Hành vi chống đối, trốn chốt kiểm dịch Covid-19 sẽ bị xử lý thế nào?

Bảo Ngọc Thứ tư, ngày 28/07/2021 13:46 PM (GMT+7)
Theo luật sư, hành vi chống đối, trốn chốt kiểm dịch Covid-19 có thể bị xử phạt hình sự lên đến 12 năm tù.
Bình luận 0

Mới đây, hai ô tô loại 4 chỗ ngồi liên tiếp vượt chốt kiểm dịch Covid-19 tại đèo Prenn cửa ngõ vào TP Đà Lạt (Lâm Đồng), gây bức xúc dư luận. 

Được biết, 2 tài xế ô tô không chấp hành khai báo y tế theo quy định tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 dưới chân đèo Prenn, Mimosa.

tron-chot-kiem-dich-covid-19.jpg

Cán bộ UBND Phường 3 (TP Đà Lạt) làm việc với lái xe ô tô và 2 người ngồi trên xe đi qua chốt kiểm soát dịch nhưng không dừng lại khai báo y tế theo quy định. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Cần xử lý nghiêm hành vi trốn chốt kiểm dịch Covid-19

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong nước vẫn tăng cao. Vì vậy, các địa phương đang áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có việc các lập chốt kiểm dịch để kiểm soát người dân ra vào các khu vực có nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Hành vi chống đối, trốn chốt kiểm dịch Covid-19 sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp. Ảnh: BY

Trao đổi với Dân Việt về hành vi trốn, vượt hay chống đối các chốt kiểm dịch Covid-19, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết: "Việc hai tài xế ô tô không chấp hành khai báo y tế theo quy định tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 dưới chân đèo Prenn, Mimosa là hành vi thể hiện thái độ coi thường pháp luật, không chấp hành quy định về phòng chống dịch Covid-19.

Mặc dù thời gian gần đây, có rất nhiều trường hợp đã bị xử lý về hành vi trốn tránh khai báo y tế nhưng hai tài xế này vấn bất chấp pháp luật để trốn tránh qua chốt kiểm dịch. 

Đây là hành vi đáng lên án và cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để thể hiện sự răn đe, nghiêm minh của pháp luật".

Trốn chốt kiểm dịch bị xử phạt thế nào?

Theo luật sư Cường, dưới góc độ pháp lý, Điều 8 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 đã quy định về việc nghiêm cấm hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm;...

Do đó, với hành vi trốn tránh khai báo y tế của hai tài xế này thì cần áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Cụ thể, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính Phủ.

Hành vi chống đối, trốn chốt kiểm dịch Covid-19 sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 3.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát, tuyên truyền người dân nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Tâm Đức

Nếu người vi phạm có các hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ trong thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như: Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ, hành vi chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, thì bị xử phạt hành chính theo Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Cụ thể: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Hoặc phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ.

Đối với hành vi không khai báo y tế, khai báo y tế không đầy đủ hoặc khai báo gian dối dẫn đến việc làm bên làm dịch bệnh ra cộng đồng thì người vi phạm quy định về khai báo y tế sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người. Hình phạt cao nhất đối với tội danh này có thể lên đến 12 năm tù.

"Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, do đó đòi hỏi mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tuân thủ nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh theo luật phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và các văn bản của Chính phủ, Bộ Y tế, trong đó thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K của bộ y tế" – Luật sư khuyên.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem