Hạt gạo Việt - từ bát cơm cứu đói đến thu tỷ đô

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 02/09/2020 09:23 AM (GMT+7)
Những ngày cuối tháng 8/2020, hạt gạo Việt sau rất nhiều thăng trầm đã chính thức “tấn công” châu Âu, một thị trường được đánh giá khó tính nhất nhì thế giới. Cùng với hành trình phát triển của đất nước, hạt gạo vừa hoàn thành sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực vừa trở thành một nông sản tỷ đô.
Bình luận 0

Chuyến xuất ngoại đầu tiên

Trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, nạn đói năm 1945 từng được ví là "sự hủy diệt khủng khiếp. Chỉ trong 6 tháng, số người chết vì đói ở Việt Nam lớn hơn cả số người chết vì chiến tranh ở Pháp trong 6 năm. 

Cuốn "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - những chứng tích lịch sử" viết: "Nạn đói vô cùng khủng khiếp. Nó kéo dài cái chết khiến nạn nhân bị các cơn đói dày vò, đau khổ, tủi nhục. Nhìn thấy người thân chết mà không cứu được, biết đến lượt mình rồi sẽ chết mà không thoát được…".

Hạt gạo Việt - từ cứu đói đến thu tỷ đô - Ảnh 1.

Nông dân TP.Cần Thơ thu hoạch lúa. Ảnh: Huỳnh Xây

Hạt gạo Việt - từ cứu đói đến thu tỷ đô - Ảnh 2.

Trồng lúa hữu cơ ở Thừa Thiên - Huế

"Quan điểm chỉ đạo sản xuất lúa gạo là tập trung giữ vững diện tích, năng suất, sản lượng đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của từng địa phương và toàn vùng về lương thực, đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống...".

ông Lê Quốc Doanh -

Thứ trưởng Bộ NNPTNT

Nhắc lại sự kiện này để thấy, trải suốt chiều dài phát triển của đất nước, hạt gạo Việt đã mang trên mình nó rất nhiều gánh nặng. Trải qua những thời kỳ khó khăn, gian khổ của chiến tranh, cây lúa vẫn xanh trên mỗi cánh đồng, mang lại bát cơm an lành cho người dân, giúp người nơi tiền tuyến yên tâm chiến đấu. 

Năm 1974, cả nước có 9 tỉnh, 107 huyện và 4.226 HTX đạt năng suất 5 tấn thóc/ha ruộng hai vụ lúa. Tỉnh Thái Bình - lá cờ đầu về năng suất lúa của miền Bắc đạt trên 7 tấn thóc/ha. Ký ức về những ngày năm 1945 khiến hạt gạo không đơn giản là một loại lương thực, nó là nguồn sống.

Năm 1989 đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại của hạt gạo Việt, lần đầu tiên, hạt gạo Việt Nam tham gia vào thị trường toàn cầu, chấm dứt một thời kỳ gian khó. Giai đoạn 1976 - 1987, Việt Nam còn phải nhập khẩu gạo nhưng đến năm 1989 thì "gió đã đảo chiều", 1,42 triệu tấn gạo đã vươn mình ra thế giới.

Thành tựu nổi bật và to lớn nhất của ngành nông nghiệp là đã giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đưa Việt Nam từ nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới liên tục từ năm 1989 đến nay. 

Nếu năm 1989, xuất khẩu được 1,42 triệu tấn gạo thì đến năm 2004 đạt 4,06 triệu tấn, đưa nước ta vào hàng các nước đứng đầu về xuất khẩu gạo trên thế giới. Cao điểm năm 2012, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đã bứt phá mạnh mẽ với kỷ lục xuất khẩu đạt 7,72 triệu tấn gạo. 

Tính đến 31/10/2012 Việt Nam đã là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Và từ đó đến nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn giữ vững phong độ. Năm 2019, cả nước xuất khẩu 6,37 triệu tấn gạo, tương đương 2,81 tỷ USD.

Giá vượt Thái Lan, chinh phục châu Âu

Không chỉ giữ vững các thị trường truyền thống, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đã giúp hạt gạo Việt vươn tới nhiều thị trường khó tính hơn. Cộng với sự rộng mở của các hiệp định tự do thế hệ mới như EVFTA hay CPTPP, hạt gạo Việt đã có thể chinh phục được những vùng đất mới. Sự kiện công bố lô gạo thơm xuất khẩu sang châu Âu những ngày cuối tháng 8/2020 là minh chứng cho điều này.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh nhận định, trong 80.000 tấn gạo Việt Nam được phía EU cấp hạn ngạch thuế quan hàng năm, chỉ có 30.000 tấn gạo thơm. Đây là số lượng nhỏ, nhưng nếu Việt Nam tận dụng tốt sẽ tạo cơ hội lớn hơn nhiều cho xuất khẩu gạo vào EU những năm sau này.

Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu gạo từ đầu năm 2020 vẫn giữ vững nhịp độ tăng trưởng, trở thành một trong số ít mặt hàng nông sản có tăng trưởng dương với sản lượng gạo xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2020 đạt gần 3,9 triệu tấn, thu về 1,9 tỷ USD. Đáng chú ý, dù khối lượng gạo xuất khẩu giảm 1,4% nhưng lại tăng tới 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Không những thế, lần đầu tiên sau 30 năm tham gia vào thị trường xuất khẩu, giá gạo của Việt Nam đã vượt Thái Lan. Bảng giá gạo xuất khẩu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cập nhật ngày 14/8 cho thấy, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 493-497USD/tấn, còn giá gạo cùng loại của Thái Lan chỉ đạt 473-477USD/tấn; gạo Pakistan từ 423-427USD/tấn, gạo Ấn Độ giá 378-382 USD/tấn.

Theo VFA, trong 3 cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới là Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đang ở mức cao nhất, hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan 20 USD/tấn, hơn gạo Pakistan 70 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ 115USD/tấn.

Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) xác nhận, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tốt hơn so với Thái Lan, trong lịch sử 30 năm xuất khẩu gạo, đây là lần đầu tiên chúng ta lập được kỷ lục này.

Một chuyên gia về phát triển thị trường nông sản nhận định, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây do nhu cầu trên thế giới tăng cao, trong khi nguồn cung từ Ấn Độ và Thái Lan vẫn bị hạn chế. Bên cạnh đó, chất lượng gạo Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng gạo thơm, được nâng cao cũng hỗ trợ đẩy giá gạo Việt Nam xuất khẩu tăng.

Vị này dự báo, từ nay đến cuối năm, giá gạo của Việt Nam có thể tăng thêm bởi một số nước đang giảm xuất khẩu, trong khi nhu cầu gạo trên thế giới tăng cao. Dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong năm 2020, sản lượng gạo thế giới ước đạt 495,2 triệu tấn, giảm khoảng 0,3% và tiêu dùng gạo thế giới ước đạt 490,4 triệu tấn, tăng khoảng 1,3% so với năm 2019.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) nhận định, xuất khẩu gạo tăng trưởng cao kéo giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL tăng trong tháng 7. Cụ thể, giá lúa tăng từ 200-500 đồng/kg lên 5.000 - 6.700 đồng/kg tùy loại.

Ông Nguyễn Văn Tâm (ở xã Trung Thạnh, Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ), chia sẻ, vụ thu đông năm nay, gia đình ông gieo cấy 6ha. Hiện lúa vẫn còn xanh nhưng thương lái đã đặt tiền mua lúa tươi tại ruộng giá 5.700 đồng/kg, cao hơn 500-700 đồng/kg so với năm trước.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT An Giang Võ Thị Thanh Vân cho biết, lúa hè thu năm nay trúng mùa lớn. 98% trên tổng diện tích 230.000ha lúa của An Giang đã thu hoạch, năng suất ước đạt 5,53 tấn/ha, cao hơn từ 80-150kg/ha so với vụ lúa hè thu năm 2019.

Theo kịch bản tăng trưởng của ngành nông nghiệp, vụ thu đông ở ĐBSCL với kế hoạch sản xuất 720.000ha. Tuy nhiên, vụ đông xuân và một phần vụ hè thu kết thúc sớm, thị trường gạo đang có tín hiệu tốt, do đó sẽ chủ động tăng diện tích lên 800.000 - 820.000ha (tăng so với kế hoạch 80.000 - 100.000ha).

Bộ NNPTNT đang chỉ đạo các địa phương tăng diện tích gieo trồng để bảo đảm tăng trưởng của ngành, vừa đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Các chuyên gia ngành lúa gạo nhận định, năm nay lúa trúng mùa, nếu chúng ta tận dụng tốt cơ hội ở các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu thì kim ngạch xuất khẩu gạo sẽ đạt mục tiêu 3,9 tỷ USD.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem