Hành trình đầy "tréo ngoe" xin thủ tục hưởng BHXH của những F0 điều trị tại nhà

Gia Khiêm - Diệu Linh Thứ sáu, ngày 04/03/2022 08:00 AM (GMT+7)
Trao đổi với PV Dân Việt, nhiều người lao động cho biết, họ đang gặp phải những tình huống dở khóc dở cười, "tréo ngoe" khi xin giấy hưởng bảo hiểm xã hội sau khi mắc Covid-19.
Bình luận 0

Hành trình "ma trận" của người từng mắc Covid-19 đi xin thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội bất thành 

Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 trong cả nước tăng rất cao, riêng Hà Nội ngày 3/3 có gần 19.000 ca mắc mới. Trước thực trạng trên, hiện khá nhiều người từng là F0 đang gặp khó khăn khi làm các thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội cho thời gian nghỉ việc, điều trị Covid-19. 

Có không ít người rơi vào cảnh "tréo ngoe" khi nhiều lần làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng bất thành.

Hành trình đầy "tréo ngoe" xin thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội của những F0 điều trị tại nhà - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng tại trạm y tế phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội chờ xin giấy tờ liên quan đến F0, hưởng BHXH. Ảnh: Gia Khiêm

Trao đổi với PV Dân Việt, chị Nguyễn Diệu L. (SN 1995, trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, bị nhiễm Covid-19 từ ngày 6/1 đến 15/1. Tuy nhiên, đã hơn 1 tháng trôi qua, chị rất mệt mỏi vì quy trình xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để nộp cho cơ quan sau thời gian bị Covid-19 đến nay vẫn chưa đâu vào đâu.

Theo chị L., khi xin giấy chứng nhận tại Trạm Y tế phường, họ chưa cấp đúng quy trình, đúng mẫu mà BHXH yêu cầu. "Quy định để được cấp giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội là khi bạn đang là F0 thì phải xin giấy xác nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. 

Sau khi kết thúc điều trị, âm tính, Trạm y tế mới cấp giấy cho mình, như thế khác nào đánh đố. Đã là F0 thì làm sao đi ra ngoài đường xin được? Tại sao không kết hợp dùng khai báo của chúng tôi cho phường, trạm y tế khi bị F0 để hoàn thành thủ tục này, để giảm thủ tục, bớt gây khó dễ cho người dân", chị L. thắc mắc.

Hành trình đầy "tréo ngoe" xin thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội của những F0 điều trị tại nhà - Ảnh 2.

Mẫu giấy chứng nhận nghỉ việc của chị Nguyễn Diệu L. không được công nhận vì ngày ký cuối cùng không trùng với ngày bắt đầu bị bệnh. Ảnh: Gia Khiêm

Sau thời gian điều trị trở về âm tính, chị L. lên trạm y tế mới được nghe giải thích của nhân viên y tế Trạm y tế phường giờ có quy định mới sẽ cấp lại giấy hưởng BHXH. Vấn đề ngày ký cuối cùng phải trùng với ngày bắt đầu bị bệnh thì y tế phường báo với chị L. không sửa được. 

Chị L. cho rằng, nhân viên y tế họ làm đúng theo quy định. Nhưng nếu quy định không đúng phải sửa ngay để tạo điều kiện cho người dân. Bắt người F0 phải đi làm các thủ tục nhận hưởng bảo hiểm khi họ đang dương tính chẳng khác nào tạo điều kiện cho lây lan dịch bệnh.

"Hiện tại tôi có hỏi nơi tôi làm việc thì một số người cũng gặp rắc rối tương tự, sau nhiều lần đi đi lại lại họ cũng nhờ y tế sửa được. Tuy nhiên sợ y tế phường mình chưa nắm được đâm ra rất mệt, có tờ giấy mà xin mãi không xong", chị L. thở dài.

Hành trình đầy "tréo ngoe" xin thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội của những F0 điều trị tại nhà - Ảnh 3.

Giấy ra viện của chị Tạ Thị H. không được BHXH công nhận. Ảnh: Gia Khiêm

Cũng gian nan trên hành trình xin giấy tờ xác nhận nghỉ việc hưởng BHXH sau khi nhiễm Covid-19, chị Tạ Thị H. (SN 1991, ở xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội) cho hay, đã ít nhất 5 lần đi tới Trạm Y tế, công an xã…nhưng chưa xong.

Trao đổi với PV Dân Việt, chị H. bị mắc Covid-19 từ ngày 28/12/2021, kết thúc khỏi bệnh vào ngày 13/1/2022. Sau khi khỏi bệnh chị H. phải đối mặt với tình huống dở khóc dở cười khi xin giấy hưởng BHXH.

"Quy trình xin giấy tờ làm BHXH của tôi khá gian nan. Công ty yêu cầu tôi xin giấy ra viện hoặc giấy nghỉ ốm hưởng BHXH thì mới được hưởng. Tôi ra Trạm y tế xã liên hệ với nhân viên phụ trách ngày báo mình bị F0 thì bạn ấy bảo không thể cấp được hai giấy tờ này. Họ chỉ cấp được duy nhất giấy thông báo cách ly và giấy thông báo dừng cách ly. 

Hai giấy tờ này ở chung cư gửi danh sách chung kèm theo những người dương tính ngày khai báo và âm tính vào ngày kết thúc. Tôi xin mãi không được, Trạm y tế xã lại đẩy sang bảo giấy tờ BHXH cần Công an xã cấp. Ra Công an lại thông báo Trạm y tế cấp… thành ra cứ ngược xuôi đi đi lại lại 5 lượt chưa xin nổi. Tôi mang đến chỗ làm nộp hai tờ thông báo cách ly và giấy thông báo dừng cách ly với F0 nhưng BHXH không chấp nhận", chị H. ngao ngán.

Sau nhiều lần liên hệ, trao đổi qua điện thoại cũng như gặp trực tiếp chị H. cuối cùng cũng xin được giấy ra viện có xác nhận của Trung tâm Y tế huyện Gia Lâm cấp nhưng cũng không được công nhận bởi không đúng mẫu, bắt buộc phải xin giấy nghỉ ốm hưởng BHXH.

"Đến nay đã gần 2 tháng kể từ khi khỏi bệnh và đi xin giấy tờ hưởng BHXH của tôi vẫn chưa được. Nói thật giờ tôi cũng chẳng mặn mà làm nữa. Bản thân tôi không trách lực lượng y tế bởi họ cũng ít thông tin, vận hành lúng túng bị động trong trường hợp này. Tôi phải ra nhiều lần xin giấy vẫn sai. Bản thân đóng BHXH nhưng khi nghỉ ốm phải rất mệt mỏi khi giải quyết các loại giấy tờ phức tạp", chị H. than thở.

Người trong cuộc nói gì?

Qua đây chị H. và nhiều người lao động mong muốn các thủ tục hưởng BHXH cho người lao động nên giải quyết nhanh chóng, thuận tiện nhất, tránh việc mỗi nơi một mẫu, một kiểu khiến mọi người mất nhiều thời gian, mệt mỏi.

"Bị ốm là điều không ai mong muốn, đi làm đóng BHXH nên khi bị ốm cần được giải quyết nhanh chóng. Mong muốn của tôi không phải chỉ đợt ốm này mà các đợt ốm khác BHXH cần phải linh động, linh hoạt hơn trong thủ tục chi trả quyền lợi của người lao động", chị H. bày tỏ.

Hành trình đầy "tréo ngoe" xin thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội của những F0 điều trị tại nhà - Ảnh 4.

Người dân nhận giấy hưởng bảo hiểm xã hội tại Trạm y tế phường ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thùy Phương, Trưởng phòng bảo hiểm xã hội ngắn hạn, ban thực hiện chính sách (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), giấy chứng nhận hoàn thành cách ly y tế, điều trị tại nhà hoặc giấy chứng nhận ra viện hiện cấp cho người lao động là F0 không đúng với mẫu "giấy chứng nhận hưởng bảo hiểm xã hội" theo thông tư 56 của Bộ Y tế. 

Bà Phương cho rằng, việc này dẫn đến BHXH không thể chi trả chế độ theo quy định. "Nhiều người cho rằng Bảo hiểm xã hội gây khó dễ nhưng nếu chấp nhận giấy tờ không đúng quy định để chi trả chế độ thì khi cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra sẽ buộc phải thu hồi số tiền đã chi", bà Phương nói.

Ngoài ra, theo bà Phương, hiện không ít người lao động là F0 xác định dương tính qua test nhanh hoặc xét nghiệm RT-PCR thường điều trị khỏi bệnh rồi mới đến trạm y tế cấp phường để xin giấy xác nhận dẫn tới ngày cấp không trùng với thời điểm nghỉ việc để điều trị bệnh. 

"Việc này không đúng quy định thông tư 56 khi giấy chứng nhận hưởng bảo hiểm xã hội phải được cấp trước hoặc trùng với thời gian lao động khám, chữa bệnh, ra viện hoặc nghỉ ốm. 

Hiện chưa có quy định, hướng dẫn về việc cấp các giấy tờ làm hồ sơ căn cứ hưởng bảo hiểm xã hội với đối tượng F0 điều trị tại nhà. Tuy vậy, cơ quan Bảo hiểm xã hội nhận thấy cần có sự linh hoạt, cải cách thủ tục trong cấp hồ sơ giấy tờ để nhanh giải quyết quyền lợi cho người lao động", bà Phương nêu nhận định.

Bà kiến nghị người lao động ở Hà Nội có thể trình công văn 415 ban hành ngày 22/1/2022, hướng dẫn các trạm y tế xã, phường, thị trấn cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội với lao động là F0 điều trị tại nhà. Tại TP.HCM, Thanh Hóa, Nghệ An, Sở Y tế các nơi này cũng chỉ đạo các trạm y tế cấp giấy nghỉ ốm cho người lao động.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem