Hành trình lật tẩy chiêu trò “tẩy trắng” sâm Trung Quốc thành sâm Ngọc Linh

Thanh Xuân – Trịnh Trọng Thứ sáu, ngày 21/06/2024 10:33 AM (GMT+7)
Quá trình điều tra nhiều tháng trời của các phóng viên Báo NTNN/Dân Việt đã làm rõ thực tế: rất nhiều sản phẩm sâm được quảng cáo, giới thiệu “Sâm Ngọc Linh Kon Tum”, “sâm Lai Châu”… lại là sâm nhập lậu từ Trung Quốc. Nhóm phóng viên vào tận “thủ phủ” của sâm Trung Quốc tại tỉnh Vân Nam để làm rõ hơn việc này.
Bình luận 0

Vào "thủ phủ" sâm trên đất Trung Quốc

Từ nguồn tin của bạn đọc, nhóm phóng viên Báo NTNN đã dành hơn 6 tháng trời để đi vào vùng trồng sâm trên núi Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam và Kon Tum để khảo sát thực tế việc sản xuất và tiêu thụ, sau đó tiếp tục đến các tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc như Lai Châu, Lào Cai để ghi nhận. Nhóm phóng viên còn nhiều lần sang bên kia biên giới, đóng vai lái buôn để thâm nhập vào "thủ phủ" sâm ở huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Tại Vân Nam, chúng tôi đã thu thập được các thông tin, bằng chứng để chứng minh phần lớn số lượng sâm giá rẻ đang bán rầm rộ trên thị trường Việt Nam đều được nhập lậu từ Trung Quốc. Ngoài ra, chúng tôi cũng tường tận cách thức "tẩy trắng" sâm có chất lượng thấp từ Trung Quốc thành loại sâm quý của Việt Nam.

Giữa tháng 4/2023, cầm sổ thông hành trên tay, chúng tôi có mặt tại cửa khẩu Ma Thù Làng (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) để làm thủ tục xuất cảnh. Chỉ mất vài phút bên trong khu vực xuất cảnh ở phía Việt Nam, chúng tôi đi bộ qua cây cầu giữa hai quốc gia Việt Nam – Trung Quốc. 

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi đặt chân vào được bên trong khu vực làm thủ tục nhập cảnh. Khác với phía Việt Nam, chỉ cần đi qua Trạm kiểm soát liên hợp, được xếp hàng trong nhà, quá trình làm thủ tục khá nhanh, phía Trung Quốc phải mất cả tiếng đồng hồ và phải xếp hàng phơi nắng ngoài trời.

Hành trình lật tẩy chiêu trò “tẩy trắng” sâm Trung Quốc thành sâm Ngọc Linh- Ảnh 1.

Người quản lý vườn sâm rộng hơn 50ha trực tiếp đào sâm trong vườn để giới thiệu với chúng tôi. Củ sâm mới 4 năm tuổi nhưng rất to, khoảng 12 củ sẽ được 1kg. Ảnh: P.V

Loạt bài "Chiêu trò tẩy trắng sâm Trung Quốc thành quốc bảo sâm Ngọc Linh" của Báo NTNN/Dân Việt được trao Giải C Giải Báo chí Quốc gia năm 2023 (sẽ trao giải vào dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, 21/6/2024).

Xong thủ tục nhập cảnh, lại mất khoảng gần 1 tiếng lòng vòng ở chợ biên giới để chờ 2 vợ chồng người phiên dịch bố trí xe đưa tới thị trấn Kim Bình, huyện Vân Nam, Trung Quốc. Quãng đường chỉ hơn 50km, nhưng 2 vợ chồng người phiên dịch phải nhiều lần đi đường vòng, do công an giao thông phía Trung Quốc kiểm soát nghiêm ngặt sau vụ lật xe làm 3 người Việt Nam thương vong xảy ra trước đó 2 hôm.

Từ phiên dịch giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà P.K.X (48 tuổi), là một trong những người buôn sâm có tiếng tại thị trấn Kim Bình. Sau khi lót dạ tạm bữa cơm dọc đường, với các món ăn đầy lạ lẫm và cay xè lưỡi ở trung tâm thị trấn huyện Kim Bình, P.K.X đưa chúng tôi lên vùng trồng sâm trên núi. Trên đường đi, lái xe cho biết quãng đường từ thị trấn lên đến đỉnh núi - nơi bà con nông dân trồng nhiều sâm có chiều dài khoảng 10km.

"Ở Kim Bình người dân gọi loại củ này là tam thất, còn Việt Nam thì gọi là sâm. Ngoài sử dụng để ngâm mật ong, ngâm rượu thì không có doanh nghiệp thu mua, chế biến thành các sản phẩm khác, mà các hộ trồng tam thất đều bán cho thương lái thu mua để xuất sang Việt Nam" - P.K.X tiết lộ.

Hành trình lật tẩy chiêu trò “tẩy trắng” sâm Trung Quốc thành sâm Ngọc Linh- Ảnh 2.

Tam thất được giới thiệu là... sâm Ngọc Linh trên mạng xã hội. Ảnh: T.L

Sau hàng loạt các khúc cua tay áo, chiếc xe con đưa chúng tôi lên đỉnh núi, ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển, không khí mát mẻ rất dễ chịu. Những mệt mỏi sau một chuyến đi dài dần tan biến khi trước mắt chúng tôi là bạt ngàn những vườn sâm.

Con đường đi vào vườn sâm của một người họ hàng nhà P.K.X tên là P.K.T phải đi qua 3 lần cửa, mỗi cửa lại xích một con chó rất to và hung dữ, sủa vang trời khi thấy người lạ. Bước qua cánh cửa cuối cùng, trước mắt chúng tôi là khu vườn sâm khoảng 5ha được trồng theo luống, xanh mơn mởn. 

Phía trên được quây lưới che, các cây sâm của nông dân Trung Quốc trồng dưới tán các cây thân gỗ nhỏ, độ cao chỉ khoảng 2 - 4m, khác hẳn với các cây gỗ họ dầu trong rừng đặc dụng trên núi Ngọc Linh của Việt Nam, phải ngước lên mới nhìn thấy ngọn. Do vậy, những luống sâm của Trung Quốc trồng vẫn có ánh sáng mặt trời chiếu vào.

Ngăn chặn sâm lậu

Sâm Ngọc Linh – loại sâm đặc hữu ở Quảng Nam và Kon Tum với hàm lượng Saponin vượt trội các loại sâm nổi tiếng trên thế giới, được coi là "quốc bảo" của Việt Nam.

Nhưng theo ghi nhận của phóng viên Báo NTNN trong loạt bài, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều thương nhân buôn bán "sâm Ngọc Linh" với mức giá rẻ giật mình, chỉ vài triệu đồng đến hơn chục triệu đồng/kg. Trong khi đó, giá sâm Ngọc Linh chính gốc lên đến hàng trăm triệu đồng/kg. Thậm chí, loại sâm Lai Châu đang dần có chỗ đứng trên thị trường cũng bị sâm từ Trung Quốc về trà trộn, ảnh hưởng đến nguồn cung sâm thật.

Với mức giá rẻ giật mình nếu mua tận vườn bên Trung Quốc, đưa trót lọt về Việt Nam để mạo danh các loại sâm quý hiếm của nước ta, giới buôn sâm so sánh tỷ suất lợi nhuận "còn hơn cả buôn… ma túy".

Hành trình lật tẩy chiêu trò “tẩy trắng” sâm Trung Quốc thành sâm Ngọc Linh- Ảnh 3.

Hình ảnh bên trong vườn sâm rộng 50ha. Những cây sâm mới chỉ 4 năm tuổi nhưng đã rất to. Cây nào cây ấy xanh mướt đầy sức sống. Ảnh: T.T

Sau khi củng cố nguồn tin đã thu thập, Báo NTNN/Điện tử Dân Việt đã đăng tải loạt bài phản ánh 5 kỳ với tựa đề: "Chiêu trò tẩy trắng sâm Trung Quốc thành quốc bảo sâm Ngọc Linh". Ngay sau khi bài viết đầu tiên được đăng đã gây xôn xao dư luận. Đường đi nước bước của sâm Trung Quốc giá rẻ được nhập lậu vào Việt Nam như thế nào? Phương thức hoạt động của giới buôn sâm ra sao, thực trạng sâm Ngọc Linh ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Lai Châu hiện như thế nào…? 

Sau khi báo đăng, hàng loạt các địa phương nơi trồng sâm Ngọc Linh từ Quảng Nam, Kon Tum, Lai Châu đều có những văn bản phản hồi, chỉ đạo các cấp ban ngành liên quan chấn chỉnh các hoạt động mua bán sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu. Từ đó, ngăn chặn tình trạng sâm lậu giá rẻ có nguồn gốc từ Trung Quốc tràn về làm ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Ngọc Linh, sâm Lai châu.

Sau khi đăng loạt bài, Báo NTNN/điện tử Dân Việt còn tổ chức Tọa đàm "Giải pháp ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu, bảo vệ người trồng sâm Việt Nam. Toạ đàm có sự tham gia của các chuyên gia, đại diện cơ quan chức năng như: Công an tỉnh Lào Cai, Công an tỉnh Lai Châu, Tổng cục Hải Quan, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu, Hiệp hội Sâm Lai Châu, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam và một số doanh nghiệp trồng sâm… Các đại biểu đã đánh giá rất cao buổi tọa đàm, đặc biệt là phần giúp người dân phân biệt sâm Ngọc Linh khác gì với sâm Trung Quốc.

Đặc biệt, sau loạt bài của Báo NTNN/điện tử Dân Việt, cơ quan chức năng của một số địa phương đã vào cuộc quyết liệt. Công an tỉnh Lai Châu và Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã phát hiện, bắt giữ một số vụ vận chuyển sâm lậu từ Trung Quốc về Việt Nam. Các động thái này góp phần ngăn chặn được tình trạng sâm nhập lậu và bảo vệ người trồng sâm trong nước, bảo vệ người tiêu dùng tránh sử dụng sâm rởm.

Hiệp hội sâm Lai Châu cũng có văn bản kiến nghị các bộ, ngành Trung ương có biện pháp để chỉ đạo, ngăn chặn việc buôn lậu các loại sâm không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo và rao bán trên thị trường với giá rẻ, đội lốt sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem