Hành trình gỡ thẻ vàng IUU: Lần đầu tiên truy tố, xét xử vụ án về khai thác thủy sản bất hợp pháp (Bài 3)
Hành trình gỡ thẻ vàng IUU: Lần đầu tiên truy tố, xét xử vụ án về khai thác thủy sản bất hợp pháp (Bài 3)
Trần Quang - K.Nguyên
Thứ sáu, ngày 26/04/2024 06:12 AM (GMT+7)
Lần đầu tiên, một vụ đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài đã được tỉnh Kiên Giang xử lý hình sự; tỉnh Cà Mau cũng từng phạt một chủ tàu vi phạm biển nước ngoài với số tiền gần 1 tỷ đồng. Trong một loạt các thông tư, nghị định mới được Bộ NNPTNT ban hành, chế tài xử lý các vi phạm IUU rất nghiêm khắc.
Khởi tố 4 vụ án, có tàu vi phạm vùng biển nước ngoài bị phạt gần 1 tỷ đồng
Một trong những điểm nghẽn lớn nhất trong hành trình gỡ thẻ vàng IUU mà trong cả 4 lần kiểm tra, Đoàn thanh tra của EC đều khuyến nghị Việt Nam phải thực hiện triệt để, đó là chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Thực tế, theo báo cáo của Cục Kiểm ngư (Bộ NNPTNT), các lực lượng thực thi pháp luật đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU; điều tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về ngắt kết nối VMS, vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Thống kê cho thấy, lực lượng chức năng đã khởi tố 4 vụ án liên quan đến môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, điển hình là tỉnh Kiên Giang đã đưa ra truy tố, xét xử 1 vụ án.
Chiều 29/1/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang tuyên án 4 bị cáo trong vụ án tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép xảy ra tại địa bàn TP. Rạch Giá (Kiên Giang).
4 bị cáo gồm: Trần Văn Luyến (43 tuổi, ngụ phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá) 8 năm tù giam, Phạm Chí Dũng (59 tuổi, ngụ ấp Bến Nhứt, xã Long Thanh, huyện Giồng Riềng) 7 năm tù giam, Trần Minh Tâm (40 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Thành B, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành) 7 năm tù giam, Trần Văn Nhựt (37 tuổi, ngụ ấp Trung Thành, xã Phi Thông, TP. Rạch Giá) 1 năm tù giam.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang, khoảng đầu tháng 9/2022, chủ tàu đánh cá Trần Văn Luyến đã chỉ đạo cho Phạm Chí Dũng tuyển ngư phủ đưa lên 2 tàu cá qua vùng biển Malaysia khai thác hải sản trái phép, mang về Việt Nam bán, thu lợi. Tàu do Dũng điều khiển một lần bị lực lượng Vùng Cảnh sát biển 4 kiểm tra, xử phạt 27,9 triệu đồng; một lần bị lực lượng hải quân Indonesia phát hiện bắt giữ.
Sau khi vụ án xảy ra, trong tháng 10 và 12/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Kiên Giang khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can Luyến, Dũng, Tâm. Đến ngày 5/1/2024, Trần Văn Nhựt bị khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Trong khi đó, đầu tháng 3/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính một chủ tàu cá đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài, với số tiền 917,5 triệu đồng.
Đó là tàu cá CM 06051-TS, hành nghề câu mực của ông V. (31 tuổi, ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), xuất bến ra biển hoạt động vào ngày 30/11/2023. Khi ra biển hoạt động, ông V. giao tàu cho một ngư dân trên tàu làm thuyền trưởng và trở vào bờ (ngư dân này không có bằng, chứng chỉ thuyền trưởng). Ngày 15/12/2023, thuyền trưởng gọi điện cho ông V. hỏi ý kiến về việc sẽ sang vùng biển Thái Lan khai thác trộm hải sản và ông V. đồng ý. Sau đó, tàu cá đã bị lực lượng Hải quân Vùng 2 và Hải quân Hoàng gia Thái Lan kiểm tra, bắt giữ (hiện đang chờ ngày xét xử).
Cơ quan chức năng xác định tàu cá của ông V. vi phạm pháp luật với hai hành vi: Khai thác thủy sản tại vùng biển quốc gia khác mà không có giấy phép; Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m khai thác thủy sản tại vùng khơi.
Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, với đặc thù Cà Mau có cả biển Đông và biển Tây nên nguồn lợi thủy sản khá phong phú, ngoài kiểm soát số lượng tàu cá của tỉnh khoảng 5.000 chiếc, lực lượng kiểm ngư của tỉnh còn phải kiểm soát đội tàu của các tỉnh hoạt động trên ngư trường với số lượng 8.000 - 10.000 chiếc nên áp lực công việc lớn.
Để quản lý, giám sát tốt hoạt động khai thác thủy sản, xử lý kịp thời vi phạm đủ sức răn đe, ông Bằng kiến nghị sớm có quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư ở địa phương, đồng thời tăng cường thêm trang bị, vật lực cho lực lượng kiểm ngư hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, các lực lượng chức năng đã xử phạt trên 90 tỷ đồng đối với các trường hợp vi phạm khai thác IUU. Từ ngày 1/10/2023 đến 30/3/2024, đã phát hiện, thông báo 115 lượt tàu cá mất kết nối trên 10 ngày trên biển, giảm 327 lượt tàu so với thời điểm thanh tra lần thứ 4; đã phát hiện, thông báo 2.200 lượt tàu cá mất kết nối trên 6 giờ trên biển; đã phát hiện, thông báo 14 trường hợp vượt ranh giới cho phép biển,...
Tiếp tục tăng chế tài xử phạt IUU: Tắt thiết bị giám sát hành trình bị xử phạt 500-700 triệu đồng
Ngày 4/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Cùng với ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019, ngày 5/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản cũng có nhiều điểm mới.
Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), việc hoàn thiện, bổ sung các chế tài xử lý thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, tạo sự răn đe, giáo dục rất nghiêm trong cộng đồng ngư dân.
Cụ thể theo ông Luân, Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về việc thực hiện một số thủ tục hành chính thông thoáng hơn trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh không thể tổ chức kiểm tra, đánh giá thực tế tại cơ sở để cấp giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản chấp thuận, đánh giá duy trì, giám sát điều kiện của cơ sở: áp dụng hình thức đánh giá trực tuyến (khoản 9 Điều 4 Nghị định số 26); đăng ký lồng, bè nuôi trồng thủy sản (Điều 36 Nghị định số 26); công bố đóng, mở cảng cá (Điều 61 Nghị định số 26).
Trong khi đó, tại điểm 5, Vi phạm quy định về khai thác thuỷ sản của Nghị định số 38/2024/NĐ-CP bổ sung một số hành vi vi phạm nghiêm trọng, một số hành vi được chia theo chiều dài của tàu. "Quy định mới đối với hành vi tắt thiết bị giám sát hành trình sẽ bị xử phạt nặng từ 500-700 triệu đồng. Xử nặng như thế sẽ tăng tính răn đe, các tàu sẽ không còn tình trạng úp nồi cơm hay che lấp thiết bị, tắt thiết bị để trốn tránh quy định này", ông Luân nói.
Nghị định 38 cũng đưa chủ tàu vào đối tượng chịu chế tài, quy định rõ ranh giới vùng biển được phép khai thác thuỷ sản. "Trước đây khi chúng tôi đi kiểm tra, phát hiện vi phạm, phạt chủ tàu thì chủ tàu bảo thuyền trưởng lái đi đâu không biết. Do vậy, Nghị định 38 cũng quy định bổ sung xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ tàu cá không đồng thời là thuyền trưởng và chủ tàu cá đồng thời là thuyền trưởng để quản lý chặt chẽ hơn" - ông Luân thông tin thêm.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, các văn bản quy phạm pháp luật đã có, các vướng mắc trong các văn bản này sẽ được giải quyết thông qua Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản. Các công cụ pháp lý đã rõ ràng, Trung ương đã nỗ lực thì tất cả địa phương cũng phải vào cuộc để gỡ "thẻ vàng IUU"- Thứ trưởng BNNPTNT nói.
"Nếu năm nay, chúng ta không gỡ được "thẻ vàng" thì 2,3 năm tới sẽ càng khó khăn hơn"- Thứ trưởng Bộ NNPTNT khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.