Hành trình gỡ thẻ vàng IUU: Ngư dân mong chờ sớm tháo "vòng kim cô" (Bài 7)

Nguyên An Thứ ba, ngày 30/04/2024 06:00 AM (GMT+7)
Gần 7 năm Việt Nam bị Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" IUU, đến nay, vẫn còn 4 bốn nội dung mà Việt Nam cần phải đáp ứng. Gỡ "thẻ vàng" không chỉ là nhiệm vụ hàng đầu mà còn vì hình ảnh, vị thế của thủy sản Việt Nam. Hiện, ngư dân, các địa phương đang nỗ lực vì mục tiêu này.
Bình luận 0

Ngư dân mong chờ gỡ thẻ vàng IUU

Đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề đi biển, đội tàu của ông Nguyễn Hữu Thanh ở phường Đức Thắng, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 đã trải qua nhiều thăng trầm, sóng gió với nghề khai thác thủy sản ở ngư trường Bình Thuận.

Lúc cao điểm, đội tàu của ông có tới 3 chiếc, nhưng gần đây, do sản lượng thủy sản giảm sút, giá dầu, vật tư khai thác tăng cao nên ông chỉ giữ lại một chiếc tàu.

Ông cũng như nhiều ngư dân khác ở Bình Thuận mong mỏi ngày Việt Nam được gỡ thẻ vàng IUU. "Cho đến nay, được sự tuyên truyền, vận động của các ngành chức năng, các đoàn thể, ngư dân chúng tôi hiểu rất rõ những quy định trong khai thác thủy sản như tàu thuyền phải có giám sát hành trình, phải ghi chép nhật ký khai thác, không được dùng các thiết bị ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, không vi phạm vùng biển nước ngoài", ông Thanh nói.

Bởi ông Thanh cũng như nhiều ngư dân đều nhìn thấy, chống khai thác IUU là hướng đến một tương lai bền vững của ngành khai thác thủy sản. "Mấy năm gần đây, nguồn lợi thủy sản giảm đi rất nhiều, do trong một thời gian dài người ta đánh bắt theo kiểu tận diệt, thậm chí còn dùng thuốc nổ. Ngư trường Bình Thuận rất giàu tiềm năng, nếu được quản lý tốt, cơ hội làm giàu, vươn ra biển lớn của ngư dân là rất lớn.

 Tương tự như vậy, ngư dân Phạm Tuyển, chủ tàu cá QB 91999 TS, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 của tỉnh Quảng Bình cho biết, hầu hết các ngư dân trên địa bàn đã nắm được đầy đủ các khuyến nghị của EC liên quan đến gỡ thẻ vàng IUU và đang thực hiện rất nghiêm túc. 

"Chúng tôi cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, không dùng các thiết bị đánh bắt mang tính hủy diệt, tàu cá đều gắn thiết bị giám sát hành trình, ghi chép nhật ký khai thác đầy đủ", anh Tuyển nói.

Hành trình gỡ

Ngư dân phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) đánh bắt cá ngừ. Ảnh: Trần Anh

Được biết, thời gian qua kết quả chống khai thác IUU của tỉnh Bình Thuận có chuyển biến rõ nét. Tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm thiểu và bước đầu được ngăn chặn; đã hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên, qua đó phát huy hiệu quả của hệ thống giám sát trong việc kiểm soát, ngăn chặn tàu cá vượt ranh giới vùng biển Việt Nam, vi phạm vùng biển nước ngoài; tăng cường xử lý các hành vi vi phạm. 

Trong khi đó, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành việc thống kê, đưa vào quản lý và thực hiện đăng ký, đăng kiểm, cấp phép cho 5.556 tàu cá trên địa bàn, đạt gần 99,5%; 100% tàu cá có chiều dài trên 15m được lắp thiết bị giám sát hành trình. Quảng Ninh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. 

Tỉnh cũng đã thiết lập 10 điểm kiểm tra, kiểm soát đối với tàu cá tại các bến, cảng trên địa bàn tỉnh. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên biển được tăng cường; thiết lập đường dây nóng, nhóm Zalo để kịp thời kiểm tra, xác minh các tin báo để xử lý các vi phạm về khai thác IUU và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định..

Hành trình gỡ

Thông qua các buổi tuần tra, kiểm soát trên biển, lực lượng kiểm ngư đã phát tờ rơi trực tiếp hướng dẫn cho ngư dân hiểu nội dung Luật biển Việt Nam và các quy định của Nhà nước trong hoạt động khai thác thủy sản. Từ đó, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân trên biển được nâng cao, góp phần vào công tác sớm tháo gỡ thẻ vàng IUU.

Cùng với việc tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác, nghề khai thác của tỉnh Quảng Ninh đang chuyển dịch theo hướng giảm khai thác gần bờ. Đến nay, số tàu cá của tỉnh giảm 2.684 tàu so với năm 2018. Thực hiện chuyển đổi trên 3.000 lao động từ nghề khai thác sang nghề nuôi trồng thủy sản. Những nghề mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến môi trường đều bị cấm. 

Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành việc xác định các khu vực biển cho nuôi trồng thủy sản trên biển với diện tích 45.000 ha, khuyến khích hình thành các hợp tác xã nuôi biển liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 118 hợp tác xã nuôi biển đang hoạt động, với trên 3.000 lao động. Trong đó, chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay đã thành lập mới được 65 hợp tác xã nuôi biển, với trên 1.600 lao động. 

Gỡ "thẻ vàng" IUU nếu không muốn thiệt hại đơn, thiệt hại kép

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, kể từ khi EC cảnh báo "thẻ vàng" đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam vào tháng 10/2017, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU sụt giảm bình quân từ 6-10%/năm (tùy từng năm).

Thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam là EU (chiếm từ 17-20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản) đã tụt xuống vị trí thứ 5 (sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN). Cùng với đó, việc này đã ảnh hưởng lớn đến uy tín, vị thế và quan hệ ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế. Nó cũng gây tổn thất về mặt kinh tế - xã hội đối với cộng đồng ngư dân ven biển và các doanh nghiệp.

Hành trình gỡ

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn kiểm tra thực tế tại cảng cá Bình Đại.

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, trong đợt kiểm tra lần thứ 4 của Đoàn Thanh tra của EC vào tháng 10/2023, kết quả triển khai công tác chống khai thác IUU có sự tiến bộ so với trước, nhưng chưa giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế nên chưa thể gỡ được cảnh báo "thẻ vàng".

Việc gỡ "thẻ vàng" IUU là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết vì EU nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Trung Quốc và đứng trước Nhật Bản, Hàn Quốc.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, có một số việc lớn đối với "thẻ vàng" IUU. Một là quản lý và giám sát đội tàu, hai là là truy xuất nguồn gốc.

Nêu thực trạng tàu cá vi phạm quy định ngắt kết nối VMS tiếp tục xảy ra phổ biến, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, hành vi vi phạm vận chuyển, gửi thiết bị VMS trên tàu cá khác nhằm trốn tránh sự theo dõi của cơ quan quản lý đang diễn biến phức tạp. Mặt khác, việc xác minh, xử phạt các trường hợp mất kết nối VMS theo quy định còn hạn chế; tính riêng đối với khối tàu từ 24 mét trở lên vi phạm mới đạt khoảng trên 10%; hầu như chưa xử phạt hành vi ngắt kết nối trên 6 tiếng không thông báo vị trí theo quy định.

Đối với vấn đề truy xuất nguồn gốc, theo ông Nguyễn Quang Hùng, trên cơ sở khuyến nghị của EC, thời gian qua chúng ta đã xử lý các tàu đánh cá vi phạm mà hồ sơ không bảo đảm. Ví dụ như Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải dừng một số cảng cá, rút Giấy phép kinh doanh của một số doanh nghiệp vi phạm. Kiên Giang cũng là địa phương đi đầu, đã đưa ra xét xử một vụ môi giới tàu cá Việt Nam đánh bắt ở nước ngoài với mức 8 năm tù, vừa rồi lại chuẩn bị 2 vụ nữa vi phạm vùng biển ASEAN, 2 vụ chuẩn bị xử (Cà Mau, Quảng Ngãi)...

Hành trình gỡ

Uỷ ban châu Âu sẽ thanh tra Việt Nam lần thứ 5 về chống khai thác IUU dự kiến vào tháng 5/2024. Ảnh minh hoạ.

Một trong những nội dung đáng chú ý nhất trong quy định của EC về chống khai thác IUU là điều khoản cho phép cấm nhập khẩu hoặc cập cảng đối với các quốc gia hoặc tàu cá không có hành động công khai, rõ ràng trong việc chống khai thác IUU.

Trên cơ sở này, EC sẽ cảnh báo "thẻ vàng" đối với một số quốc gia và "thẻ đỏ" - hình thức trừng phạt thương mại thực tế - đối với các nước chưa có đủ sự nỗ lực trong việc quản lý nghề cá và ngăn chặn khai thác IUU.

Đến nay, EC đã tiến hành 4 đợt thanh tra việc gỡ "thẻ vàng" IUU tại Việt Nam. Nhìn nhận thẳng vào vấn đề cần phải giải quyết, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến thông tin, hiện, chúng ta có 86.820 tàu có lắp thiết bị hành trình đạt trên 97%, nhưng số nguy cơ cao lại nằm ở tàu chưa lắp thiết bị. Thứ hai, lắp thiết bị nhưng không hoạt động 24/24 nên việc giám sát chưa đạt hiệu quả 100%.
Việc tuân thủ quy định pháp luật trên thực tế phải được tất cả các tỉnh, tất cả các khu vực nghiêm túc thực hiện. Thứ hai, cần đảm bảo không có thị trường tiêu thụ cá đánh bắt trái phép. Cá đánh bắt trái phép không thể cập cảng; công ty chế biến hoặc xuất khẩu không thể mua loại cá này.

"Phòng chống đánh bắt IUU trong gần 3 tháng tới, cần tập trung vào 2 việc: Không để có tàu cá bị bắt ở nước ngoài; xử lý nghiêm các vi phạm, không có ngoại lệ, trong đó có hành vi tổ chức, môi giới xuất cảnh trái phép, sử dụng trái phép vật liệu nổ trong đánh bắt hải sản" - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem