Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã CK: OGC) vừa thông báo bác đề nghị họp Hội đồng quản trị bất thường từ hai thành viên là bà Nguyễn Thị Lan Hương và Hoàng Thị Phương Lan.
Theo đó, ngày 26.10, thành viên HĐQT là bà Nguyễn Thị Lan Hương và bà Hoàng Thị Phương Lan đã gửi thông báo họp HĐQT đến các thành viên có liên quan để thảo luận lại một số vấn đề của tập đoàn.
Mâu thuẫn nội bộ
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Lan Hương và bà Hoàng Thị Phương Lan đề nghị triệu tập cuộc họp để bàn về việc triển khai áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án nhân dân quận Ba Đình ngày 18.10.2018, tạm dừng thực hiện một phần Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên OGC ngày 15.8 do có khiếu nại; miễn nhiệm hàng loạt chức danh quan trọng tại OGC và việc sử dụng con dấu và bàn về nhiệm vụ của các thành viên HĐQT.
Tuy nhiên, yêu cầu triệu tập họp của hai bà Hương và Lan đã bị Chủ tịch HĐQT OGC đương nhiệm, ông Lê Quang Thụ bác bỏ.
Tại văn bản trả lời bà Hương và bà Lan, ông Lê Quang Thụ cho rằng hai bà này không có quyền thay thế HĐQT để triệu tập họp HĐQT.
Trước đó, vào ngày 26.10 cũng đã từng diễn ra cuộc họp HĐQT. Tuy nhiên, chỉ sau 15 phút diễn ra, Chủ tịch HĐQT OGC, ông Lê Quang Thụ đã quyết định dừng cuộc họp vì lý do: Sau ĐHĐCĐ ngày 15.8, HĐQT mới đã được thành lập, tuy nhiên sau khi Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời yêu cầu dừng thực hiện Nghị quyết ĐHĐCĐ nói trên thì hiện tại không thể xác định rõ số lượng và tư cách thành viên HĐQT của công ty nên HĐQT mới không thể bàn thảo hoặc quyết định bất cứ vấn đề gì.
Đây chỉ là một trong số nhiều xáo trộn trong nội bộ Ocean Group liên tiếp xảy ra thời gian vừa qua. Sự việc lần này, thực tế, chỉ là động thái nối dài thêm những căng thẳng từ phiên họp thường niên năm 2018 liên quan đến nhân sự ban điều hành và cơ cấu cổ đông của Ocean Group.
Trước đó, hồi tháng 9.2018, Ocean Group nhận được thông báo Thụ lý việc Kinh doanh Thương mại ngày 11.9.2018 của Tòa án Nhân dân Quận Ba Đình, Hà Nội về việc Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo yêu cầu Tòa án giải quyết Hủy toàn bộ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của Oceangroup.
Ngày 10.8, của Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội ra quyết định kê biên, xử lý tài sản để thi hành án. Các tài sản bị kê biên, xử lý gồm: 68.779.140 cổ phiếu đứng tên Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (do ông Hà Văn Thắm làm chủ) và 3.333.333 cổ phiếu đứng tên Hà Văn Thắm tại CTCP Tập đoàn Đại Dương. Tổng số cổ phiếu bị kê biên là hơn 72 triệu cp
Trích nội dung tại Biên bản họp hội đồng thường niên lần 3 năm 2018 của OGC
Tại đại hội cổ đông thường niên 2018 tổ chức lần thứ 3 ngày 15.8, Đại diện của doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo đã tham dự và muốn phát biểu nhưng không được ông Lê Quang Thụ - Chủ tịch HĐQT chấp thuận do Doanh nghiệp Tư nhân Hà Bảo không còn tư cách cổ đông theo Quyết định kê biên, xử lý cổ phiếu kể trên.
Khủng hoảng tài chính
Năm 2013 trước khi xảy ra biến cố về nhân sự cấp cao, tổng tài sản của Ocean Group đạt hơn 11.400 tỷ đồng với lợi nhuận chưa phân phối gần 100 tỷ.
Năm 2014 cũng là năm đánh dấu sự đi xuống của Ocean Group do chủ tịch Hà Văn Thắm bị bắt liên quan đến đại án ngân hàng thời điểm đó. Ocean Group đã nếm mùi thua lỗ khi khoản lỗ lên tới 2.548 tỷ đồng. Đây thực sự là cú sốc lớn với nhà đầu tư.
Kết quả kinh doanh OGC
Tin xấu dồn dập đến với Ocean Group. Một thời gian sau khi Hà Văn Thắm bị bắt, ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Ocean Bank), trụ đỡ quan trọng của Ocean Group bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Đáng chú ý, trước thời điểm ông Hà Văn Thắm bị bắt, hoạt động cũng như kết quả kinh doanh của OceanBank bất ngờ chậm lại. Theo kết luận của cơ quan thanh tra, ngân hàng đã âm vốn 2,5 lần. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới sự “bết bát” trong bức tranh lợi nhuận của OGC thời gian qua.
Bốn năm sau đó, tổng tài sản của OGC giảm hơn một nửa so với trước biến cố, với số lỗ lũy kế tăng lên gần 2.900 tỷ, ăn mòn gần 97% vốn điều lệ.
Năm 2015 cũng là năm duy nhất OGC có lãi trên 726 tỷ đồng kể từ sau biến cố Hà Văn Thắm. Không còn tài sản nào đáng kể để thanh lý, điệp khúc lỗ trở lại với doanh nghiệp một thời được xem là tập đoàn đa ngành lớn tại Việt Nam.
Hai năm 2016 và 2017, OGC báo lỗ lần lượt 731 tỷ và 431 tỷ đồng.
Cơ cấu dòng tiền từ của OGC
Nửa đầu năm 2018, công ty mẹ tiếp tục lỗ thêm gần 12 tỷ đồng, dù đã giảm mạnh so với cùng kỳ nhưng việc tiếp tục báo lỗ khiến "án tử" hủy niêm yết đang cận kề doanh nghiệp.
Cuối tháng 9, còn hơn 3 tháng để kết thúc năm tài chính 2018, ban lãnh đạo Ocean Group trình phương án điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm nay. Theo phương án mới được Hội đồng quản trị thông qua, lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2018 của Ocean Group dự kiến còn 58 tỷ đồng so với phương án trước điều chỉnh là 186 tỷ đồng, tương đương mức giảm gần 70%. Doanh thu hợp nhất cũng được điều chỉnh giảm gần 16% xuống còn 1.172 tỷ.
Tuy nhiên, mới đây OGC xin gia hạn thời gian nộp báo cáo tài chính quý III. Với kết quả kinh doanh như hiện tại, thị trường đang tỏ ra hoài nghi rằng khả năng đạt được mục tiêu của năm 2018 của OGC là khó khả thi. Dù con số đưa ra không lớn song vẫn là thách thức đối với tập đoàn này
Trên sàn chứng khoán, mỗi cổ phiếu OGC hiện chỉ còn giao dịch ở mức 3.000 đồng, tương đương với giá trị vốn hóa của Ocean Group khoảng 850 tỷ đồng, con số chưa tới một phần mười ở thời điểm đỉnh cao của tập đoàn này.
Ocean Group, từ một tập đoàn đang trên đà phát triển với dấu ấn cá nhân của ông Hà Văn Thắm đến rơi vào khủng hoảng với kết quả kinh doanh thua lỗ và mâu thuẫn nội bộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.