Hậu xuất khẩu, lao động giỏi vẫn thất nghiệp

Nguyệt Tạ Thứ ba, ngày 23/07/2019 05:56 AM (GMT+7)
Mỗi năm, Việt Nam tiếp nhận hàng nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về. Mặc dù đây là nguồn lao động chất lượng cao, nhưng có thực tế là khi về nước, nhiều lao động lại không tìm kiếm được công việc phù hợp.
Bình luận 0

Việc ít, lương thấp...

Đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Hàn Quốc và trở về nước được gần 1 năm, nhưng tới nay anh Lê Tuấn Anh (quê Nam Định) vẫn chưa tìm kiếm được một công việc như ý. Khi ở Hàn Quốc, anh Tuấn Anh làm việc cho một xưởng chế tạo ôtô với mức lương tính ra hơn 40 triệu đồng/tháng. Công việc này, theo anh vừa có thu nhập cao vừa có môi trường làm việc thuận lợi.

“Thời điểm trước khi hết hợp đồng, bạn bè mình bên đó, thậm chí là cả chủ người Hàn Quốc luôn khuyên mình ở lại. Dù có hết hạn hợp đồng thì người ta vẫn tiếp nhận, nhưng nghĩ đến cảnh mẹ già con thơ ở nhà, mình quyết định thôi” - anh Tuấn Anh nói.

img

Lao động về nước tham gia tìm kiếm việc làm tại một phiên giao dịch việc làm ở Hà Nội.  Ảnh: Minh Nguyệt

Mong muốn được đoàn tụ cùng gia đình và về làm việc cống hiến cho quê hương, nhưng tới khi về nước, anh Tuấn Anh lại bị sốc vì “năm lần, bảy lượt” đi xin việc đều không được. “Lương thấp, chỉ từ 5-7 triệu đồng/tháng, cộng với công việc nếu làm sẽ không tận dụng được tay nghề khiến tôi cảm thấy không thể hòa nhập được với công việc ở quê nhà” – anh Tuấn Anh tâm sự.

Gần đây, khi tham gia phiên giao dịch việc làm dành cho lao động từ Hàn Quốc về nước, anh Tuấn Anh đã xin được công việc phiên dịch viên cho một công ty may của Hàn Quốc ở Nam Định với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, công việc cũng không kéo dài được lâu vì vốn tiếng Hàn chuyên ngành may mặc của anh không đủ nhiều.

“Mong muốn được làm việc trong môi trường có tiếng Hàn để mình duy trì ngoại ngữ nhưng lại không thể làm việc. Giờ mình chỉ mong được làm công việc đúng sở thích tay nghề mình có đó là lắp ráp, chế tạo ôtô, nhưng tại địa phương ngành nghề này còn chưa phát triển” - anh Tuấn Anh bày tỏ.

Tương tự, sau 5 năm lao động tại Nhật Bản, chị Nguyễn Thị Chi (Lâm Thao, Phú Thọ) trở về nước với nhiều dự định. Tuy nhiên, mọi tính toán của chị đều lỡ dở vì đã gần 1 năm, chị vẫn không tìm được việc làm phù hợp. Chọn lựa mãi, cuối cùng chị phải nhờ sự giới thiệu của bạn bè lên Hà Nội xin vào làm chân chạy bàn tại một nhà hàng Nhật Bản, vừa để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, vừa để gìn giữ vốn tiếng Nhật của mình. Mơ ước về một công việc có thu nhập cao, ổn định, đúng chuyên môn cũ của chị không biết lúc nào mới thành hiện thực.

Chính sách hỗ trợ yếu

Hiện nay, chưa có một đơn vị nào đứng ra thống kê được số lượng lao động đi XKLĐ về nước. Bởi vậy, chính sách trợ giúp, tư vấn việc làm cho nhóm lao động này cũng chỉ diễn ra nhỏ lẻ, chưa mang tính chất quy mô và chưa có một đề án rõ ràng.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2019 có 54.144 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tăng 12,02% so với 5 tháng đầu năm 2018. Riêng trong tháng 5, các doanh nghiệp đã cung ứng được 12.419 lao động, tăng 32,37% so với tháng 4 liền kề.

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - đơn vị thường xuyên tổ chức phiên giao dịch, giới thiệu việc làm cho lao động đi XKLĐ về nước cho biết: “Do có sự chênh lệch lớn về môi trường và thu nhập của lao động, nên hầu hết lao động sau khi về nước đều bị “sốc” trong quá trình tìm kiếm việc làm. Nhiều lao động phải mất 1-2 năm mới tìm kiếm được công việc, dù công việc đó cũng chưa vừa ý, hoặc chưa phát huy được hết tay nghề của họ”.

Theo ông Thành, sở dĩ lao động về nước gặp hạn chế trong quá trình tham gia thị trường lao động là bởi, nhiều lao động có vốn ngoại ngữ khá hạn hẹp, không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mặt khác, hiện vẫn chưa có chính sách cụ thể cho người lao động khi trở về cũng như chính sách tận dụng nguồn vốn mà họ tích lũy được để đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Ông Phạm Đỗ Nhật Tân – Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ cho biết, hiện các đơn vị liên quan kể cả cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp… mới chỉ quan tâm đưa người đi XKLĐ chứ chưa quy định trách nhiệm cụ thể trong việc tổng hợp, đánh giá nguồn lực lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về theo địa bàn, ngành nghề, trình độ, tuổi tác, giới tính, nguyện vọng... Bên cạnh đó, việc thực thi các quy định hỗ trợ tạo việc làm cho lao động sau khi về nước còn thiếu những hướng dẫn cụ thể. Điều này dẫn đến không ít lao động trở về không tìm kiếm được việc làm phù hợp, đồng vốn tích lũy vơi cạn dần, đứng trước nguy cơ thất nghiệp.

“Thực tế người đi XKLĐ về nước vẫn có nhiều cơ hội tìm việc làm vì các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam luôn có nhu cầu tuyển dụng những người có kỹ năng, kinh nghiệm, ngoại ngữ và đặc biệt là tác phong làm việc công nghiệp. Quan trọng là làm sao tăng cường công tác kết nối giữa lao động và doanh nghiệp” - ông Tân nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem