Chị Lương Thị Hồng Giang, Hai Bà Trưng, Hà Nội với dáng người mảnh khảnh, trông chị rất trẻ nhưng ít ai biết rằng chị đã làm mẹ của hai đứa con.
Quyết giữ con dù bị rubella thai kỳ
Chị Giang tâm sự: năm 2011, chị mang thai đứa con đầu lòng. Lúc ấy chị mới 21 tuổi. Khi mang thai vào tháng thứ 3, chị thấy người nổi nhiều nốt lạ. Chị cặp nhiệt độ và thấy sốt nhẹ. Chị nghĩ mình mắc sởi. Một tuần sau, chị Giang đi xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ và kết quả dương tính yếu với vi rút rubella. Lúc ấy, tại bệnh viện Phụ sản trung ương cũng có nhiều người phải bỏ con vì rubella. Chị đã làm thủ tục nhưng sau đó chị quyết định quay về giữ lại con.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình thai kỳ dù chị tuân thủ nghiêm ngặt các xét nghiệm sàng lọc trước sinh nhưng đến tuần 22 chị phải treo chân 2 tháng vì dọa sinh non.
Khi sinh bé, cháu bé trắng trẻo, khỏe mạnh. Chị Giang theo dõi bé ngoan ăn no rồi ngủ. Sang tháng thứ 2 cho tới lúc cháu được 3 tháng 10 ngày bé vẫn chỉ khóc, rồi ngủ. Khi được 6 tháng, chị Giang nhận được kết quả đo thính lực của con với mức điếc sâu hai tai, bác sĩ giải thích rằng ngoài tiếng động cơ máy bay ở bên cạnh ra thì con không nghe được âm thanh nào bé hơn thế…
Dù chị không tin vào kết quả này nhưng vẫn phải chấp nhận vì thực sự bé không có phản xạ nào với âm thanh kể cả những tiếng vỗ tay mà chị Giang vẫn cho rằng cháu cảm nhận được. Lúc ấy, chị Giang chỉ còn biết tự trách mình làm con khổ.
Chị Giang và con trai của mình
Từ khi biết con là trẻ bị điếc sâu bẩm sinh, chị Giang lao vào mạng tìm kiếm kiến thức về khiếm thính. Tuy nhiên, mỗi buổi học cho trẻ mất 150 nghìn đồng/2 tiếng, chị Giang lại chưa có công việc ổn định. 15 tháng, cháu chưa ngồi vững, chưa biết đi, chị ôm con về quê với hi vọng dạy cho con cách tập đi. Chị Giang kiên trì nói chuyện với con dù biết điều đó là vô nghĩa.
Quyết tâm cứu con
Khi con biết đi, chị lại đưa con đi gặp cô giáo và chị biết về việc cấy ốc tai điện từ để bé có thể nghe và nói được. Tuy nhiên, một bộ ốc tai điện từ lên đến 21 nghìn đô la còn chưa kể tiền phẫu thuật. Chị Giang hoang mang và lo lắng vô cùng. Với chị, số tiền 100 triều đồng đã là quá lớn nói gì đến 700 triệu đồng.
Chị kể lúc ấy chỉ có suy nghĩ "1 là có tiền, con sẽ được nghe, được nói, được trở thành đứa trẻ bình thường. 2 là không có tiền, con sẽ là đứa trẻ câm, điếc, đi kèm đó là sự chậm phát triển về trí tuệ, bởi việc nghe được là vô cùng quan trọng để trẻ phát triển. Không được hòa nhập bình thường không biết tương lai của con ra sao. Ranh giới mong manh giữa có tiền hay không có tiền..."
Chị Giang bắt đầu chia sẻ câu chuyện của mình trên các diễn đàn mạng xã hội và được rất nhiều người chia sẻ, quan tâm, giúp đỡ. Lúc ấy, có một trung tâm chăm sóc hỗ trợ trẻ khiếm thính cho biết họ có thể giúp đỡ chị bằng số tiền cấy ốc tai 200 triệu đồng. Chị Giang coi đây là cơ hội hiếm có không thể bỏ qua tuy nhiên vợ chồng chị không có tiền.
Vay họ hàng đều không được, chồng chị rút được 50 triệu tiền vốn làm ăn để đặt cọc. Chị lên các trang mạng kêu gọi sự giúp đỡ và số tiền giúp đỡ chỉ hơn 10 triệu đồng nhưng với chị đó là cả một bầu trời tình thương chia sẻ.
Có một mạnh thường quân đồng ý cho chị vay 100 triệu đồng không lấy lãi để chị có thể giúp con. Nhờ đó, chị Giang đã có tiền làm phẫu thuật cấy ốc tai điện từ cho con. Lần đầu tiên chị thấy con nghe được lời mẹ gọi. Hạnh phúc dâng trào khiến chị nghẹn ngào không nói nên lời.
Đến nay, bé đã 4 tuổi. Với chị, đó là cả một quãng thời gian không thể nào quên. Nhìn con trai có thể đi học, nói được, nghe được âm thanh của cuộc sống, bà mẹ trẻ chỉ còn biết cười to vì hạnh phúc.
Chị Giang cùng với Tiến sĩ - bác Nguyễn Tuyết Xương – trưởng khoa tai mũi họng – mắt – răng hàm mặt Bệnh viện Nhi trung ương - người đã từng giúp đỡ bà mẹ trẻ, mang tiếng nói chung để thành lập nên câu lạc bộ cha mẹ trẻ khiếm thính bây giờ, luôn song hành và giúp đỡ mọi trẻ khiếm thính.
Hành trình đưa con từ thế giới câm lặng đến được nghe thấy tiếng mẹ nói, tiếng cười vui của bà mẹ 9x và cậu con trai khiến nhiều người không thể không rớt nước mắt.
Khánh Ngọc (Infonet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.