Hé lộ âm mưu ám sát Stalin của Cơ quan Tình báo Nhật Bản

Quang Hải (tổng hợp) Chủ nhật, ngày 27/09/2020 09:31 AM (GMT+7)
Năm 1938, sau khi thất bại trong cuộc chiến với Liên Xô ở gần khu vực Khankhingon, một số tướng lĩnh Nhật Bản đã tiến hành âm mưu ám sát Stalin. Kẻ vạch ra và chỉ huy thực hiện kế hoạch là Genrikh Samoilevich Lyushkov – nguyên là một chỉ huy cao cấp của Bộ dân ủy nội vụ Liên Xô (NKVD) đã đào tẩu sang Nhật Bản trước đó...
Bình luận 0

Genrikh Lyushkov (tên đầy đủ là Genrikh Samoilevich Lyushkov) sinh tại Odessa năm 1900 và là con của một thợ may. Lyushkov tham gia các hoạt động của Cheka (Ủy ban đặc biệt toàn quốc về đấu tranh chống phản cách mạng, tung tin đồn nhảm và phá hoại) và GPU (tiền thân của NKVD - Bộ Dân ủy Nội vụ, cơ quan trung ương phụ trách nội vụ và an ninh quốc gia ở Liên Xô) tại Odessa từ năm 1920 sau đó đã phục vụ cơ quan này tại nhiều vùng của Liên Xô. Năm 1937, Lyushkov được phong chức vụ Cục trưởng Cục Viễn Đông của NKVD.

Hé lộ âm mưu ám sát Stalin của Cơ quan Tình báo Nhật Bản - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Stalin.

Ngay sau khi nhận chức Cục trưởng, cùng với những biến động lớn trong bộ máy chính quyền Liên Xô lúc đó, Lyushkov biết được ông ta sắp bị điều chuyển về Moskva.

Ngày 13/7/1938, Lyushkov đã bỏ trốn, vượt biên giới sang Mãn Châu mang theo rất nhiều tài liệu bí mật có giá trị về tình hình quân sự của Liên Xô tại vùng Viễn Đông. Lyushkov là sĩ quan cao cấp nhất của Cơ quan Tình báo Liên Xô đào tẩu sang Nhật Bản trong lịch sử của cơ quan này.

Trong thời gian hai năm từ 1937 đến 1938, cùng với những hoạt động “Đại thanh trừng” trong nội bộ chính quyền Liên Xô, rất nhiều quân nhân và thường dân Liên Xô vượt biên sang Trung Quốc. Cơ quan Đặc vụ Nhật Bản tại Cáp Nhĩ Tân phụ trách việc thẩm vấn những người đó và quyết định xử lý từng trường hợp như thế nào.

Trong đó có trường hợp Lyushkov đã được Cơ quan Đặc vụ Nhật Bản đặc biệt quan tâm. Trên thực tế chức vụ của Lyushkov là Cục trưởng Cục Viễn Đông thuộc Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô và mang quân hàm Trung tướng. Chính vì vậy cuộc đào tẩu của Lyushkov đã khiến cho tầng lớp lãnh đạo cao cấp Liên Xô lo ngại và phủ nhận việc Lyushkov đào tẩu.

Tuy nhiên, đây thực sự là một cơ hội lớn đối với Nhật Bản bởi khi đào tẩu Lyushkov đã mang theo những thông tin tình báo rất quý giá về tình hình quân sự của Liên Xô tại khu vực Viễn Đông trong đó quan trọng nhất là thông tin cho biết Liên Xô đã tập trung một lực lượng lên đến hàng chục vạn Hồng quân và hơn 1.000 máy bay quân sự tại khu vực này.

Trong khi đó tính đến cuối tháng 6/1938, lực lượng quân Nhật đối phó với Hồng quân Liên Xô ở Triều Tiên, Mãn Châu chỉ bao gồm có 9 sư đoàn. Ngoài ra quân Nhật chỉ còn có 2 sư đoàn ở trong nước và còn lại 23 sư đoàn bố trí trên chiến trường Trung Quốc. Trong thời điểm đó nếu phải đối đầu với Hồng quân Liên Xô thì người Nhật sẽ cầm chắc thảm bại.

Theo thông tin Lyushkov cung cấp thì người Liên Xô sẽ đợi cho binh lực của Nhật Bản bị hao tổn trong chiến tranh Trung Quốc thì sẽ tấn công Nhật Bản. Vì vậy Nhật Bản đã tranh thủ ký Hiệp ước ba bên với Đức và Italia cùng chống lại phía Cộng sản để khiến Liên Xô phải dè chừng.

Chỉ huy tình báo của Lục quân Nhật Bản khi đó là Trung tướng Sadaaki Kagesa sau khi Lyushkov đào tẩu 8 ngày tức ngày 21/6 đã có một bản báo cáo mang nhan đề “Cương yếu xử lý sự biến Trung Quốc” trình cho Tư lệnh Lục quân Nhật Bản khi đó là Đại tướng Itagaki Seishir. Bản báo cáo này có nội dung chiến lược nhằm kết thúc sự biến Trung - Nhật ngay trong năm để tránh khả năng phải đối phó với chiến sự ở cả hai mặt trận.

Ngày 29/7/1938, Nhật Bản tấn công và chiếm lĩnh hai vị trí quan trọng ở gần Vladivostok. Liên Xô đã phản công và buộc quân Nhật phải rút lui. Giới ngoại giao Nhật Bản muốn giải quyết sự việc bằng thương lượng nhưng các tướng lĩnh quân sự đã chọn một giải pháp khác: đó là ám sát lãnh tụ Liên Xô Stalin.

Và người được lựa chọn để lên kế hoạch và tham gia hành động này chính là Lyushkov. Tham gia vạch kế hoạch nhằm ám sát Stalin mang mật danh “Săn gấu”, ngoài Lyushkov còn có Shiba Yukio, chuyên gia về Liên Xô thuộc Phòng 2, Bộ chỉ huy Lục quân Nhật Bản và Thiếu tướng Utagawa Hagishima, chỉ huy Cơ quan Tình báo của Bộ Tư lệnh quân Quan Đông. Phụ trách thực hiện kế hoạch “Săn gấu” là Utagawa Hagishima.

Cơ quan Tình báo Nhật Bản đã tuyển chọn được 7 người Liên Xô từ Cáp Nhĩ Tân trong đó có Lyushkov, ngoài ra còn có 1 chỉ huy cao cấp khác của Liên Xô cũng đào tẩu sang Nhật Bản là Aleksei Valsky. 5 người còn lại được lựa chọn từ tổ chức chống chính quyền Xôviết và Stalin mang tên “Liên minh những người theo chủ nghĩa yêu nước Nga”.

Theo hiểu biết của Lyushkov, vốn là lãnh đạo Ủy ban Dân ủy Nội vụ khu vực Hắc Hải trước khi chuyển đến Viễn Đông, thì cha đẻ của Stalin đã qua đời ngày 25/1/1890 và được chôn cất tại Gori (Gruzia). Bắt đầu từ năm 1930, cứ 3 năm một lần, Stalin đều đi tảo mộ tại Gori vào đúng ngày mất của cha mình.

Và ngày 25/1/1939 chắc chắn ông sẽ có mặt tại Gori. Mỗi lần sau khi thăm mộ xong, Stalin đều đến ở Sochi vài ngày do vào thời điểm đó ở Moskva đang là mùa đông lạnh giá còn khí hậu ở khu vực duyên hải này lại ấm áp.

Đây đã trở thành một thông lệ và trong thời gian ở Sochi, hàng ngày vào lúc từ 14h đến 17h Stalin thường đi tắm ở suối nước nóng tại khu điều dưỡng dành cho các nhà lãnh đạo Liên Xô nằm cách khu biệt thự nơi ông ở khoảng 4km.

Từng là nhân vật có quyền lực trong NKVD nên Lyushkov nắm rõ những thói quen của Stalin cũng như công tác bảo vệ ông. Thông thường Stalin sẽ sử dụng một phòng tắm riêng đặc biệt, khi Stalin tắm bên trong thì bên ngoài cửa vào duy nhất luôn có hai nhân viên bảo vệ vũ trang đứng gác.

Trong khi Stalin có mặt tại đó thì toàn bộ khu vực bị phong tỏa và không ai được phép ra vào. Tuy nhiên công tác bảo vệ nghiêm ngặt mấy cũng có chỗ sơ hở. Theo hiểu biết của Lyushkov thì nước ở khu vực này sau khi sử dụng sẽ được chảy ra một con sông gần đó theo một đường cống ngầm. 

Vào buổi tối, khi lượng nước thải từ khu suối nước nóng ít đi thì mực nước trong đường cống ngầm chỉ đến đầu gối và có thể theo con đường đó bò vào trong khu nhà tắm. Chỗ lên nằm ngay ở nơi thoát nước của nhà bếp chảy vào đường cống. Và nhà bếp lại nằm ngay gần với phòng tắm đặc biệt của Stalin. 

Lyushkov và Shiba Yukio, Utagawa Hagishima cùng vạch ra một kế hoạch chi tiết theo đó trong buổi đêm, nhóm ám sát sẽ bò qua đường cống ngầm đột nhập vào bên trong khu nhà tắm, sau đó trốn trong phòng lò hơi ngay cạnh phòng tắm của Stalin.

Căn phòng lò hơi nằm giáp với vách tường phía trong phòng tắm của Stalin và bình thường chỉ có 2 công nhân vận hành lò hơi ở đó. Khi nhóm công nhân này đến làm việc vào buổi sáng, nhóm ám sát sẽ bắt trói họ lại. Chỉ cần có đầy đủ nước nóng và không khí nóng thì sẽ không có ai biết chuyện gì xảy ra bên trong phòng lò hơi.

Theo thói quen, 14h Stalin sẽ vào phòng tắm vì vậy kế hoạch của Lyushkov là đến 15 giờ, 2 người thuộc nhóm ám sát sẽ thay trang phục của công nhân lò hơi và tiếp cận hạ thủ những nhân viên bảo vệ bên ngoài còn 5 người còn lại sẽ xông thẳng vào khu vực phòng tắm của Stalin.

Nhóm ám sát đã diễn tập nhiều lần với hiện trường mô phỏng tại Tân Kinh (Hsinking). Khu vực phòng nghỉ tập trung một nhóm bảo vệ, lối ra vào có 2 nhân viên bảo vệ và trước cửa phòng tắm của Stalin có 2 nhân viên bảo vệ.

Trong khi 2 thành viên nhóm ám sát đóng giả công nhân xử lý nhóm bảo vệ tại phòng nghỉ thì 5 thành viên còn lại của nhóm ám sát phải nhanh chóng hạ được 2 nhân viên bảo vệ bên ngoài phòng tắm của Stalin. Sau đó họ để lại 3 người đối phó với bên ngoài còn bản thân Lyushkov và Aleksei Valsky sẽ xông vào phòng tắm để hạ sát Stalin.

Tháng 12/1938, nhóm ám sát rời khỏi cảng Đại Liên với hộ chiếu và giấy tờ nhập cảnh vào Italia. Ngày 14/1/1939, nhóm ám sát đến cảng Naples của Italia. Tại đây nhóm ám sát được làm thủ tục để nhập cảnh vào Thổ Nhĩ Kỳ qua Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Naples.

Ngày 19/1/1939, nhóm ám sát đến thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo kế hoạch, từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm ám sát sẽ vượt qua biên giới để xâm nhập Gruzia và tìm đường đến thành phố Sochi. Do trong nhóm ám sát có Lyushkov và Aleksei Valsky nên họ không thể vào Liên Xô theo đường công khai mà sẽ phải vượt biên.

Nhóm ám sát lên kế hoạch thuê một chiếc thuyền ở Stanbul để lén lút đổ bộ lên bờ biển gần Sochi trong đêm. Tuy nhiên, hành động này có thể bị lộ với thủy thủ đoàn của chiếc thuyền đi thuê và cũng dễ bị lực lượng biên phòng hai nước phát hiện nên kế hoạch xâm nhập Sochi bằng đường biển đã phải hủy bỏ.

Trước khi xâm nhập vào Liên Xô, những người tham gia kế hoạch “Săn gấu” được hứa hẹn nếu thành công sẽ được Cơ quan Tình báo Nhật Bản thưởng mỗi người một căn biệt thự và 1 triệu USD.

Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ chia cách nhau bằng dãy núi Caucasus nhưng công việc canh gác ở khu vực núi này lại lơi lỏng do địa hình hiểm trở. Từ Istanbul đi tàu đến cảng Alharby và đi ôtô là có thể đến thị trấn miền núi Bolga nằm cách biên giới với Liên Xô khoảng 20km.

Một con sông mang tên Kiulu chảy qua thị trấn này và chảy vào Liên Xô rồi từ phía nam của Batumi chảy vào Hắc Hải. Hai bên bờ sông là vách đá dựng đứng và lòng sông toàn những tảng đá lớn.

Tuy nhiên, theo những người dân địa phương thì chỉ có  khoảng 5km đầu là khó đi còn sau đó càng gần đến biên giới với Gruzia sông chảy êm đềm dần. Men theo bờ sông đi bộ đến biên giới mất khoảng 8 tiếng đồng hồ. Qua biên giới là Batumi cách Sochi 300km và có thể đến đó bằng đường bộ hoặc đường sắt.

Tuy nhiên, ngay khi nhóm ám sát vừa qua được biên giới đã liền gặp phải sự tấn công của lực lượng biên phòng Gruzia mặc dù theo thông tin tình báo mà Trạm tình báo của Nhật Bản ở Istanbul thu thập được thì khu vực đó không có trạm gác và cũng ít khi có lực lượng biên phòng tuần tra.

Hai bên nổ súng và 3 người thuộc nhóm ám sát đã bị tiêu diệt. 4 người còn lại trong đó có Lyushkov đã vội vàng chạy ngược lại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, tình báo Nhật Bản đã không xác định được điệp viên mang mật danh Leo đó thuộc trong số 3 người đã bị bắn chết trong khi nổ súng với lực lượng biên phòng Gruzia hay thuộc nhóm 4 người trở về an toàn.

Ngày 29/1/1939, tờ News Chronicle của Anh (tờ Daily Mail ngày nay) đã đưa tin: Theo Thông tấn xã TASS, lực lượng biên phòng của nước Cộng hòa Gruzia tuyên bố họ đã bắn chết 3 người có ý định vượt biên từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Trên thi thể của những người đó đã tìm thấy vũ khí, bản đồ và sơ đồ thiết kế một trung tâm điều dưỡng dành cho các nhà lãnh đạo Liên Xô ở Sochi mà Stalin vẫn thường lui tới. Mục đích vượt biên của nhóm người này là nhằm ám sát Stalin khi đó đang ở Sochi. Tuy nhiên, lực lượng biên phòng đã được biết trước về kế hoạch đó.

Sau khi trốn thoát khỏi cuộc phục kích của lực lượng biên phòng, Lyushkov đã quay trở lại được Nhật Bản. Lyushkov tiếp tục làm việc cho Cơ quan Tình báo quân sự Nhật Bản và sống tại Tokyo đến năm 1945.

Sau đó Lyushkov được phái đến Mãn Châu để làm cố vấn cho quân đội Nhật Bản thời gian đó đang phải đối phó với hàng loạt các vụ ám sát từ phía Liên Xô vào tháng 8/1945. Tại đó Lyushkov đã bị bắn bởi một sĩ quan tình báo Nhật Bản tên là Takeoka để tránh việc Lyushkov bị rơi vào tay quân đội Liên Xô. Tuy nhiên thi thể của Lyushkov đã không bao giờ được tìm thấy.

Trong thời gian ở tại Tokyo, Lyushkov đã viết hồi ký và bình luận về Liên Xô với nội dung chống Stalin. Tuy nhiên Cơ quan Tình báo Nhật Bản đã thiêu hủy tất cả những tài liệu đó ngay trước khi Thế chiến thứ II kết thúc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem