Hậu chiến dịch “giá rẻ”: Thế Giới Di Động và các đối thủ làm ăn ra sao trong 6 tháng đầu năm?
Hậu chiến dịch “giá rẻ”: Thế giới Di động và các đối thủ làm ăn ra sao trong 6 tháng đầu năm?
Thanh Tùng
Thứ ba, ngày 01/08/2023 11:28 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh cuộc chiến về giá giữa các đơn vị bán lẻ, hầu hết các ông lớn “tham chiến” đều gặp phải thiệt hại nặng nề. Vì thế, tất cả các bên đều mong chờ những dấu hiệu tích cực trong nửa sau của năm 2023.
Mới đây, các doanh nghiệp bán lẻ đã công bố báo cáo tài chính giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, Thế giới Di động ghi nhận tổng doanh thu 56.570 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ và mới hoàn thành được 42% so với kế hoạch doanh thu 135.000 tỷ đồng trong năm 2023.
Trong đó, chuỗi điện thoại và điện máy chiếm 41.500 tỷ đồng, tương đương 74%. Phần còn lại là đóng góp từ chuỗi bách hóa, nhà thuốc, đồ dùng mẹ và bé.
Lợi nhuận sau thuế của Thế giới Di động ước đạt 39 tỷ đồng, chưa bằng phần lẻ của cùng kỳ. Kết quả này chưa đạt đến 1% mục tiêu lợi nhuận sau thuế 4.200 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp tương ứng đạt 5.441 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các chi phí, Thế giới Di động lãi ròng vỏn vẹn 17 tỷ đồng trong quý 2, giảm 98% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một diễn biến đáng lưu ý khác, về nhân sự, thời điểm 30/9/2022, Thế giới Di động ghi nhận có 80.231 nhân viên; thời điểm 31/12/2022 ghi nhận còn 74.008 nhân viên; và thời điểm 31/3/2023, Thế giới Di động ghi nhận còn 68.048 nhân viên.
Tương tự MWG, Công ty CP bán lẻ kỹ thuật số FRT cũng đã trải qua giai đoạn đầy khó khăn khi mảng kinh doanh của công ty mẹ (không bao gồm chuỗi Long Châu và DN logistic) lỗ 252 và 318 tỷ đồng lần lượt trong quý II và 6 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, doanh thu lũy kế chuỗi FPT Shop 6 tháng đầu năm 2023 đạt 8,118 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ, thấp hơn mức giảm chung của thị trường, trong đó quý 2/2023 giảm 18% so với cùng kỳ tốt hơn mức giảm quý 1/2023 là 20%.
Về chuỗi nhà thuốc Long Châu, số nhà thuốc mở mới trong 6 tháng đầu năm là 306 nhà thuốc, trong đó có 187 nhà thuốc mở mới trong quý 2. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh trên mỗi cửa hàng được duy trì ở mức doanh thu trung bình đạt hơn 1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, đưa tổng doanh thu lũy kế 6 tháng lên mức 6,899 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ; trong đó quý 2/2023 tăng trưởng 96% so với cùng kỳ, tốt hơn mức tăng trưởng quý 1/2023 là 52%.
Trước đó, hồi đầu tháng 5, Thế giới Di động đã châm ngòi cho cuộc chiến về giá với chiến dịch "Giá rẻ quá", diễn ra trên cả hai chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh. Phản ứng trước động thái này của Thế giới Di động, chuỗi FPT Shop đã tung ra chương trình giảm giá tương tự với khẩu hiệu "Ở đâu 'rẻ quá' ở đây rẻ hơn".
Cuộc chiến về giá của ngành bán lẻ di động đã bùng nổ ngay sau phát ngôn "gây bão" của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới Di động khi tuyên bố sẽ khiến các đối thủ không thể "kiếm ăn" trên khoảng cách về giá của chuỗi Thế giới Di động, đồng thời ông Tài khẳng định "tiếng rên xiết sẽ kéo dài chứ không chỉ diễn ra trong thời gian ngắn".
Trong bối cảnh chung, một đơn vị chuyên phân phối, bán lẻ thiết bị di động là Đại diện truyền thông Cellphone S cho biết, về nhóm sản phẩm ICT, cả năm 2023, chuỗi đang tăng khoảng 3% so với năm 2022.
Bên cạnh đó, các nhóm sản phẩm Laptop giảm 15% so với 2022 trong khi thị trường giảm 38% còn các nhóm sản phẩm điện thoại máy tính bảng tăng khoảng 7%, so với mức giảm chung thị trường 25%.
CellphoneS cho biết, quý II - vùng trũng tăng trưởng của năm 2023, họ vẫn giữ được mức tăng trưởng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính trong nửa đầu năm 2022, doanh số tăng trưởng 6,06% so với cùng kỳ năm trước.
Một đơn vị bán lẻ khác là Di Động Việt cho biết, doanh số trong nửa đầu năm 2023 chỉ tăng trưởng nhẹ khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất được ghi nhận tại hệ thống trong nhiều năm qua, tuy nhiên một con số tăng trưởng dương trong điều kiện thị trường chung giảm sút cũng là một sự khẳng định nỗ lực trong việc giữ thị phần.
Trong khi đó, tổng doanh thu Thế giới Di động và Điện máy xanh đạt 41.500 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Như vậy, mức giảm này đang cao hơn số liệu các hệ thống khác công bố, trong khi việc giảm giá cùng diễn ra như nhau.
Có thể thấy, trong cuộc chiến khốc liệt về giá, hầu hết các “ông lớn” trong ngành bán lẻ thiết bị điện tử đều gặp thiệt hại lớn. Tình hình trên có thể sẽ được cải thiện nhưng không nhiều trong giai đoạn cuối năm nay. Vì thế, các thương hiệu lớn này sẽ tiếp tục có thêm những chính sách, phương án tiếp cận thị trường để “giành lại những gì đã mất” trong thời gian sắp tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.