Hé lộ điều ít ai biết về những chàng trai giả nữ diễn Drag Queen

Trung Hiếu - Thùy Anh Thứ hai, ngày 08/04/2024 13:05 PM (GMT+7)
Trên sân khấu, tiếng nhạc điện tử vang lên khiến lòng người rộn rạo. Những nghệ sĩ Drag Queen trang điểm lộng lẫy, bước tới khoe đôi chân thon dài, biểu diễn ca khúc với vũ đạo "bốc lửa" và nhận được cổ vũ nồng nhiệt của khán giả.
Bình luận 0

Hé lộ điều ít ai biết về những chàng trai giả nữ diễn Drag Queen. Clip: Trung Hiếu

Nghệ sĩ Drag Queen mạnh tay chi tiền triệu cho một bộ đồ biểu diễn

15 giờ chiều, anh Lê Hải Phong (26 tuổi) - một nghệ sĩ Drag Queen (diễn viên hóa trang giả nữ) tại Hà Nội đang chỉn chu ủi lại chiếc đầm đuôi cá màu xanh đính kim sa lấp lánh để chuẩn bị cho buổi biểu diễn sau đó 3 tiếng. Căn phòng rộng chừng 15 mét vuông chứa đầy những chiếc váy lộng lẫy, xung quanh là các đôi giày cao gót với đủ mọi màu sắc, kiểu dáng cùng một bàn trang điểm chật kín dụng cụ. Những thứ này đều được anh Phong tích góp, dành dụm từng chút một để phục vụ cho đam mê trình diễn nghệ thuật Drag Queen của mình.

Những nghệ sĩ Drag Queen biểu diễn trên sân khấu. Ảnh: Trung Hiếu

Những nghệ sĩ Drag Queen biểu diễn trên sân khấu. Ảnh: Trung Hiếu

“Drag lấy rất nhiều cảm hứng từ nghệ thuật, văn hóa pop đương đại, và thời trang, bởi vì nó quan trọng về mặt hình ảnh thế nên người biểu diễn luôn phải cập nhật những hình ảnh mới, đòi hỏi người nghệ sĩ phải hóa trang với một lớp trang điểm trông rất khác biệt, không như makeup thông thường hàng ngày. Một bộ đồ diễn đẹp thì rẻ nhất là 3 – 4 triệu đồng, còn thêm cả tiền tóc, trang phục, phụ kiện, quần áo, giày dép, giày cao gót… thì sẽ lên khoảng tầm 5 triệu đồng cho 1 bộ đồ” – anh Phong chia sẻ.

Vừa nói, đôi tay thoăn thoắt của anh Phong vừa nhanh nhẹn, tỉ mỉ tô từng lớp son, dặm từng chút phấn lên gương mặt của mình, giọng anh càng hào hứng khi nhắc về những ngày đầu theo đuổi đam mê: “Từng ấn tượng với hình ảnh người đàn ông người Mỹ đứng trước gương trang điểm và biểu diễn Drag với phong cách hài hước, lôi cuốn qua một video năm 2016 nhưng tới năm 2019, mình mới bắt đầu công việc này. Thời gian đầu mình chỉ mua đồ rẻ về làm trang phục diễn thôi. Sau này đi diễn nhiều hơn thì mình có thêm kỹ năng makeup, lúc đấy mình mua những trang phục chất lượng tốt hơn và tủ đồ cũng dần nhiều lên”.

Thông thường, anh Phong mất từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ để trang điểm trước buổi diễn. Ảnh: Trung Hiếu

Thông thường, anh Phong mất từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ để trang điểm trước buổi diễn. Ảnh: Trung Hiếu

Hiện tại, ngoài thời gian hóa thân thành “nữ hoàng” Drag Queen, anh Phong còn là một nhân viên livestream bán hàng của một cửa hàng mỹ phẩm. Anh tâm sự, phần lớn thu nhập từ việc "chạy show" đều được anh dùng để mua đồ biểu diễn. Để đảm bảo trang phục vừa số đo của bản thân, anh Phong phải tự mua vải, sau đó thuê thợ may riêng. “Ngoài trang phục bên ngoài thì mình phải chuẩn bị cả đồ lót chiết eo, nịt bụng nên dù vẻ ngoài nhìn có vẻ lộng lẫy nhưng thực tế trang phục của mình khá cồng kềnh và nặng nề” - anh nói.

Xen giữa cuộc trò chuyện của anh Phong với phóng viên Dân Việt là lời dặn dò đầy ân tình của bà Nguyễn Kim Nhung (mẹ anh Phong) dành cho con trai của mình: "Hôm nay con đi diễn mấy giờ? Tí nữa xuống ăn cơm mẹ để phần dưới nhà rồi hẵng đi nhé!”.

Ngoài thời gian hóa thân thành “nữ hoàng” Drag Queen, anh Phong còn là một nhân viên livestream bán hàng. Ảnh: Trung Hiếu

Ngoài thời gian hóa thân thành “nữ hoàng” Drag Queen, anh Phong còn là một nhân viên livestream bán hàng. Ảnh: Trung Hiếu

Dứt lời, người phụ nữ 51 tuổi lại tất bật vào sửa soạn đồ diễn giúp con. Bà Nhung mở lòng chia sẻ với phóng viên: “Tôi cũng đã xem Phong trên sân khấu được 3 lần rồi. Những lúc được xem con diễn thì tôi thấy rất thoải mái, rất vui vì con đã trưởng thành và tự tin trên con đường của mình. Tôi thấy rất là yên tâm và hạnh phúc”.

Drag Queen có nguồn gốc từ phương Tây vào thời Shakespeare ở thế kỷ 17, được du nhập vào Việt Nam từ những năm 90. “Drag” trong Drag Queen là viết tắt từ của cụm từ “Dressed Resembling A Girl”, được hiểu là ăn mặc giống con gái. Hiện nay, Drag Queen mang ý nghĩa chỉ chung các nghệ sĩ hoá trang thành nữ giới. Đa số người theo Drag đều chọn cách biểu diễn lip-sync (hát nhép); số khác dùng giọng hát trực tiếp của mình để phô diễn tài năng; có người lại thể hiện sở trường stand-up comedy (hài kịch tình huống) trên sân khấu.

Không giấu được niềm vui ánh lên trong đôi mắt, bà Nhung tiếp lời: “Là một người mẹ, đến giờ phút này tôi luôn tự hào vì con đã dũng cảm hơn nhiều người khác, dám sống thật với giới tính của mình và có thể mở lòng chia sẻ với gia đình và bạn bè. Tôi chỉ thương con mỗi lần đi diễn phải mất từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ để trang điểm thì con sẽ vất vả, nhưng thấy Phong vui với đam mê tuổi trẻ, tôi sẽ đứng sau ủng hộ hết mình”.

Tâm sự chàng trai diễn Drag Queen: “Khán giả càng vỗ tay, tôi càng “cháy” trên sân khấu

"Dumbling Kween" là tên Drag của chàng trai Lê Duy Anh (22 tuổi, Hà Nội). Trò chuyện với phóng viên Dân Việt sau khi vừa hoàn thành một buổi biểu diễn, Duy Anh trải lòng: “Ngoài đời tôi là Duy Anh, nhưng trên sân khấu là Dumbling Kween. Có điều gì về mặt cảm xúc mà Duy Anh khó truyền đạt tới mọi người thì Dumbling Kween sẽ làm giúp chuyện đó. Lúc tôi biểu diễn, nghe tiếng vỗ tay của khán giả là tôi lại càng “cháy”. Điều đó làm phần trình diễn của tôi thêm thăng hoa".

Anh Lê Duy Anh trò chuyện với phóng viên Dân Việt sau đêm diễn. Ảnh: Trung Hiếu

Anh Lê Duy Anh trò chuyện với phóng viên Dân Việt sau đêm diễn. Ảnh: Trung Hiếu

Để có được một tiết mục biểu diễn trên sân khấu, Duy Anh cùng cộng sự phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng: “Chúng tôi sẽ lên ý tưởng, biên bài cùng nhau, tạo nên những bối cảnh thú vị và từ đó truyền tải các thông điệp có ý nghĩa qua từng bài diễn. Mỗi tiết mục lại đòi hỏi phải mặc một bộ trang phục khác nhau, thường sẽ được lấy cảm hướng từ các bộ đồ trên các show diễn thời trang và trong các bộ phim truyền hình, phim hoạt hình”.

Duy Anh bắt đầu biểu diễn Drag show từ năm 2020, khi còn sinh sống tại Úc. Về Việt Nam, chàng trai 22 tuổi tiếp tục theo đuổi đam mê này. “Tôi từng biểu diễn ở những thành phố khác như là TP.HCM, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Hải Phòng,… Tuy nhiên, phần lớn tôi diễn ở Hà Nội, thỉnh thoảng sẽ được mời đi các show khác để biểu diễn”.

Trang phục biểu diễn của một nghệ sĩ Drag Queen ở mỗi tiết mục trong buổi diễn phải có sự khác nhau. Ảnh: Trung Hiếu

Trang phục biểu diễn của một nghệ sĩ Drag Queen ở mỗi tiết mục trong buổi diễn phải có sự khác nhau. Ảnh: Trung Hiếu

Chia sẻ về địa điểm biểu diễn Drag show, Duy Anh nói: “Thông thường, tôi đi diễn ở những quán bar, hoặc sẽ nhận biểu diễn tại các sự kiện được tổ chức ở quán cà phê như hôm nay chẳng hạn. Diễn nhiều tôi mới thấy có không ít khán giả yêu và ủng hộ Drag Queen, họ cổ vũ nhiệt tình và còn thân thiện chụp hình kỷ niệm cùng tôi ở hậu trường nữa”.

Kết thúc buổi diễn và dọn đồ để trở về nhà khi đồng hồ chỉ 22 giờ đêm, Duy Anh tâm sự: “Tôi mong muốn qua việc biểu diễn Drag, có thể truyền cảm hứng và sự tích cực không chỉ trong cộng đồng LGBT mà tới tất cả mọi người. Bản thân tôi cũng sẽ học hỏi, trau dồi thêm nhiều hơn để có thể tạo ra được nhiều tiết mục tỏa sáng trong tương lai”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem