“Hậu trường” làm Hiến pháp

Thứ tư, ngày 01/01/2014 11:48 AM (GMT+7)
“Hai năm qua, khối lượng công việc lớn đến mức chúng tôi luôn cảm thấy quá tải. Thường xuyên làm ngoài giờ, không có thứ 7, Chủ nhật, nhưng mình vẫn vui vẻ làm, một phần vì trách nhiệm, nhưng phần nữa mình coi đó là một vinh dự lớn..."
Bình luận 0
"... Thử hỏi trong đời người mấy ai có vinh hạnh được tham gia xây dựng những công trình tầm cỡ của quốc gia như bản Hiến pháp”...

Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sáng 28.11.2013.   TTXVN
Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sáng 28.11.2013. TTXVN

Đó là những tâm sự rất chân thành mà ông Lê Minh Thông (ảnh) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chia sẻ với phóng viên NTNN vào thời điểm bản Hiến pháp sửa đổi chính thức có hiệu lực vào ngày 1.1 này.

Bám theo 9 định hướng cơ bản

Ông Lê Minh Thông nhớ lại thời điểm khởi nguồn: Chủ trương nghiên cứu tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992 chính là cơ sở để bổ sung, sửa đổi Hiến pháp đã được xác định ngay tại Đại hội lần thứ XI của Đảng. Hội nghị T.Ư lần thứ 2 (khóa XI) đã ra nghị quyết về tổng kết thi hành Hiến pháp 1992, nghiên cứu sửa đổi bổ sung Hiến pháp phù hợp với tình hình mới.

Căn cứ vào đó, Quốc hội đã thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp (UBSĐHP) gồm 30 đồng chí do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch, với 2 nhiệm vụ quan trọng nhất là triển khai tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 và xây dựng bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Tiếp đó, UBSĐHP đã thành lập Ban Biên tập (BBT) gồm 45 thành viên, do Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý làm Trưởng ban. BBT, ngoài các thành viên các ủy ban của Quốc hội còn có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã có thời gian nghiên cứu sâu về Hiến pháp.

ông Lê Minh Thông (ảnh) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Ông Lê Minh Thông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Trong khoảng 6 tháng làm việc nỗ lực và khẩn trương, UBSĐHP đã xây dựng nên bản báo cáo tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992 dày gần 100 trang dựa trên báo cáo của Chính phủ, các tổ chức chính trị xã hội, địa phương..., có đối chiếu kiểm tra chéo nên chất lượng đáng tin cậy.

“Qua tổng kết chúng tôi nhận thấy, về cơ bản Hiến pháp 1992 còn giá trị trên rất nhiều phương diện nên tinh thần chung là phải kế thừa các giá trị cũ. Tuy nhiên, thành tựu 30 năm phát triển của đất nước phải được thể hiện trong bản Hiến pháp mới. Bối cảnh phát triển mới với nhiều cơ hội mới và không ít thách thức mới, tầm vóc, phạm vi và tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, của quá trình xây dựng nền dân chủ và nhà nước pháp quyền, hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi phải có một cơ sở hiến định rộng lớn hơn, linh hoạt hơn, tổng quát hơn để có thể tạo ra những động lực mới cho sự phát triển của đất nước, khắc phục những chồng chéo, cản trở lâu nay về phương diện pháp lý, tạo ra một hành lang mới cho sự phát triển rộng mở của các quan hệ” - ông Lê Minh Thông phân tích.

Vì thế, BBT đã trình UBSĐHP một bản gồm 9 định hướng sửa đổi lớn, trình lên UBTV Quốc hội và Bộ Chính trị, được cơ bản tán thành sau khi có một số điều chỉnh nhỏ. Dựa trên cơ sở 9 định hướng đó, BBT triển khai xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. BBT có văn phòng riêng, làm việc thường xuyên. “Do tất cả đều làm kiêm nhiệm nên trong 2 năm trời, hầu như chúng tôi đều phải làm việc ngoài giờ và không nghỉ thứ 7, Chủ nhật. Làm việc đến mức nhiều khi trong giấc ngủ vẫn nghĩ tới Hiến pháp” - ông Thông kể.

BBT chia thành nhiều tổ, mỗi tổ phụ trách một chương trong bản Hiến pháp, có sự điều phối chung để tránh chồng chéo và có sự liên thông với nhau.

Đặt hàng thêm 3 bản dự thảo để tham khảo

Bên cạnh việc tổng kết, BBT cũng triển khai tập hợp nghiên cứu rất nhiều Hiến pháp của các nước: Ban có một bản tập hợp trên 30 bản Hiến pháp của các nước để nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, BBT tổ chức một số cuộc hội thảo liên quan đến Hiến pháp của các nước, mời cả các chuyên gia nước ngoài tham gia, để trao đổi. UBSĐHP cử cả một đoàn đi Australia để học hỏi về kỹ thuật lập hiến của nước bạn.

"Không phải tất cả đều đã hài lòng với bản Hiến pháp, kể cả các ĐBQH cũng vậy. Nhưng nhìn toàn cục mà nói, đó là phương án tốt nhất trong điều kiện có thể hiện nay. Còn để khẳng định nó đã là tối ưu chưa thì phải chờ, thời gian sẽ trả lời”.

Ông Lê Minh Thông

UBSĐHP còn đặt hàng 3 cơ quan khác xây dựng 3 bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, cũng dựa trên 9 định hướng cơ bản. Ba cơ quan đó là Hội đồng lý luận T.Ư, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội.

“Ba bản dự thảo này nhìn chung khá chất lượng, nhưng chủ trương là chỉ sử dụng làm tài liệu tham khảo và rút kinh nghiệm trong lúc xây dựng bản dự thảo chính. Tuy nhiên chúng tôi đánh giá rất cao về kỹ thuật lập hiến, những nội dung và độ sáng tạo. Mỗi bản lại có ưu, nhược điểm riêng. Có bản thì khá toàn diện, nhưng lại ít cái mới. Có bản thì có nhiều đột phá, sáng tạo, nhưng cách thể hiện hiện đại quá... Chúng tôi chủ yếu lấy 3 bản này để tham khảo, rút kinh nghiệm khi xây dựng bản dự thảo chính” - ông Thông nói thêm.

BBT cũng đã nhận được khá nhiều văn bản khuyến nghị của các tầng lớp nhân dân trước cả khi chính thức tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân với bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trước khi nhận được bản kiến nghị 72 (bản dự thảo Hiến pháp được xây dựng bởi 72 chuyên gia, nhà khoa học, nguyên cán bộ quản lý... - PV), BBT đã nhận được đóng góp của khá nhiều cá nhân, trong đó có những bản đóng góp dài, viết bằng tay của những cụ lão thành cách mạng, nhà khoa học với những đề xuất tâm huyết và độc đáo. “Riêng về bản kiến nghị 72, BBT chúng tôi nhận thấy không phù hợp với 9 định hướng đã đề ra ban đầu nên chúng tôi trân trọng tiếp nhận, còn tiếp thu hay không lại là việc khác” - ông Thông giải thích.

Nói lãng phí là không công bằng

Theo ông Lê Minh Thông: “Khi nhận được đề xuất thay đổi tên nước thành Việt Nam dân chủ cộng hòa, chúng tôi không bất ngờ. Ngoài ra, cũng có những đề xuất kiến nghị đổi tên nước chỉ đơn giản Việt Nam hay Đại Việt... Cuối cùng BBT cũng như UBSĐHP khẳng định giữ nguyên cái tên hiện nay là phù hợp nhất”.

Cuối cùng, bản Dự thảo hoàn thành và trình lên kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII, đồng thời trình Bộ Chính trị. Cứ qua mỗi lần trình lên một cơ quan BBT lại tiếp thu, giải trình, sửa đổi và tới giờ ông Thông cũng không thể nhớ chính xác đã bao nhiêu lần làm đi làm lại như vậy. Sau đó, Quốc hội đã ra nghị quyết về việc tham khảo, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân từ 2.1.2013 kéo dài trong 3 tháng.

Về việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân cho bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, có ý kiến cho rằng có sự lãng phí, tuy nhiên ông Lê Minh Thông cho rằng: “Đây là một hoạt động mà hiệu quả của nó khó có thể tính bằng tiền vì riêng chuyện vận động để toàn dân quan tâm tới Hiến pháp đã là giá trị rất lớn. Ngoài 26 triệu lượt ý kiến đóng góp, mỗi gia đình đều đã đọc bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và quan trọng hơn cả là mọi người đều có cơ hội tiếp cận và nâng cao nhận thức của mình về Hiến pháp, từ đó niềm tin, ý thức chấp hành Hiến pháp của họ được tăng lên rõ rệt. Đó chính là hiệu quả lâu dài. Còn về ý kiến cho rằng có lãng phí về mặt tiền của vật chất, theo tôi nói vậy là không công bằng”.
Hải Phong (ghi) (Hải Phong (ghi))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem