tuổi, sau một trận ốm, một cánh tay và nửa phần thân bên trái của anh ngày càng teo lại và mặc cảm tật nguyền cũng lớn dần lên trong anh…

Đến tận bây giờ tôi vẫn không quên cái ngày mà thần tình yêu đã đưa anh đến với tôi. Ánh mắt đầu tiên mà anh nhìn tôi thật trìu mến, yêu thương... Đám cưới của chúng tôi đã diễn ra trong s­­ự vui mừng khôn xiết nhưng cũng không ít ái ngại.

Ngày tôi về làm dâu nhà anh ở xã Tây Trạch (Bố Trạch), cái gì cũng khác lạ và khó khăn. Anh đã nỗ lực nhiều hơn để giúp tôi vượt lên. Ở nhà tôi có thể lăn xe đến đâu cũng được vì nhà được ba tôi sửa lại cho phù hợp. Về nhà anh thì khác hoàn toàn, những lúc không lăn được là anh bế tôi...

Với những gì học hỏi được, vợ chồng tôi quyết tâm không ngồi chờ, dựa dẫm ai. Ngoài quán cà phê nhỏ mở từ 10 triệu đồng vay diện hộ nghèo, chúng tôi còn mua len đan mũ và khăn để bán nên cuộc sống đã dần dần ổn định...

Và hạnh phúc thực sự đã đến với vợ chồng chúng tôi, đầu năm 2012 tôi đã sinh được một đứa con trai bụ bẫm, đáng yêu. Đứa con là kết quả một tình yêu hoàn hảo được ghép lại từ hai mảnh ghép tật nguyền...

Chị Nguyễn Thị Long (xóm Làng, xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem