Người đuổi nghèo ở bản Tưn

Thứ sáu, ngày 13/12/2013 09:04 AM (GMT+7)
"Đói lắm. Đói đến mức chân không theo nổi con trâu lên nương, tay không muốn vung dao chặt củi... Nhưng cũng vì đói mà mình quyết tâm làm giàu" - anh Mùi Văn Quân, ở bản Tưn, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ (Sơn La) tâm sự.
Bình luận 0
Không an phận đói nghèo

Trong bảng lảng sương chiều miền biên viễn xa xăm, chúng tôi tìm về xã Xuân Nha - một trong những xã nhiều khó khăn nhất của huyện. Vừa qua trụ sở UBND xã, một chiếc xe máy chở bao hàng nặng trĩu vượt qua, đúng khúc cua thì người lái xe loạng choạng, phanh dúi dụi.

Một thanh niên từ bên kia đường lao nhanh đến đón đỡ, giúp người lái xe chằng lại bao hàng. Cảm phục cái sự nhanh nhẹn và nhiệt tình giúp người của chàng thanh niên, chúng tôi dừng lại bắt chuyện, mới biết đó là một nông dân giỏi của vùng cao này - ông chủ của nhiều ôtô, xe máy, dịch vụ nông nghiệp nông thôn tên Mùi Văn Quân, ở bản Tưn, xã Xuân Nha.

Anh Quân (phải) đưa phóng viên đi thăm vùng đất dự  kiến phát triển cây dong riềng giống mới ở bản Tưn.
Anh Quân (phải) đưa phóng viên đi thăm vùng đất dự kiến phát triển cây dong riềng giống mới ở bản Tưn.

Quân là người dân tộc Mường, sinh năm 1975. "Trước đây Sơn La nổi tiếng là rừng thiêng nước độc. Người ta từng có câu ca "Nước Sơn La, ma Hoà Bình" là bởi đất này rừng núi âm u, cách trở; cây lim, nghiến nhiều nên khi sử dụng nước suối hay bị ngã độc, ghẻ ngứa bởi những chất độc từ cây rừng. Mà Xuân Nha này là vùng nhiều lim, nghiến nhất. Như vậy cũng có nghĩa là Xuân Nha khó khăn nhất, cách trở nhất, đói nghèo và lạc hậu nhất huyện" - Quân bắt đầu câu chuyện về quá khứ đói nghèo của mình như vậy.

Nhà có tới 7 anh em. Đói lắm. Đói đến mức chân không theo nổi con trâu lên nương, tay không muốn vung dao chặt củi, nhát cuốc bổ xuống đất cứ như trẻ con làm trò, mơ ước cả ngày chỉ là được bữa cơm no nên mấy ai nghĩ tới chuyện học hành. "Học xong lớp 3 là em bỏ học, thế là thành nông dân. Lúc bé thì chăn dê, ngựa, trâu, bò... việc gì làm được là phải làm, cũng nhờ thế mà sớm có kinh nghiệm sống và sản xuất.

Lớn hơn một tý, sau những đêm theo trai bản đi chọc sàn, hát giao duyên, Quân cũng gật đầu đồng ý với cha mẹ "lấy vợ để thêm người làm". Thế là Quân có gia đình dù vẫn bữa rau, bữa cháo. Một năm sau vợ Quân sinh con, áp lực cuộc sống đè lên vai người bố mới 17 tuổi. "Lúc ấy em chỉ mong ước làm thế nào để vợ con mình không phải ăn độn ngô, sắn thay cơm; làm thế nào để mỗi tháng có thêm vài ba bữa thịt, cá...".

Ra ở riêng với mấy ngàn mét đất nương bố mẹ chia cho, Quân bắt tay vào thực hiện mơ ước nhỏ nhoi "thoát đói nghèo" của mình bằng cách áp dụng những khoa học kỹ thuật mới nhất vào sản xuất. "Tuy chỉ học lớp 3 nhưng em rất thạo tiếng phổ thông, Mông, Dao, Mường, Thái và có trí nhớ tốt. Mỗi khi cán bộ khuyến nông đến chỉ bảo điều gì hay là em ghi chép và làm theo luôn. Ngày ấy còn nghèo, còn lạc hậu lắm, làm gì có vốn, có kinh nghiệm mà làm ăn lớn. Em cứ nhặt nhạnh theo kiểu tích cóp từ mấy con gà, vịt, lợn, dê, miếng đất hoang gần nhà to hơn mảnh chiếu cũng khai hoang để trồng ngô, sắn. Những giống ngô, lúa mới mà Nhà nước hỗ trợ cũng được em đưa vào sản xuất ngay từ vụ đầu tiên. Ở đất bản Tưn này, em là hộ trồng ngô lai sớm nhất, đạt năng suất cao nhất" - Quân bồi hồi nhớ lại.

Bứt phá cùng dân bản

Bằng sự cần cù, chịu khó học hỏi và mạnh dạn đầu tư những cách làm hay, mới, chỉ sau 5 năm tích cóp, Quân đã trở thành hộ có mức sống tương đối khá trong bản và thành hộ kinh tế cột trụ cho cả 7 anh em trong nhà. "Khi đã đủ ăn, có dư dôi chút ít, em bàn với vợ phải thay đổi cách làm kinh tế, phải bứt phá vươn lên.

Vùng đất này vốn heo hút, bà con muốn mua gói mỳ tôm, cân cá khô cũng phải ra chợ huyện, trong khi đường đất rất khó khăn, lắm khi phải cuốc bộ. Vậy là em vay vốn mở quán tạp hoá, làm đậu phụ, xay xát lương thực, bán giống cây trồng, phân bón. Khi vốn lớn hơn em đầu tư mua xe ôtô làm dịch vụ vận tải. Trời cho khoẻ mạnh, mình có quyết tâm, lại có thời cơ nhờ cơ chế mới của Nhà nước nên cuộc sống thay đổi nhanh lắm. Mấy năm nay đường sá được cứng hoá, giao thông thuận tiện, em mua thêm mấy cái xe ô tô, máy xúc để con cháu, người thân lái, làm dịch vụ thu mua nông sản cho cả vùng này. Thu nhập cứ thế mà lên...".

Thầy giáo Đinh Văn Lùi, giáo viên bản Tưn tâm sự: “Dân bản ở đây biết ơn vợ chồng anh Quân nhiều lắm. Anh Quân là người tiên phong xoá nghèo bằng nông nghiệp và chuyển đổi kinh tế dịch vụ ở vùng đất này. Nhiều hộ trong bản thoát được nghèo là nhờ học hỏi kinh nghiệm và sự giúp đỡ vốn của anh Quân. Tuy là làm ăn, nhưng họ vẫn có tấm lòng cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ người khó khăn. Làm giàu như vậy, chúng tôi gọi là "ông chủ có tâm".

Chỉ về phía người phụ nữ đang lúi húi bán hàng cho khách bên quầy hàng tạp hoá, Quân bảo: Vợ em đấy! Cô ấy là người gắn bó và đồng hành cùng em suốt mấy chục năm xoá nghèo vừa qua. Tuy rất hiểu nhau nhưng cũng có lúc cô ấy hoang mang, như khi em mua máy ủi về làm đường cho dân bản, cô ấy thắc mắc mãi: Nhà mình đã giàu có gì mà đi làm đường không công cho dân bản? Em phải giải thích rất nhiều, động viên và giấu cả mức đầu tư làm con đường ấy thì vợ em mới yên tâm.

Nghe chuyện, chị Lực- vợ Quân chen vào: Các bác bảo nhà mới đầu tư xe cộ, hết cả vốn, thế mà dám đi vay mấy trăm triệu đồng mua máy ủi về làm đường cho dân bản thì làm sao mà yên tâm được ? Nhưng thật may là dân bản cũng rất sòng phẳng, họ có đường đi, không phải đóng góp gì nên nông sản của họ cũng bán hết cho nhà em. Giá cả thì thoả thuận, không ai ép ai. Nhờ thế mấy năm nay số lượng hàng nông sản nhà em thu mua được cũng lớn hơn nhiều, đa dạng hơn nhiều.

Quân ngắt lời vợ: "Đã bảo mình cứ làm điều tốt thì ai cũng ủng hộ thôi mà. Mình giúp dân thì dân giúp lại mình, đi đâu mà thiệt". Quay sang phía chúng tôi, Quân cười: Mình làm kinh tế phải hiểu câu nói của các cụ: "Buôn có bạn, bán có phường" các bác ạ. Làm nông nghiệp cũng thế, muốn sản xuất hàng hoá thì phải có số lượng lớn, chất lượng tốt, dịch vụ tốt. Vì thế, không chỉ làm đường cho dân bản thuận tiện đi lại làm ăn, nhà em luôn tìm hiểu, hướng dẫn và cung ứng cho bà con những giống, vật tư nông nghiệp tốt nhất, phù hợp với khí hậu, chất đất vùng này và giá cả thì ở mức thấp nhất.

Nhiều hộ không có vốn, mua trả chậm cũng được. 2 năm nay em còn tìm mua giống củ dong riềng Trung Quốc có năng suất rất cao đưa về cho bà con ứng giống trồng. Lúc đầu chỉ có mấy hộ tham gia, thấy lãi gấp 2-3 lần so với trồng ngô, năm nay dân bản làm theo hết. Bà con khá lên thì mình cũng khá thôi mà. Em đang định huy động vốn mở thêm cái xưởng chế biến tinh bột dong riềng, vừa có thu nhập cho mình, vừa tạo việc làm cho dân bản, lại khích lệ được các bản khác tham gia làm dong. Dân mình nghèo nên cứ thấy phải chuyển đổi cách làm, đầu tư một tý là ngại, là sợ. Mình không tiên phong, dân không dám làm theo đâu.
Minh Ngọc (Minh Ngọc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem