Tây du ký phiên bản 1986 là một trong những tác phẩm phim ảnh kinh điển nhất của điện ảnh Trung Quốc. Đây cũng là bộ phim được chiếu nhiều ở Trung Quốc và Việt Nam.
Đầu tháng 6 vừa qua, thông tin VTV2 bắt đầu chiếu lại Tây du ký vào dịp hè cho khán giả thưởng thức khiến nhiều người thích thú. Bên cạnh đó, những câu chuyện hậu trường lần đầu được hé lộ càng khiến người xem tò mò hơn.
"Tây du ký" 1986 được chiếu lại trên VTV.
Tây du ký là một trong bốn bộ phim kinh điển trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc. Tuy nhiên, bộ phim không phải được ưu ái như nhiều người nghĩ khi mới khởi quay. Tháng 4.1986, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cùng Bộ tài chính và Tổng cục Điện ảnh thành lập một tổ điều tra đoàn làm phim Tây du ký.
Theo Toutiao, ba điều tra viên tới đoàn phim khảo sát để theo dõi liệu có phải ê-kíp mượn việc quay phim để đi du sơn ngoạn thủy như có người "phao" tin hay không. Thời điểm đó, nhiều người tung tin cho rằng, ê-kíp Tây du ký mượn việc quay phim, dùng tiền để đi du lịch là chính, quay phim chỉ là phụ.
Cố đạo diễn Dương Khiết (khoanh tròn) cùng đoàn phim.
Khi đọc được thông tin này, đạo diễn Dương Khiết tức giận đến mức chết lặng, không nói được lời nào. Sau khi đi điều tra và khảo sát,đoàn điều tra đã kết luận những tin đồn trên là sai sự thật. Đoàn phim Tây du ký không những đi khắp Trung Quốc, chọn bối cảnh quay phù hợp và đẹp nhất để đưa vào phim mà còn gặp vô số khó khăn. Do di chuyển giữa nhiều tỉnh, thành phố, đoàn phim không có thời gian và kinh phí xây dựng studio tạm thời ở phim trường. Tuy chi phí đi lại tốn kém nhưng bù lại tiết kiệm được chi phí xây dựng studio.
Chính vì thế, trước khi thành lập tổ phim, Dương Khiết cùng Vương Sùng Thu - quay phim chính, Lý Thành Nho – thư ký trường quay cùng nhiều nhân viên đoàn phim như tổ mỹ thuật, ánh sáng, biên kịch... tất cả gồm 6 người đi khắp Trung Quốc để khảo sát bối cảnh quay phim.
Ê-kíp thành lập đoàn quay đi khảo sát, tìm địa điểm quay "Tây du ký".
Sau khi thành lập đoàn phim, ê-kíp đi tìm địa điểm quay rất nhiều lần. Cuối cùng tổng số tỉnh thành đã quay trong cả nước là 24 tỉnh, trong đó có 21 địa điểm quay. Điều này có thể coi Tây du ký là đoàn phim đầu tiên đi khắp Trung Quốc để quay ngoại cảnh.
Mới đây, Toutiao vừa thống kê lại tất cả các địa điểm mà đoàn phim Tây du ký đã ghé thăm theo thứ tự từng tập phim sau 35 năm phát sóng.
Tập 1 Hầu vương sơ vấn thế
Theo Toutiao, tổng thời gian quay tập phim này kéo dài tới 3 năm. Được biết, đoàn phim đã đi rất nhiều nơi để quay ngoại cảnh phục vụ cho tập phim đầu tiên của Tây du ký. Trong số đó, những nơi quan trọng nhất là: Bắc Đới Hà ở tỉnh Hà Bắc. Để tạo ra tảng đá - nơi Ngộ Không chào đời, đoàn phim Tây du ký đã tề tựu đông đủ tại khu vực bờ biển Bắc Đới Hà (tỉnh Hà Bắc) chuẩn bị khởi quay cho phân cảnh này.
Những cảnh quay ở đây gồm cảnh ghép hình thạch hầu (khỉ đá) chào đời từ tảng đá lớn, cảnh thạch hầu vui sướng nô giỡn với sóng nước biển và cảnh Hầu Vương lập bè lên đường tầm sư học đạo.
Sau khi hoàn thành phân cảnh này, đoàn phim lại di chuyển tới thành phố Văn Xương (Hải Nam) và thác Hoàng Quả Thụ ở Quý Châu. Để quay phân cảnh ở Hoa Quả Sơn, Thủy Liêm Động trong phim được lấy bối cảnh là thác Hoàng Quả Thụ ở Quý Châu. Dòng thác trắng xóa hùng vĩ đổ xuống giúp đoàn phim ghi hình được phân cảnh đẹp nhất cho Thủy Liêm Động - ngôi nhà của Tôn Ngộ Không.
Những địa điểm khác được chọn để quay các cảnh cuộc sống của bầy khỉ bao gồm đảo Đông Sơn ở Phúc Kiến, vườn bách thảo Lư Sơn ở Giang Tây, Trương Gia Giới ở Hồ Nam, vườn dừa Văn Xương ở Hải Nam, Hoàng Quả Thụ ở Quý Châu, Thất Vương Phần và chùa Giới Đài ở Bắc Kinh.
Ở phân cảnh Thạch hầu vương được quay ở Tuyền Châu, Phúc Kiến. Cảnh quay Tà Nguyệt Tam Tinh động trong phim được quay ở núi Thanh Thành, Tứ Xuyên.
Tập 2 Quan Phong bật mã Ôn
Thời gian quay tập 2 kéo dài hơn hai năm, đoàn phim đi qua vô số địa điểm nổi tiếng. Ngoài Hoa Quả Sơn và Thủy Liêm động, địa điểm liên quan đến tập phim này chủ yếu là đồng cỏ du mục Thiên Hà nằm ở Tích Lâm Hạo Đặc, Nội Mông. Đây cũng là nơi đoàn phim tìm thấy và mua ngựa Bạch Long.
Ngoài quay ngoại cảnh, các phân cảnh ở thiên cung chủ yếu được quay trong studio của CCTV, long cung được quay trong khán phòng của Học viện Nghệ thuật Giải phóng quân.
Tập 3 Đại Thánh náo thiên cung
Cảnh Tôn Ngộ Không và Nhị Lang thần đánh nhau được quay ở Thập Độ và Thất Vương Phần ở Bắc Kinh.
Cảnh Tôn Ngộ Không đại chiến Hao thiên khuyển - một con chó mực của Nhị lang thần Dương Tiễn được quay một phần ở Thập Độ Bắc Kinh và một phần được quay ở Vườn bách thảo Lư Sơn, Giang Tây. Đặc biệt, hai chú chó mực ở hai phân cảnh này là hai chú chó hoàn toàn khác nhau.
Tập 4 Khốn tù Ngũ Hành sơn
Theo Toutiao, đoàn phim tới rất nhiều địa điểm để quay phim trong tập 4. Dưới đây, Toutiao chỉ thống kê được 7 - 8 địa điểm.
Ở phân cảnh Tôn Ngộ Không bị đè dưới Ngũ Hành Sơn suốt 500 năm. Cố đạo diễn Dương Khiết đã vô tình tìm thấy một hang đá tự nhiên, vừa đủ người chui vào tại một rừng đá (thạch lâm) ở Vân Nam.
Cảnh Đường Tăng giảng kinh được quay tại chùa Thiên Đồng, tỉnh Ninh Ba. Quán trà nơi Ân Ôn Kiều ném tú cầu kén rể được quay ở cổ trấn Hi Châu, Vân Nam - cách thành phố Đại lý 18km về phía Bắc.
Cảnh quay Trần Quang Nhụy và vợ là Ân Ôn Kiều (bố mẹ của Đường Tăng) trên đường sang sông đi nhậm chức nhưng gặp cướp được quay ở Trấn Giang, Giang Tô.
Cậu bé Đường Tăng lớn lên và thả cá, địa điểm quay ở chùa Phúc Khánh, núi Thương Nham tỉnh Hà Bắc.
Cảnh vua nhà Đường triệu kiến Đường Tăng được quay tại khu vực Vũ Vương lăng ở Thiệu Hưng, Chiết Giang.
Cảnh Đường Tăng đi về phía Tây được quay tại Thanh Tây lăng (một quần thể lăng mộ triều đại nhà Thanh) ở Bảo Đinh, Hà Bắc. Cảnh thiên cung được quay tại trường quay của CCTV, đồng nghĩa với việc chỉ riêng tập phim này, đã quay tại ít nhất 8 địa điểm.
Tập 5 Hầu vương hộ Đường Tăng
Phân cảnh Đường Tăng giải cứu Tôn Ngộ Không được quay ở rừng đá (thạch lâm) Vân Nam.
Giữa đường thầy trò Đường Tăng gặp cướp, thành công thu phục tiểu Bạch Long được quay tại Vũ Di Sơn ở Phúc Kiến, khu thắng cảnh Đại Hồng Bào, Phúc Kiến.
Tập 6 Họa khởi Quan Âm viện
Địa điểm quay tập phim này ở đền Dũng Tuyền - nằm trên sườn núi cổ ở Phúc Kiến. Hang động của Hắc Hùng Tinh - một con gấu đen thành tinh được quay tại núi Thanh Chi, Liên Giang, Phúc Kiến (Bách Động Sơn).
Điều bất ngờ nhất là cảnh Quan Âm viện bị đốt cháy được quay ở Đông Sơn đảo, Phúc Kiến. Lúc này, một ngôi chùa vừa bị cháy và chưa được xây dựng lại. Đúng lúc đoàn phim tới quay và chọn ngay bối cảnh ngôi chùa bị cháy cho phim.
Tập 7 Kế thu Trư Bát Giới
Thu phục Trư Bát Giới tại Cao Lão trang được quay tại Thanh Châu, Duy Phường tỉnh Sơn Đông. Nội cảnh bên trong Cao Lão trang quay tại Thập Hốt Viên tại thành phố Duy Phường, Sơn Đông.
Cảnh Trư Bát Giới cõng vợ trên lưng quay tại Lao Sơn, Thanh Đảo.
Vân Sơn Động - nơi sinh sống của Trư Bát Giới trên phim được quay tại động Thông Thiên,chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu (động Long Hoằng).
Tập 8 Khảm đồ phùng tam nạn
Động Thanh Phong là nơi trú ẩn của Hoàng Phong Quái (chồn lông vàng thành tinh) được quay tại động Thiện Quyến ở Nghi Hưng, thành phố Vô Tích.
Ngoại cảnh Lưu Sa hà - con sông lớn nổi tiếng trong phim được quay ở Hoa Giang, Quý Châu. Một cảnh khác được quay tại khán phòng của Học viện Nghệ thuật Giải phóng Quân. Cảnh Trư Bát Giới đòi làm rể được quay ở núi Thiên Bình và Di Viên tại Tô Châu.
Tập 9 Ăn trộm quả nhân sâm
Ngũ Trang quán trong phim được chọn bối cảnh quay tại đạo quán ở núi Thanh Thành, Tứ Xuyên.
Cây nhân sâm được quay tại Công viên Văn hóa Thành Đô. Điều đặc biệt là nơi đây cách nghĩa trang của bố đạo diễn Dương Khiết là liệt sĩ Dương Bá Khải yên nghỉ không xa.
Tập 10 Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh
Hang động của Bạch Cốt Tinh được quay tại Ba Nguyệt động gần sông Lãnh Thủy ở Hồ Nam.
Theo Toutiao, địa điểm của tập phim này chủ yếu được quay ở Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam. Thời điểm đó, Trương Gia Giới không có nhiều dịch vụ phát triển dù là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Trung Quốc. Đây cũng là cung đường xa xôi, hiểm trở nhất của đoàn phim Tây du ký từng đi qua.
Tập 11 Khiêu khích Mỹ hầu vương
Địa điểm của tập phim chủ yếu được quay ở Thạch Lâm, tỉnh Vân Nam. Phân cảnh khiêu khích Mỹ Hầu Vương được quay ở Lư Sơn, Giang Tây.
Cổng thành của vương quốc Bảo Tượng trong phim thực chất chính là cổng thành của thành cổ Đại Lý. Cảnh vật trong cung vương quốc Bảo Tượng được quay ở chùa Đàm Hoa, Côn Minh, Vân Nam.
Tập 12 Đoạt bảo Liên Hoa động
Theo Toutiao, tập Đoạt bảo Liên Hoa động là tập phim tiết kiệm nhất của đoàn Tây Du ký. Ngoài trừ một số cảnh quay phụ rời rạc, hầu hết các cảnh quay chính vẫn được quay tại Thạch Lâm, Vân Nam.
Tập 13 Trừ yêu Ô Kê quốc
Tập phim này được quay 2 lần. Lần đầu là quay thử và lần hai là quay lại một số cảnh chưa đạt ở lần 1. Các diễn viên của Ô Kê quốc đều được thay thế, Tôn Ngô Không và Trư Bát Giới trong tập này cũng thay đổi cách trang điểm. Địa điểm chính lần quay thử của cung điện của Ô Kê quốc là ở cầu Ngũ Đình, Dương Châu. Cảnh ngôi đền trong phim được quay tại chùa Đại Minh cũng ở Dương Châu.
Khi quay lại lần thứ 2, địa điểm quay của đoàn phim đã đổi sang Võng Sư viên - một trong những khu vườn nổi tiếng nhất ở Tô Châu.
Tập 14 Đại chiến Hồng Hài Nhi
Địa điểm chính của tập phim này chủ yếu ở khu rừng nguyên sinh ở núi Trường Bạch. Cảnh Tôn Ngộ Không suýt bị Tam Muội Chân Hỏa của Hồng Hài Nhi thiêu chết được quay ở ngay dưới chân núi.
Hỏa Vân động của Hồng Hài Nhi thực chất là một hòn non bộ ở công viên Triều Dương.
Tập 15 Đấu pháp hàng tam quái
Đây là tập phim tương đối dễ quay với đoàn phim vì chủ yếu các cảnh đều được quay quanh Bắc Kinh. Một số địa điểm xuất hiện trong phim như Thất Vương Phần, đền Giới Đài... Đoàn phim cũng quay thêm một số cảnh ở Tây Sơn, Bắc Kinh.
Tập 16 Thỉnh kinh Nữ nhi quốc
Đối với tập phim Nữ nhi quốc, đạo diễn yêu cầu phải chọn cảnh quay đẹp, có kiến trúc lạ. Chính vì thế, địa điểm quay chính của tập phim là Tô Châu, Hàng Châu và Thiệu Hưng.
Mở đầu tập phim, bốn thầy trò Đường Tăng đi thuyền trên sông được quay ở Đông Hồ, Thiệu Hưng. Khi bốn thầy trò đi vào Nữ Nhi quốc, cổng thành được quay ở Bàn Môn, Tô Châu.
Địa điểm quay cung điện của Nữ Nhi quốc là rừng Sư Tử (Sư Tử Lâm) ở Tô Châu chứ không phải Chuyết Chính Viên như lời đồn. Chuyết Chính Viên là một trong tứ đại lâm viên nổi tiếng của Tô Châu.
Cảnh nữ vương của Nữ Nhi quốc và Đường Tăng đi dạo trong cung được quay ở Tây Hồ, Hàng Châu.
Cảnh nữ vương Nữ Nhi quốc từ biệt bốn thầy trò quay ở công viên Bách thảo Hàng Châu.
Tập 17 Tam điệu Ba Tiêu phiến
Núi Hỏa Diễm được quay ngoại cảnh ở Thổ Lỗ Phiên (Turpan), Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương và cổ thành Cao Xương.
Khi Tôn Ngộ Không đến mượn quạt Ba Tiêu, địa điểm lại được đổi thành khu thắng cảnh Thất Tinh Nham và Lô Địch Nham ở Quế Lâm.
Ngoài ra, phân cảnh đối đấu với Ngưu Ma Vương được quay tại Nghệ thuật Quân sự Bắc Kinh lúc bấy giờ.
Tập 18 Tảo tháp biện kì oan
Toutiao cho biết, địa điểm quay các cảnh trong tập phim này không hề nhỏ. Tập phim chủ yếu được quay ở Sơn Tây ví dụ như hang đá Vân Cương, chùa Tấn Từ, chùa Quảng Thắng thuộc quận Hồng Đồng.
Nội cảnh ở Tảo tháp biện kì được quay ở Thất Vương Phần Bắc Kinh.
Long cung được quay ở Học viện Nghệ thuật Giải phóng Quân. Cảnh đả tử cửu đầu trùng quay ở Uy Hải, Sơn Đông.
Tập 19 Ngộ nhập Tiểu Lôi Âm
Tập phim này có hai địa điểm quay chính. Tiểu Lôi Âm được quay ở chùa Cửu Hoa, Hóa Thánh tự, Thượng Thiện đường ở An Huy.
Hang động của Hoàng Mi yêu vương quay tại động Linh Tê ở Chiết Giang.
Tập 20 Tôn hầu xảo hành y
Tập phim này được quay ở Hưng Lan đình, Chiết Giang.
Tập 21 Thác trụy Bàn tơ động
Tập phim này khá nổi tiếng khi có cảnh quay ở động bàn tơ của yêu tinh nhện. Bàn tơ động trong phim quay ở Cửu Trại Câu. Cửu Trại Câu là khu thắng cảnh nổi tiếng được mệnh danh là thiên đường hạ giới.
Hoàng Hoa quán được quay ở đền Nhị Vương - khu thắng cảnh nổi tiếng ở Thành Đô, Tứ Xuyên
Tập 22 Tứ thám Vô Để động
Nội cảnh của Vô Để động trong tập phim này được quay tại Học viện Hí kịch Yên Đài ở Sơn Đông. Ngoại cảnh quay ở Thất Vương Phần và Thanh Tây lăng.
Tập 23 Truyền thuyết Ngọc Hoa Châu
Tập phim này được quay chính tại chùa Phật Sơn, Quảng Đông rất nổi tiếng.
Cung điện Ngọc Hoa Châu được quay ở chùa Nhi Vương. Cảnh bốn thầy trò Đường Tăng đột nhập vào căn phòng lạ được quay ở Đền Thanh Chân ở Tuyền Châu, Phúc Kiến. Địa điểm quay hang động của Hoàng Sư Tinh và Cửu Linh Nguyên Thánh ở Thất Tinh Nham, Quảng Đông.
Tập 24 Thiên Trúc thu Ngọc Thố
Tập phim này có 3 địa điểm chính. Cảnh công chúa Thiên Trúc được quay ở Thúy hồ - khu danh thắng nổi tiếng ở Côn Minh. Cảnh quay công chúa chuẩn bị kết hôn quay tại Thụy Lệ, Vân Nam. Một số cảnh quay khác trong tập này được thực hiện ở Thái Lan.
Tập 25 Ba sinh cực lạc thiên
Những ngôi chùa tráng lệ trong tập phim này được quay ở Thái Lan.
Chùa Lôi Âm trong tập phim này được quay tại Xưởng phim Quốc gia Vân Nam, Côn Minh. Một cảnh quay khác của bốn thầy trò Đường Tam Tạng quay tại công viên bách thảo Hương Sơn, Bắc Kinh. Cảnh vua Đường đón tiếp Đường Tăng quay ở Thanh Tây Lăng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.