Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đại biểu lo ngân sách phải bù lỗ, người nghèo không mua được vé

Nguyễn Tuyền Thứ tư, ngày 13/11/2024 14:43 PM (GMT+7)
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, dù chủ trương cần và rất cần dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nhưng cần thực hiện hiệu năng và hiệu quả, nhất là lưu ý cân đối ngân sách để không phải bù lỗ, người nghèo không mua được vé tàu.
Bình luận 0

Thảo luận tại tổ ở Quốc hội hôm nay 13/11 về Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH TP. HCM cho biết: ”Cũng như 10 năm trước, tôi nghĩ chúng ta cần thiết có đường sắt cao tốc, chúng tôi nhất trí là 350km/ giờ hoặc cao hơn”.

Nhiều dự án báo cáo rất hay nhưng thực hiện dở dang, tạo gánh nặng

“Đất nước chúng ta cần và rất cần, tiến hành ngay bởi không phải 5 năm mà chúng ta có được cho nên phải chuẩn bị ngay từ bây giờ”, ông Nghĩa nêu.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đại biểu lo ngân sách phải bù lỗ, người nghèo không mua được vé - Ảnh 1.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH TP. HCM (Ảnh: QH.VN).

Theo ông Nghĩa hiện dư luận người dân đồng tình, ủng hộ xây dựng đường sắt cao tốc. Tuy nhiên, cử tri và các nhà khoa học, chuyên môn, cán bộ hưu băn khoăn là là “sẽ làm như nào?” hay “giữa ý muốn và năng lực thực hiện, giữa hiệu năng và hiệu quả đối với kinh tế xã hội” sẽ ra sao?

“Bởi cũng cùng một dự án, nhưng các nước làm xong trong 5 năm, ở ta làm 10 năm, 15 năm chưa xong. Người ta làm 10 đồng, chúng ta làm mất 15 đồng, 20 đồng, thậm chí đội vốn, tăng đầu tư. Nên mới xuất hiện hàng loạt dự án trùm mền, đắp chiếu mà hiện nay xử lý mãi chưa xong”, Đại biểu Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, vấn đề lãng phí đã được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra, điểm trúng huyệt. Nhiều năm qua, có thực tế là các dự án đầu tư trên báo cáo giấy tờ rất hiệu quả nhưng tổ chức thực hiện sau này lại là gánh nặng tài chính, nhiều nơi là nhà bỏ hoang, đống sắt vụn. Giải tỏa cái này rất tốn kém.

Nhắc đến băn khoăn của cử tri về vận hành an toàn, ông Nghĩa nhấn mạnh, sản phẩm công nghệ cao thì càng đòi hỏi hệ số an toàn càng phải cao. “Một con tàu chạy 100km/giờ khác hẳn so với con tàu chạy 350km/ giờ”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Về những ý kiến băn khoăn hiện nay của một số đại biểu, chuyên gia, ông Nghĩa khẳng định: Băn khoăn chứ không phải bàn lùi!

Ông Nghĩa nêu thách thức cần phải lưu ý về ngân sách đầu tư và nợ công trong dự án này. Với một dự án lớn như thế, ngân sách cân đối được thì không lo, nhưng nếu 30 năm sau phải gánh còng lưng bù lỗ, con cháu phải trả nợ là điều đáng lo ngại.

“Ngân sách cũng là tiền thuế của dân, nếu chỉ người giàu có tiền mua vé giá cao, còn người nghèo không được đi, nghĩa là phải lấy thuế của toàn dân bù cho tầng lớp thượng lưu đi đường sắt đó”, ông Nghĩa nêu.

Đồng tình việc cần thiết xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho rằng: Đất nước ta có hình thế theo chiều dọc với các vùng kinh tế trọng điểm, cần thiết có sự kết nối với các vùng kinh tế để tạo sự lan toả, tránh tình trạng tập trung vào một số thành phố lớn, còn các nơi khác nằm trên trục đó nhưng không phát triển được.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đại biểu lo ngân sách phải bù lỗ, người nghèo không mua được vé - Ảnh 2.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) (Ảnh: QH.VN).

Tuy nhiên, theo đại biểu điểm nghẽn hiện nay là vấn đề logistic, không hút được đầu tư phát triển, nên khi xây dựng xong tuyến này sẽ giải quyết điểm nghẽn về logistic, nhất là vận tải hàng hóa Bắc - Nam.

Trong khi đó, hiện nay xuất khẩu hàng hóa đang nghiêng về 1 thị trường rất lớn, do đó phải đẩy mạnh thị trường sang khu vực Châu Âu và Trung Đông. Do đó, không có con đường nào khác hơn là con đường về đường sắt. Phát triển đường sắt kết nối với hệ thống đường sắt của Bắc Á sẽ giải quyết được vấn đề xuất khẩu hàng hoá.

“Tôi kỳ vọng phát triển đường sắt để giải quyết vấn đề logistic, vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất khẩu, kết nối được với quốc tế", ông Cường nói.

Về phương thức đầu tư để đạt được tiến độ, theo ông Cường, hiện cả 3 tuyến đường sắt đô thị đều kéo dài 10 năm mới hoàn thành, trong khi đó đường dây 500KV mạch 3 triển khai rất thần tốc.

"Do đó, phải làm chủ công nghệ, chúng ta phải là nhà đầu tư, nhà thầu. Nếu cứ tiếp tục đi thuê nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư thì không thể bảo đảm được", Đại biểu Cường nêu.

Cũng theo ông Cường, đầu tư không quan trọng công nghệ của nước nào, vấn đề nằm ở việc phải chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Khi chúng ta nắm được công nghệ và triển khai, mới giải quyết được 2 vấn đề đó là thời gian hoàn thành và quan trọng hơn là sẽ trở thành một ngành sản xuất của chúng ta.

Thận trọng với nợ công, đội vốn và tiêu cực của dự án

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đại biểu lo ngân sách phải bù lỗ, người nghèo không mua được vé - Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP. HCM)

"Việc chuyển giao công nghệ phụ thuộc lớn vào thị phần đường sắt. Nếu thị phần quá nhỏ thì không ai có đủ sức chuyển giao. Tuy nhiên, thị phần đường sắt chúng ta hiện nay, nguyên đường sắt tốc độ cao đã gần 70 tỷ USD; hai đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng lên tới 67 tỷ USD. Như vậy, mạng lưới hệ thống thị phần của chúng ta đã là 150 tỷ USD. Đây là thị phần rất lớn, đủ khả năng để chuyển giao công nghệ", đại biểu cho hay.

"Chúng ta đã có bài học chuyển giao công nghệ", ông Cường nói và dẫn chứng bằng câu chuyện của Vinfast. Theo đó, doanh nghiệp này không phải là nhà sản xuất ô tô, nhưng chuyển giao công nghệ và trở thành một nhà sản xuất ô tô. Cho nên chúng ta hoàn toàn đủ khả năng.

"Tôi rất thiết tha trong Nghị quyết của Quốc hội phải ghi rõ đầu tư phải thực hiện được chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, và chúng ta phải làm chủ trong quá trình đầu tư đó. Từ đó, chúng ta đầu tư được toàn bộ các hệ thống đường sắt khác chứ không phải là đi mua các sản phẩm đó. Được biết nếu đi mua thì sẽ rẻ hơn so với chuyển giao, nhưng thà đắt một lần nhưng chúng ta mãi mãi bền vững về sau", ông Cường đề cập.

Ông Cường cũng cho rằng, phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao sẽ bổ sung cho hệ thống vận tải hiện nay chứ không phải cạnh tranh với hệ thống vận tải hiện hữu.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP. HCM) nhắc lại, từ năm 2010, dự án này cũng được trình và Quốc hội đã không thông qua. Giờ đây, cơ quan chủ trì lập luận rằng vị thế của chúng ta đã khác, hiểu nôm na là chúng ta đã có tiền, nhưng theo bà Lan, vẫn phải suy xét cẩn trọng.

“Có thể thu nhập đầu người của chúng ta cao hơn, vị thế tốt hơn, nhưng những nguy cơ nợ công sau này ra sao? Rồi những tiêu cực, đội vốn dự án ra sao? Có lãng phí hay không… tất cả cần phải xem xét thận trọng”, bà Lan đề cập.

Nữ đại biểu đoàn TP HCM cũng bày tỏ băn khoăn, tốc độ của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam "có cần thiết phải nhanh vậy không?", bởi hiện nay chúng ta đã có nhiều sân bay.

"Vậy bây giờ đường sắt phải tính toán hiệu quả ra sao?. Nếu lựa chọn đi đường sắt, thì hàng không để làm gì, máy bay mua về tính toán thế nào? Với đường sắt, cái cần nhất vẫn là chở hàng, chứ không phải chở người. Con người đi gì mà đi dữ vậy? Nhiều người bảo mơ ước sáng đi ra Hà Nội ăn phở rồi lại đi về. Tôi xin nói, người vô công rồi nghề mới làm chuyện đó”, bà Lan cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem