Mong có vốn và kiến thức làm ăn
Anh Lường Văn Phớ là người dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên ở bản Chan Nọ, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng (Điện Biên). “Từ nhỏ tới tuổi thanh niên, bản thân nhà mình nghèo, rồi thấy bà con trong bản cũng nghèo. Đến năm 1994, mình đi bộ đội mới nhận thức được nguyên nhân của đói nghèo. Đó là do mình thiếu vốn, thiếu kiến thức làm ăn…”- anh Phớ thổ lộ.
Một phần vốn vay ưu đãi được vợ chồng anh Lường Văn Phớ sử dụng đào ao nuôi cá. Ảnh:T.G
Sau 2 năm trong quân đội, năm 1996, anh Phớ xuất ngũ về quê lập gia đình và bắt đầu với ý tưởng vượt khó vươn lên. Anh Phớ nhớ lại: “Tôi đi tham quan và học hỏi các mô hình, tấm gương làm ăn giỏi trong vùng. Cứ đọc, nghe được ở đâu, ai đó trong vùng sản xuất giỏi là cố gắng tìm đến học hỏi. Về nhà cũng muốn trồng cây này, nuôi con nọ nhưng ngặt cái không có vốn...”.
"Anh Lường Văn Phớ làm tổ trưởng TKVV rất có trách nhiệm. Hộ nào vay vốn, vay bao nhiêu, đầu tư làm mô hình gì, tình hình trả nợ gốc, lãi đến kỳ của mỗi hộ ra sao anh Phớ đều nắm rõ và thường xuyên phản ánh với Hội đoàn thể cơ sở và cán bộ tín dụng phụ trách…”.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mường Ảng
|
Năm 2007, vợ chồng anh Phớ được vay 5 triệu đồng chương trình tín dụng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn từ Ngân hàng CSXH. Anh sửa sang lại chuồng trại, mua đàn lợn 6 con thả nuôi. “Vợ chồng tôi nuôi lứa nọ kế lứa kia, tuy lợi nhuận không nhiều, nhưng vui và phấn khởi nhờ có động lực làm ăn” - anh Phớ chia sẻ.
Năm 2009 anh Phớ tiếp tục vay 25 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo từ Ngân hàng CSXH. Với số vốn kha khá này, anh Phớ đầu tư mua 1 cặp bò sinh sản.
“Gia sản trong nhà tôi có được như hiện nay cũng bắt đầu từ cặp bò sinh sản mua hồi năm 2009. Bò mẹ đẻ ra bê con, vợ chồng tôi nuôi 6-8 tháng rồi bán. Vốn dôi ra, vợ chồng tôi lại dùng mua thêm trâu nái, nuôi thêm lợn, đào ao thả cá và khai hoang, cải tạo đất trồng ngô. Hiện gia đình tôi có đàn trâu 3 con, đàn bò 4 con. Diện tích trồng ngô của gia đình cũng mở rộng lên được 1,5ha, đủ lương thực cho chăn nuôi…”-anh Phớ tâm sự.
Tổ trưởng “cõng” vốn lên bản
Cũng nhờ chăm chỉ, chịu khó, biết làm ăn, năm 2013, anh Phớ được bà con trong bản Chan Nọ tín nhiệm và bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV). Anh Phớ cho biết, tuy đã có một số hộ biết sử dụng vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất, nhưng phần lớn các hộ trong bản vẫn chưa hiểu và mạnh dạn vay vốn làm ăn.
Nhiều hộ rất nghèo nhưng không dám vay vốn, bởi không biết sử dụng vốn vay để làm gì. “Cùng với cán bộ hội đoàn thể, cán bộ tín dụng của Ngân hàng, tôi phải đến từng nhà giải thích, vận động bà con. Về cách làm ăn, tôi cứ lấy việc của nhà mình nuôi con gì, trồng cấy như thế nào ra nói với bà con. Ban đầu có vài hộ nghe, về sau càng ngày càng có thêm nhiều người tham gia tổ TKVV”- anh Phớ bày tỏ.
Hiện, tổ TKVV do anh Phớ làm tổ trưởng đã có hơn 50 thành viên. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH qua tổ là hơn 1,1 tỷ đồng với 48 hộ đang vay. Các chương trình tín dụng hỗ trợ bà con hiệu quả trong đầu tư phát triển sản xuất là cho vay hộ nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hộ cận nghèo… Điểm nổi bật của Tổ TKVV bản Chan Nọ là không có nợ quá hạn, không để tồn đọng nợ, lãi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.